Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phải nhìn thẳng những tồn tại của việc triển khai Đề án 641

Thứ Tư 01/09/2021 | 18:54 GMT+7

VHO- Ngày 1.9, Thứ trưởng Bộ VHTTL Hoàng Đạo Cương đã chủ trì buổi làm việc về báo cáo Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Tham dự có ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT và các lãnh đạo vụ, đơn vị liên quan.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Vũ Mừng

Với mục tiêu tổng quát phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khoẻ mạnh của người Việt Nam, ngày 28.4.2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 641/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” (Đề án 641). Đề án được thực hiện trong 20 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ năm 2011-2020: Giai đoạn thực hiện thí điểm giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và thể dục thể thao. Giai đoạn 2: Từ năm 2021-2030: Thụ hưởng thành quả của giai đoạn 1 để thực hiện mở rộng phạm vi toàn quốc và hoàn thiện đề án.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương tham dự và chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Trần Huấn

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đàm Quốc Chính, Giám đốc Văn phòng Ban Điều phối Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 cho biết, ở giai đoạn 1, Đề án đã đạt được những kết quả nhất định: Xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”; Triển khai bữa ăn học đường tại thành phố Đà Nẵng; Khảo sát thực trạng thể dục thể thao trường học, thực trạng phát triển thể chất và sức khoẻ học sinh tại 2446 trường; Biên soạn và xuất bản 7 cuốn sách hướng dẫn phương pháp giáo dục thể chất và thể thao trường học; xây dựng tài liệu về 2 bài tập thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ dành cho học sinh phổ thông; Phối hợp với Nutifood thực hiện chương trình “Nutifood, chung tay vì thể lực, tầm vóc Việt”…

Tuy nhiên theo Báo cáo, quá trình thực hiện giai đoạn 1 của Đề án vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều nội dung, nhiệm vụ của các chương trình thành phần đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện do chưa có kinh phí. Việc huy động nguồn lực xã hội đề thực hiện gặp nhiều thách thức, điển hình là giải pháp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, chính sách trên cùng một địa bàn chưa được thực hiện tốt để đảm bảo nguồn vốn mang lại hiệu quả cao. Ông Đàm Quốc Chính cũng cho rằng: việc thiếu tính đồng bộ khi triển khai Đề án giữa trung ương và địa phương cũng là nguyên nhân dẫn đến Đề án chưa thực sự hiệu quả.

Ông Đàm Quốc Chính, Giám đốc Văn phòng Ban Điều phối Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án. Ảnh: Vũ Mừng

Theo quy chế hoạt động của Ban điều phối, quy định các chương trình hoạt động độc lập, thành viên Ban chủ nhiệm chương trình làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, vì vậy việc liên kết hoạt động điều phối chung về thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ triển khai rất khó khăn. Mặt khác, do kết quả thực hiện nhiệm vụ chương trình 1 (nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến yếu tố thể lực, tầm vóc người Việt Nam) không được triển khai do không có kinh phí dẫn đến các chương trình 2,3 và  4 vẫn triển khai nhưng dựa trên các kết quả nghiên cứu nhỏ lẻ, không có tính đại diện hoặc dựa trên các kết quả nghiên cứu của các quốc gia khác nên không phù hợp với thể lực, tầm vóc con người Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tính thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán về cơ sở khoa học đối với việc triển khai đề án trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục thể chất, thể thao tại các nhà trường còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, cả nước hiện có 80% số trường tiểu học, THCS và THPT thiếu nhà tập thể dục, thể thao; 99,6% số trường thiếu bể bơi giáo dục Đại học có 36% số trường thiếu nhà tập luyện thể dục, thể thao và thiếu bể bơi là 87%. Đội ngũ giáo viên thể dục giáo dục phổ thông còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai Đề án chậm tiến độ so với kế hoạch đã xây dựng do chưa có được sự chia sẻ về mặt nhận thức của xã hội về nguy cơ tụt hậu thể lực, tầm với người Việt Nam. Do đó, việc phát triển thể lực và tầm vóc của thế hệ trẻ cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa và đúng mức từ phía gia đình, xã hội xã hội.

Cũng theo ông Chính, Ban điều phối đề nghị Nhà nước cần tăng cường đầu tư kết hợp với huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa, các nguồn vốn viện trợ chính thức để thực hiện Đề án. Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế-xã hội; xây dựng các cổng thông tin điện tử của Đề án và thiết lập cơ sở dữ liệu về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam ở các trường học...

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT: Việc phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành cũng chưa thực sự tốt, nguồn lực triển khai còn rất khó khăn và các thành viên Ban điều phối đã rất nỗ lực trong những năm qua. Ảnh: Trần Huấn

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Trần Đức Phấn cũng cho biết, đây là một đề án mang tính nhân văn cao, mục tiêu đề án hướng đến nhằm phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong những năm tiếp theo để nâng cao nguồn nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tuổi thọ của người Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành cũng chưa thực sự tốt, nguồn lực triển khai còn rất khó khăn và các thành viên Ban điều phối đã rất nỗ lực trong những năm qua.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, đánh giá cao những sự cố gắng của các thành viên của Ban điều phối trong những năm qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh phải nhìn thẳng những tồn tại của việc triển khai Đề án chậm tiến độ so với kế hoạch đã xây dựng. Cần xem lại tổng thể những hiệu quả phần nào mà Đề án đã đạt được, đánh giá thật kỹ để đưa ra những giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Đồng thời các đề xuất cũng phải chi tiết đối với các Bộ, ban ngành liên quan và sớm hoàn thiện lại báo cáo trước 15.9 tới.

VŨ MỪNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top