Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Gỡ khó cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao

Thứ Tư 01/09/2021 | 08:56 GMT+7

VHO- Hiện tại nước ta có 39 Hội thể thao cấp quốc gia thuộc sự quản lý của Bộ VHTTDL. Ngoài một số Liên đoàn, Hiệp hội hoạt động hiệu quả, phần còn lại còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý chuyên môn, phát triển phong trào.

 Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì buổi làm việc để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các Hội thể thao Ảnh: TRẦN HUẤN

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các Hội thể thao quốc gia, sáng 31.8, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã chủ trì buổi làm việc với Tổng cục TDTT để phân tích thực trạng nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để các Hội hoạt động hiệu quả.

Èo uột về kinh phí

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương mong muốn các ý kiến phát biểu phải chỉ rõ những khó khăn, hạn chế trong tổ chức, điều hành, hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội. Để từ đó có cái nhìn rõ ràng về thực trạng hoạt động, tổ chức bộ máy của các Liên đoàn, Hiệp hội hiện nay và tìm ra được các giải pháp khắc phục, nhằm giúp cho các Hội thể thao hoạt động hiệu quả, phát huy được vai trò.

Theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, theo quy định, các Liên đoàn, Hiệp hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, tài chính, tài sản, nhân sự. Tuy quy định là như vậy nhưng trên thực tế, hầu hết các Liên đoàn, Hiệp hội đều gặp phải nhiều khó khăn nên Nhà nước vẫn phải hỗ trợ. Chẳng hạn như về trụ sở, hiện tại chỉ có Liên đoàn Bóng đá Việt Nam được nhà nước cấp đất để xây trụ sở và kinh phí xây 2 trụ sở là do FIFA cấp. Còn lại đa số các Liên đoàn, Hiệp hội phải mượn hoặc thuê trụ sở hoặc gắn với trụ sở cơ quan quản lý nhà nước là Tổng cục TDTT.

Về tài chính, chỉ có một số Liên đoàn mạnh, tự chủ được như Liên đoàn Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt, Bóng rổ, Golf, số còn lại đều khó khăn, èo uột về kinh phí. Hầu hết kinh phí cho các hoạt động chuyên môn của các Liên đoàn như tổ chức các giải đấu, đào tạo, tập huấn VĐV, thi đấu nước ngoài… vẫn chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí nhà nước cấp cho Tổng cục TDTT. Thậm chí, hằng năm Tổng cục TDTT vẫn đóng phí niên liễm cho các Liên đoàn, Hiệp hội.

Bên cạnh khó khăn về kinh phí, trụ sở, nhiều Liên đoàn còn gặp khó khăn về nhân sự như việc tìm nhân sự cho chức danh chủ chốt. Trước đây khá nhiều doanh nhân, chính khách nhiệt tình ứng cử các vị trí này. Tuy nhiên sau khi đảm nhiệm, nhiều Chủ tịch chịu sức ép lớn từ dư luận hoặc không đủ khả năng thực hiện lời hứa trước lúc nhậm chức, nên đã không còn mặn mà như trước. “Thực ra các Liên đoàn, Hiệp hội đều rất mong muốn được đóng góp, làm được nhiều việc hơn nữa cho thể thao Việt Nam. Tuy nhiên do nhiều khó khăn nên chưa phát huy được vai trò”, ông Phấn nói và mong muốn Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng tạo cơ chế, chính sách giúp cho các Hội thể thao hoạt động hiệu quả hơn.

Chỉ có số ít tự chủ về tài chính

Căn cứ đặc điểm tổ chức và hoạt động thì nhóm các Liên đoàn hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, phát huy được vai trò trong quản lý, tổ chức các hoạt động của các môn thể thao gồm Liên đoàn mạnh nhất hiện nay là Liên đoàn Bóng đá với 72 tổ chức thành viên. Tiếp đến là Liên đoàn Bóng chuyền, Quần vợt, Bóng rổ, Golf đang chủ động từng bước chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp. Nhóm thứ hai là nhóm các Liên đoàn đảm bảo duy trì hoạt động chuyên môn như Liên đoàn Điền kinh, Thể thao dưới nước, Cầu lông, Taekwondo, Bắn súng, Xe đạp - mô tô thể thao, Đua thuyền, Quyền anh, Cử tạ - Thể hình, Cờ vua, Bóng bàn, Judo, Vật, Thể dục, Cầu mây, Bóng ném, Vovinam, Võ thuật cổ truyền, Cờ tướng, Thể thao điện tử giải trí.

Đây là những Liên đoàn tương ứng với các môn chủ lực của thể thao Việt Nam tại các đại hội thể thao quốc tế và là nhóm các Liên đoàn hoạt động có hiệu quả, thực hiện tương đối tốt công tác quản lý, điều hành các hoạt động chuyên môn, tích cực tìm kiếm các nguồn tài chính từ công tác xã hội hoá… Tuy nhiên, cái khó là phần lớn các Liên đoàn chưa có bộ máy văn phòng hoạt động chuyên trách, chưa đảm bảo tự chủ về tài chính, Tổng thư ký của các Hội đa số là cán bộ của Tổng cục TDTT hoạt động kiêm nhiệm, vai trò quản lý của một số Liên đoàn chưa thực sự rõ nét. Nhóm tiếp theo là nhóm các Liên đoàn hoạt động chưa hiệu quả như Hiệp hội Câu cá thể thao Việt Nam, Hiệp hội Thể thao Bridge&Poker Việt Nam, Hiệp hội Ô tô thể thao Việt Nam. Đây là những Hội thể thao còn nhiều khó khăn trong quản lý chuyên môn, phát triển phong trào; hội viên tham gia ít, không ổn định; tổ chức Liên đoàn và vai trò quản lý của Liên đoàn còn hạn chế.

Phát biểu tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 - Tổng cục TDTT Hoàng Quốc Vinh cho biết, đây là vấn đề đã tồn tại cách đây nhiều năm. Theo ông Vinh nguyên nhân dẫn đến thực trạng hoạt động chưa hiệu quả của nhiều Liên đoàn ở nước ta là tính xã hội hoá chưa cao trong khi ở nhiều nước, các Liên đoàn hoạt động bằng nguồn vốn xã hội hoá, hoàn toàn độc lập với các tổ chức quản lý nhà nước. Bên cạnh đó ở một số Liên đoàn, còn có tình trạng nội bộ mất đoàn kết, lục đục, mâu thuẫn nội bộ. Một số Liên đoàn lại phụ thuộc vào “sức khỏe” của các doanh nghiệp mà sức khỏe của các doanh nghiệp lại phụ thuộc vào nền kinh tế. Khi nền kinh tế tốt thì các Liên đoàn cũng khỏe và ngược lại khi kinh tế giảm sút thì nguồn hoạt động của Liên đoàn lại khó khăn, không bền vững. Khó khăn về kinh phí dẫn đến việc nhiều Liên đoàn không thể tham gia các phiên họp của các Liên đoàn quốc tế, nên vị trí, vai trò với quốc tế còn yếu… Từ đó ông Vinh đề ra các giải pháp như cần phải xác định rõ thực trạng để phân nhóm các Liên đoàn nằm ở nhóm nào, cần hỗ trợ những gì, bản thân các Liên đoàn phải năng động hơn nữa nhằm phát huy vai trò của công tác xã hội hoá. Bên cạnh đó cũng cần phải tăng thêm nhân lực là các nhà chuyên môn để các Liên đoàn vận hành đúng hướng, phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả.

Tại buổi làm việc, có nhiều ý kiến chỉ ra những bất cập trong tổ chức, điều hành, hoạt động của các Liên đoàn hiện nay. Từ đó, Tổng cục TDTT đề xuất Bộ VHTTDL cần kiến nghị Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi bổ sung Nghị định số 45/2010/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội theo hướng tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với Bộ quản lý chuyên ngành; thí điểm cho phép một số Hội thể thao quốc gia được sử dụng đất trống tại khu Liên hợp Thể thao quốc gia làm cơ sở sân bãi tập luyện phục vụ phát triển môn thể thao, khi Nhà nước cần sử dụng sẽ hoàn trả theo quy định; chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực, bộ tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của Hội thể thao quốc gia để có cơ sở đặt hàng, giao nhiệm vụ…

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chỉ đạo Tổng cục TDTT rà soát lại toàn bộ hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao để thấy rõ được các Hội thể thao hoạt động thực chất như nào, kinh phí ra sao, có gắn với sự phát triển của thể thao Việt Nam hay không. Từ đó đề ra nhóm các giải pháp khả thi để gỡ khó cho các Liên đoàn, Hiệp hội, phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả. 

 THU SÂM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top