Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Trung tâm Văn hóa thành "chợ dã chiến" thời Covid

Thứ Hai 06/09/2021 | 09:23 GMT+7

VHO- Được chuyển đổi công năng từ Trung tâm Văn hóa Quận 5 thành “chợ dã chiến”, nơi đây thời gian qua đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn trong những ngày siết chặt giãn cách xã hội.

 Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Thu Thảo (bên trái) và chị Đào Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Phòng Kinh tế quận 5 đang lựa chọn từng quả trứng đạt yêu cầu

Có tên gọi chính thức là “Kênh bán hàng thiết yếu không lợi nhuận” do Phòng Kinh tế phối hợp cùng với Trung tâm Văn hóa Quận 5 triển khai thực hiện, nhưng người dân vẫn hay gọi bằng cái tên nôm na là “chợ dã chiến”. Được biết, chợ ra đời và đi vào hoạt động từ những ngày cuối tháng 7.2021, nhưng từ khi TP.HCM bước vào đợt siết giãn cách 23.8, kênh bán hàng này mới thực sự bận rộn.

Bà Đào Thị Ánh Tuyết, Phó Trưởng phòng kinh tế Quận 5, Tổ trưởng Tổ điều phối cho biết, “Sáng kiến cho ra đời kênh bán hàng này nhằm hỗ trợ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi giảm bớt áp lực quá tải. Trung bình mỗi ngày nơi đây thực hiện được gần 500 đơn hàng, cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn”. Người có nhu cầu sẽ đặt hàng trực tuyến tại website: https://shop.ttvhq5. com.vn hoặc liên hệ với lực lượng “đi chợ hộ” để được hỗ trợ. Các đơn sẽ được giao tập trung trong ngày để đảm bảo chất lượng tươi mới.

Do “chợ dã chiến” được thành lập trong tình hình đặc biệt nên các tiểu thương trong chợ này cũng đặc biệt không kém, trong đó phần lớn là cán bộ Trung tâm Văn hóa quận, là thầy cô nhiều trường học trên địa bàn, trưởng, phó ban quản lý một số chợ của quận và lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội xuất ngũ… Chợ còn có riêng đội ngũ shipper giao hàng đến tận nhà người dân. Bà Ánh Tuyết cho biết, tổng số nhân viên đang hỗ trợ tại đây là gần 50 người, đều đã được tiêm vắcxin từ 1-2 mũi, quá trình làm việc cũng đảm bảo các quy định 5K của ngành Y tế, làm việc luân phiên và chia ra nhiều khâu, nhiều khu vực, hạn chế thấp nhất việc tập trung đông người cùng một thời điểm.

Tham gia khâu lựa chọn hàng hóa, loại bỏ những hàng bị lỗi, hư hỏng trong quá trình vận chuyển, chị Nguyễn Thị Thu Thảo, giáo viên Trường Mầm non 5B, phường 5, quận 5 chia sẻ, thời gian qua, chị tranh thủ những ngày chưa lên lớp để đến tham gia phục vụ, công việc ở “chợ” tuy có vất vả nhưng chị cảm thấy rất vui vì được góp một phần công sức nhỏ của mình vào việc chung. Trong khi đó, thanh niên trẻ Huỳnh Thanh Quân, lực lượng xung phong Thanh niên thành phố bày tỏ, “Em được đơn vị cử đến đây làm việc từ đầu tháng 9, sau 4 ngày làm việc thấy đã quen dần và không còn bỡ ngỡ với việc phải chọn từng trái ớt, cọng hành, mớ rau… Nhưng vui nhất vì em thấy công việc của mình tuy đơn giản, nhẹ nhàng nhưng lại rất hữu ích”. Được biết, Quân là một trong 10 thanh niên được đơn vị cử đến hỗ trợ “chợ dã chiến” để tăng cường lực lượng những ngày gần đây.

 Trung bình mỗi ngày nơi đây thực hiện được gần 500 đơn hàng, cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn

Chị Sử Thị Kim Thoa, Ban Quản lý chợ Phùng Hưng, phường 14, quận 5, cũng tham gia tình nguyện phục vụ tại chợ dã chiến, hài hước chia sẻ, công việc này vốn dĩ thuộc… chuyên môn rồi nên chị không có gì phải ngại. Từ khi chợ Phùng Hưng bị đóng cửa và sau đó là thực hiện siết chặt giãn cách, chị thực sự thấy buồn vì công việc gắn liền với những âm thanh náo nhiệt của khu chợ vào mỗi sáng sớm đã không còn nữa. “Chưa bao giờ mình có cảm giác trống vắng như vậy, cho đến khi tham gia phục vụ tại kênh bán hàng này thì mình thật sự rất hạnh phúc, vừa trở lại không khí quen thuộc, vừa trực tiếp góp phần công sức nhỏ phục vụ chuyện chợ búa cho bà con, chị Thoa nói. Còn chị Hoàng Thanh Hoàng, nhân viên Trung tâm Văn hóa thì cho biết, đây là công việc mới, nhưng ai cũng có thể làm được. Tại chợ dã chiến này, nhân viên Trung tâm mỗi người một phần việc góp sức phục vụ cho người dân nên ai cũng vui…

Theo bà Khưu Thị Bích Thư, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa quận 5, “Kênh bán hàng thiết yếu không lợi nhuận” đã giải tỏa rất nhiều áp lực về nhu cầu thực phẩm của người dân trên địa bàn quận. Mỗi ngày kênh bán hàng sẽ vận chuyển khoảng 2,5 tấn rau, 500 kg thịt và trứng gia cầm các loại. “Từ 3h sáng, rau củ từ Đà Lạt về, 10h rau từ Củ Chi xuống và 11h hàng từ Gò Công lên... Các đầu mối do Sở Công Thương cung cấp cho Phòng Kinh tế. Đặc biệt, chương trình được triển khai phối hợp với Sở Công thương, đảm bảo bán hàng không lợi nhuận nên giá luôn bình ổn”, bà Bích Thư cho biết.

Bà Đào Thị Ánh Tuyết chia sẻ thêm, khó khăn nhất hiện nay là nhân viên bị kẹt giấy đi đường, nên chỉ những người làm việc tại quận 5 hoặc thực hiện “3 tại chỗ” mới tham gia hỗ trợ được. Trong quá trình làm việc, một số anh chị có người nhà nhiễm F0 nên cũng không thể tiếp tục tham gia… “Do người ít, đơn hàng nhiều nên ai cũng làm hết công suất, các anh chị phải làm việc từ sáng sớm đến 8h tối mới xong những đơn hàng cuối cùng. Hiện tại chỉ có 10 nhân viên giao hàng nên đôi khi hàng hóa chậm trễ khiến bà con phiền lòng. Rất mong bà con thông cảm trong tình hình khó khăn hiện nay”, bà Tuyết bộc bạch. 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top