Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Giới trẻ đam mê truyện ngôn tình: Cần “bộ lọc” để tạo thói quen đọc lành mạnh

Thứ Sáu 10/09/2021 | 10:23 GMT+7

VHO- Ngày nay, đọc sách đã trở thành thói quen của khá nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, thay vì đọc các tác phẩm văn học có giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật để trau dồi kiến thức, phát triển bản thân thì nhiều người lại tìm đến sách “ngôn tình”. Không những vậy, trên các trang mạng cũng tràn ngập thể loại truyện này, gây lo ngại về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay.

 Sách ngôn tình thu hút độc giả trẻ bởi những “thiên diễm tình” hư ảo

 “Món ăn tinh thần” của không ít người trẻ

Là một trong những “tín đồ” của thể loại này, Mai Yên, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội cho biết: “Từ những năm học THCS, em đã “nghiện” truyện ngôn tình từ những cuốn sách thuê ở tiệm gần nhà. Ngày đó, do mải mê đọc nên em luôn trong tình trạng thiếu ngủ, thị lực và sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng. Nay trở thành sinh viên sống xa nhà, em càng có nhiều thời gian đọc, nhiều khi đến quên ăn, quên ngủ. Đặc biệt, giờ có nhiều truyện được đưa lên mạng nên việc tìm đọc thuận lợi hơn trước nhiều”.

Dù biết ảnh hưởng tới sức khỏe và cả tâm trí, nhưng Mai Yên cho biết, truyện ngôn tình mang đến cho cô niềm tin về tình yêu đích thực và một cuộc sống đẹp như mơ... Mai Yên không phải là số ít, bởi thực tế, nhiều bạn trẻ học phổ thông, đại học, thậm chí đã đi làm vẫn chọn dòng sách với văn phong mùi mẫn này làm “món ăn tinh thần” hằng ngày.

Tình yêu nam nữ lãng mạn là đề tài chính của sách ngôn tình, điều này thu hút các độc giả trẻ bởi nó đánh đúng vào tâm lý và độ tuổi của họ. Để tăng sức hấp dẫn, yếu tố độc lạ thu hút người đọc, các tiểu thuyết ngôn tình còn dần xuất hiện thêm nội dung về tình yêu đơn phương hoặc yêu mà giày vò người khác, hành hạ thân xác; ngôn tình đam mỹ (đồng tính nam), bách hợp (đồng tính nữ)… Đáng lo hơn nữa, ngoài sách in đã qua nhiều khâu kiểm soát về chất lượng, còn có những truyện ngôn tình ebook, video truyện đọc tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó có nhiều truyện được dịch vội vàng, cẩu thả, không qua các khâu biên tập về nội dung, không phân loại độ tuổi độc giả...

Theo các chuyên gia, truyện ngôn tình không phải là xấu, nhưng nếu lựa chọn nó để giải trí, người đọc - nhất là những bạn đọc trẻ, cần chọn lọc một cách kỹ càng về mặt nội dung để tránh những ảnh hưởng lệch lạc về tâm lý sau thời gian dài chìm đắm trong các “thiên diễm tình” hư ảo. Hơn nữa, với những người đang ở lứa tuổi học đường, nếu cứ mải mê đọc thể loại này quá nhiều sẽ dẫn đến sự mất cân đối về tri thức nền tảng, gây khó khăn trong giao tiếp và công việc sau này.

Hài hòa nhưng không khuyến khích

Trước sự nở rộ của truyện ngôn tình, năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) đã ra công văn số 2116/CXBIPH-QLXB gửi đến tất cả các nhà xuất bản yêu cầu “không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ”, thay vào đó là “lựa chọn mua bản quyền, dịch và xuất bản các xuất bản phẩm có nội dung lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam”. Từ đó đến nay, dòng truyện này cũng đã được hạn chế, công tác dịch và biên tập cũng được đầu tư kỹ hơn, bớt đi các yếu tố nhạy cảm.

Nói về sách ngôn tình hiện nay, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng: “Với sách ngôn tình, không thể dùng mệnh lệnh hành chính mà cấm một cách tuyệt đối được, vì nó không vi phạm quy định của luật pháp. Tuy nhiên, chúng ta không khuyến khích nó vì một số lý do: Thứ nhất, sách ngôn tình hiện nay đưa giới trẻ vào thế giới tương đối ảo; thứ hai, trong sách sử dụng nhiều thuật ngữ mới đặc thù gây ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh đó, một số cuốn truyện ngôn tình đi sâu khai thác, tung hô tình yêu đồng tính nam, đồng tính nữ, điều đó rất không có lợi cho độc giả trẻ. Và nếu các nhà xuất bản tập trung đi theo dòng sách đó, có thể sẽ bỏ rơi một địa hạt quan trọng, đó là đưa giá trị thực sự của văn học vào đời sống”.

Theo ông Nguyễn Nguyên, đến nay, sách ngôn tình mỗi năm có khoảng hơn 100 cuốn được đăng ký xuất bản, thấp hơn nhiều so với giai đoạn cao điểm là hơn 1.000 cuốn, chủ yếu là tái bản và xuất bản những bộ truyện tương đối ổn về mặt nội dung của các tác giả đã định danh. Ngành xuất bản hài hòa nhu cầu nhất định của một nhóm đối tượng nhưng đồng thời cũng có biện pháp để không vượt quá ngưỡng.

Còn với các sách nói, sách điện tử, theo ông Nguyễn Nguyên: “Theo dõi thị phần bạn đọc của thể loại sách ngôn tình, tôi thấy không hề tăng, chưa nói là giảm đi nhiều và thường tập trung vào lứa tuổi khoảng từ lớp 9 đến hết đại học”. Hiện nay, nhiều người trẻ đã chọn đọc các loại sách phát triển bản thân, cả về mặt thể chất và tinh thần; sách hồi ký..., điều đó cho thấy phần đông độc giả đã biết lựa chọn nội dung tương đối đúng đắn, phục vụ chính cho họ, chứ không ham mê những thể loại “ru ngủ” như sách ngôn tình.

Tuy nhiên, khi hạn chế sách xuất bản thì đọc truyện online lại nở rộ trong điều kiện công nghệ số phát triển mạnh mẽ. Bởi vậy, những người trẻ cần được trang bị một “bộ lọc” tốt và sở thích đọc lành mạnh. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Nguyên, nếu truyện ngôn tình được đưa tràn lan trên mạng xã hội trùng khớp với xuất bản phẩm trong nước thì sẽ bảo vệ bản quyền xuất bản phẩm; còn nếu từ các nguồn khác thì cần có vai trò của các cơ quan quản lý về văn hóa trong việc rà soát và nghiên cứu cách thức hạn chế các nội dung trên. 

 MINH ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top