Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Góc nhìn chuyên gia về môi trường văn hóa và văn hóa ứng xử

Thứ Hai 13/09/2021 | 09:44 GMT+7

VHO- Nhìn nhận về văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội, theo nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, cần có những giải pháp tuyên truyền, tác động để thay đổi nhận thức, hành động của cộng đồng về văn hóa ứng xử, nhân lên những giá trị tốt đẹp và đẩy lùi tiêu cực, phản cảm. 

Vai trò giáo dục gia đình trong bồi dưỡng đạo đức, nhân cách con người (ảnh minh họa)

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố môi trường văn hóa trong việc hình thành, giáo dục nhân cách, đạo đức và lối sống con người. Đó là hệ quy chiếu rõ nét nhất, chi phối hành vi ứng xử của mỗi cá nhân trong các môi trường cụ thể là gia đình, cộng đồng và xã hội. 
Môi trường văn hóa tác động đến giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống… 
Môi trường văn hóa có vai trò quan trọng trong việc hình thành và giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống của mỗi người. Trong thời gian qua, hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, chủ yếu là xây dựng các thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa đã được chú trọng, quan tâm; nhiều phong trào như xây dựng làng, bản, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, công sở văn hóa, nếp sống văn hóa… đã được triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, cách tiếp cận này đang dần bộc lộ những hạn chế, bất cập, dẫn đến công cuộc xây dựng môi trường văn hóa đạt hiệu quả chưa cao, đôi khi còn hình thức, bề nổi, không thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, trong bối cảnh lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống ở Việt Nam hiện nay đang có nhiều biểu hiện đáng lo ngại, việc xây dựng một đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, một môi trường văn hóa lành mạnh, hài hòa đang đặt ra cấp thiết. 
Tác giả Trần Văn Bính trong bài viết Xây dựng môi trường và hoàn thiện các chuẩn mực văn hóa đã nhấn mạnh, nói môi trường văn hóa là nói đến những giá trị, những chuẩn mực trong hành vi ứng xử, lao động, tổ chức, lãnh đạo và quản lý xã hội đang tồn tại quanh ta, thường xuyên tác động trực tiếp đến mỗi chúng ta nhằm thiết lập mối quan hệ gắn bó giữa con người với con người, nhằm phát huy sức mạnh nội sinh trong mỗi con người, hướng tới sự phát triển bền vững của xã hội. Nếu hiểu môi trường văn hóa là nơi lưu giữ các giá trị, các chuẩn mực để giúp con người tự hoàn thiện bản thân, để phát huy những năng lực bẩm sinh hướng tới chân, thiện, mỹ thì phải hình thành cho được những giá trị, chuẩn mực cụ thể trong từng lĩnh vực cuộc sống mà mỗi người phải trải qua, đó là gia đình, nhà trường, cụm dân cư, cơ quan, nơi công tác… 
Nghị quyết số 33-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã có sự bổ sung mới về lý luận và thực tiễn về xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam. Mục tiêu là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách. 
Về nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào TDĐKXDĐSVH… 

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) 

Môi trường văn hóa học đường lành mạnh góp phần tác động đến việc hình thành, phát huy nhân cách, văn hóa ứng xử của học sinh (ảnh minh họa) 

Tập trung xây dựng các khuôn mẫu, chuẩn mực trong văn hóa ứng xử 
Nghị quyết 33 đã đưa ra những nội dung cơ bản, bao quát nhất của công cuộc xây dựng môi trường văn hóa, với ba môi trường văn hóa quan trọng nhất trong hình thành, nuôi dưỡng và hoàn thiện nhân cách con người: Gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, đây là những nội dung lớn mang tính định hướng; đối với từng không gian, môi trường văn hóa cụ thể thì lại phải có sự vận dụng, phát triển, mở rộng, cụ thể hóa cho phù hợp và tương thích. 
Trong gia đình, với cách hiểu: “Văn hóa trong gia đình là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau và giữa gia đình với xã hội”, việc xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình sẽ phải tập trung vào xây dựng các khuôn mẫu, chuẩn mực ứng xử, thông qua các mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái, ông bà - con cháu và anh chị em trong gia đình; giữa gia đình với họ hàng, dòng tộc; giữa các thành viên trong gia đình với cộng đồng. Bên cạnh đó là việc xây dựng các giá trị trong đời sống vật chất, đời sống tinh thần. 
Xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp cần tập trung xây dựng các giá trị hữu hình, trong đó có những yếu tố quan trọng như ngôn ngữ giao tiếp, hành vi ứng xử, biểu tượng, nghi lễ, quy tắc; xây dựng các giá trị được chấp nhận, chia sẻ và đặc biệt là xây dựng các giá trị nền tảng - các giá trị cốt lõi, cơ bản để tạo thành truyền thống, niềm tin, lý tưởng, chuẩn mực đạo đức của doanh nghiệp. 
Xây dựng văn hóa ứng xử cũng là nội dung quan trọng trong môi trường học đường, thể hiện qua các mối quan hệ ứng xử của thầy cô giáo với học sinh, sinh viên; học sinh, sinh viên với thầy cô; ứng xử giữa lãnh đạo với giáo viên, nhân viên; giữa đồng nghiệp, học sinh, sinh viên với nhau; ứng xử giữa thầy cô với cha mẹ học sinh… 
Cùng với môi trường sinh thái và môi trường xã hội, trong giai đoạn hiện nay, môi trường văn hóa giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Môi trường văn hóa là nơi diễn ra quá trình “nhập thân văn hóa” của mỗi cá nhân, có ảnh hưởng lớn đến nhân cách, đạo đức, lối sống của họ. Môi trường văn hóa thế nào sẽ tạo ra những con người tương ứng. Chính vì thế, cổ nhân ta đã đúc kết: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”… 

(GS.TS TỪ THỊ LOAN, Viện VHNT Quốc gia Việt Nam)

Tạo sức lan tỏa trong thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử 
Việc xây dựng, triển khai bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trong thời gian qua đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân Thủ đô, từng bước hình thành nếp văn hóa mới. Thành phố cũng đang có nhiều hoạt động lan tỏa sâu rộng hai bộ Quy tắc ứng xử trong đời sống. 
Tại một số địa bàn như quận Tây Hồ, huyện Gia Lâm, Thường Tín…, công tác tuyên truyền hai bộ Quy tắc ứng xử được đẩy mạnh với nhiều hình thức, tạo sức lan tỏa như in ấn tờ gấp, hội nghị, tọa đàm, mở chuyên mục tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền cổ động trực quan… Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng góp phần định hướng, hình thành chuẩn mực đạo đức, giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội. 
Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử là một trong những nội dung của nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra. PHƯƠNG MAI

 

MINH NGỌC (lược ghi) 
 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top