Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Săn tìm” dịch giả giỏi

Thứ Tư 01/09/2021 | 09:27 GMT+7

VHO- Những năm gần đây, công nghệ 4.0 đã len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội, tuy nhiên, dù với nhiều công cụ hiện đại hỗ trợ dịch thuật nhưng các đơn vị xuất bản vẫn “đỏ mắt” tìm dịch giả giỏi và vẫn có nhiều cuốn sách bị coi là “thảm họa” dịch thuật. 

 Dịch giả quyết định cao nhất chất lượng của tác phẩm được chuyển ngữ Ảnh: ITN

Cụm từ ấy đã trở thành quen tai bởi cứ ít bữa người ta lại phát hiện ra những lỗi dịch thuật nghiêm trọng trong một tác phẩm nào đó, gần đây là bản dịch tác phẩm Nguồn cội của tác giả Dan Brown, trước đó là Mật mã Da Vinci cùng của tác giả này; hay Bản đồ và Vùng đất của tác giả Michel Houellebecq... Còn xuất bản phẩm có một vài lỗi chuyển ngữ thì nhiều không kể xiết.
Bên cạnh xuất bản sách giấy, vốn phải qua nhiều khâu kiểm soát về nội dung, sự phản hồi của độc giả, chất lượng dịch thuật đã khá chỉn chu thì hiện thị trường hiện đang tràn lan các tác phẩm “văn học mạng” chuyển ngữ cẩu thả, câu từ lủng củng, tối nghĩa, què cụt... Mặt trái của việc sử dụng công nghệ dịch thuật AI để “tăng tốc” giới thiệu tiểu thuyết văn học mạng nước ngoài đã mang lại những bản dịch kém chất lượng là vấn đề mà bạn đọc phải đối mặt. Có thể thấy, tìm được dịch giả giỏi là yếu tố quan trọng để mang tới những tác phẩm chất lượng, bởi vậy, “săn tìm” dịch giả vẫn luôn được các đơn vị xuất bản quan tâm, khi lượng sách dịch đang chiếm tỷ lệ khá lớn trong nền xuất bản Việt Nam. Chẳng hạn, mới đây Công ty cổ phần Văn hóa Đông A đã đăng tin tìm người chuyển ngữ các tác phẩm văn học kinh điển, như giới thiệu một cách hệ thống tác phẩm của nhà thơ và nhà soạn kịch Anh William Shakespeare...
Đó là với ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh, còn những ngôn ngữ khác như tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungary… tìm được dịch giả hoàn toàn không dễ. Các nhà chuyên môn cho rằng, chúng ta có nhiều dịch giả nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Những người giỏi thì thường tuổi đã cao, còn lớp trẻ thì đôi khi lại yếu tiếng Việt, thiếu kiến thức nền về văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, nhiều mảng đề tài như sách khoa học, sách chuyên ngành cần đến dịch giả phù hợp quả là khó như “tìm kim đáy bể”. Tại workshop trực tuyến “Hướng đi cho ngành dịch thuật trong thời đại 4.0” diễn ra mới đây, dịch giả (tiếng Trung Quốc) Lê Huy Hoàng cho rằng: “Nếu chỉ có nhóm những người học về ngôn ngữ thì gần như không thể “chạy đua” với khối lượng kiến thức, xuất bản phẩm cần được chuyển ngữ, do đó, nên có sự tham gia của những chuyên gia giỏi ngoại ngữ trong các lĩnh vực khác. Việc kết hợp giữa nhóm học chuyên về ngôn ngữ và các chuyên gia của lĩnh vực tham gia chuyển ngữ, hiệu đính sẽ góp phần mang tới các bản dịch chất lượng. 
Thực tế, không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực của công nghệ đối với ngành dịch thuật hiện nay. Dịch giả Lê Vân từng có 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dịch thuật chia sẻ, với ngôn ngữ Anh thông dụng, phần mềm công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều cho công việc chuyển ngữ, tra cứu, tìm kiếm, thẩm định thông tin... Tuy nhiên, vai trò của người dịch vẫn là quyết định cao nhất, dù có công nghệ hỗ trợ, người dịch vẫn phải thành thạo ngôn ngữ, có khả năng diễn đạt bằng cả 2 ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích, có kiến thức chuyên ngành vững vàng...
Đồng tình với ý kiến trên, dịch giả Lê Huy Hoàng cho rằng: “Những bạn học trẻ chuyên ngành ngoại ngữ, phần ngôn ngữ nước ngoài tương đối ổn, nhưng phần tiếng Việt có ổn hay không lại là câu hỏi lớn. Dịch cũng là kỹ năng ngôn ngữ, cần đầu vào và đầu ra, do đó, phải đọc nhiều để đủ lượng vào, trau dồi tri thức và kỹ năng dịch... Việc dịch sách cũng như những việc khác, ta nên làm tốt nhất có thể. Do đó, người dịch không được cẩu thả với chính mình”. 
Hiện nay, trình độ ngoại ngữ của công chúng tăng lên nhiều, có sự so sánh bản gốc với bản dịch, nên dịch giả càng áp lực hơn trong việc chuyển ngữ chính xác, làm vừa lòng và tôn trọng người đọc. “Dù cố gắng hết sức, phạm vi nhận thức của mỗi người còn giới hạn, nên có nhiều cái chưa biết/không biết là dịch đúng hay sai. Bởi vậy, luôn tìm tòi cái mới để mở rộng kiến thức nền, luôn nghi ngờ trước những từ dù quen nhưng có thể mang nghĩa khác khi đặt trong bối cảnh lạ... là những phẩm chất quan trọng của người dịch hiện đại. Tương lai, lĩnh vực dịch thuật cũng cần có hội chuyên môn, ra quy chuẩn làm nghề, bảo vệ các sản phẩm dịch và giải quyết khi có xung đột  về dịch thuật”, dịch giả Lê Vân nói. 

 THANH NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top