Phát triển văn hóa, con người là một hành trình sáng tạo

VHO-Lâu nay, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là những diễn ngôn khá phổ biến trên các không gian truyền thông ở nước ta. Đây chính là khát vọng chấn hưng dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào về truyền thống văn hóa Việt Nam suốt bốn ngàn năm lịch sử, hướng tới một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thịnh vượng, hùng cường, đem hạnh phúc đến cho nhân dân.

Phát triển văn hóa, con người là một hành trình sáng tạo - Anh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam sau này sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hàng hơn, to đẹp hơn

Nhìn lại lịch sử văn hóa Việt Nam xa xưa, có thể thấy ông cha ta luôn coi con người là giá trị cao quý nhất, hơn tất cả mọi giá trị trong cuộc sống qua những câu tục ngữ còn sống mãi với thời gian như: “Người sống đống vàng”; “Còn người còn của”. Vào những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giữa thế kỷ XX, trong bản Di chúc thiêng liêng căn dặn toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam sau này sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hàng hơn, to đẹp hơn:

Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay ! (1)

Kẻ thù có thể tàn phá dữ dội đất nước ta trong chiến tranh, nhưng sức mạnh của con người Việt Nam sẽ làm lại tất cả. Thành tựu của sự nghiệp đổi mới trên đất nước ta vừa qua đã chứng minh thuyết phục về điều đó. Con người là nhân tố quan trọng quyết định trực tiếp sự phát triển. Ngày nay, nhân loại đã phát hiện ra rằng con người là tài sản vô giá của một quốc gia, dân tộc. Thực tế cho thấy, có những đất nước gia tài nguyên khoáng sản không nhiều, thiên nhiên thì khắc nghiệt nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ, bởi đất  nước đó có sức mạnh đặc biệt của văn hóa, con người. Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa. Cả một cộng đồng dân tộc hàng triệu người, hàng chục triệu, trăm triệu người sẽ sáng tạo nên một nền văn hóa, liên tục duy trì và phát triển qua các bến bờ thời gian. Tuy nhiên, chính con người cũng là sản phẩm của một nền văn hóa. Văn hóa, con người là sức mạnh nội sinh của quốc gia dân tộc. Văn hóa là bản sắc, là phong cách, là năng lượng tư duy, là sức nghĩ của một dân tộc, có tác động to lớn đến sự phát triển.

Phát triển văn hóa, con người là một hành trình sáng tạo - Anh 2

Trẻ em như tờ giấy trắng cần được chăm sóc, nâng niu và giáo dục một cách đúng đắn nhất

“Tuyên bố về chính sách văn hóa” tại Hội nghị quốc tế về chính sách văn hóa của UNESCO họp từ ngày 26-7 đến ngày 6-8-1982 ở Mêhicô đã nêu rõ: “Văn hóa là tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và xúc cảm quy định tính cách của một xã hội hay của một nhóm xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật, văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của (tồn tại - being) người, những hệ thống giá trị, những truyền thống và tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét (reflect - phản tư) về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt - con người, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm kiếm không mệt mỏi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt qua cả giới hạn của bản thân”. (2)

Nền văn hóa của một dân tộc bao gồm toàn bộ hệ thống giá trị do con người sáng tạo ra trong các mối quan hệ quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, giữa cộng đồng xã hội này với cộng đồng xã hội khác.  Do sinh tồn trên những vùng đất có điều kiện tự nhiên, xã hội khác nhau, cho nên các quốc gia dân tộc sẽ sáng tạo ra những giá trị riêng của mình để thích ứng với điều kiện tự nhiên, xã hội ấy.

Phát triển văn hóa, con người là một hành trình sáng tạo - Anh 3

Hãy dạy trẻ em biết yêu lao động từ chính những việc vừa sức mình

Dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử đã sinh sống trên một mảnh đất thiên nhiên vừa thuận lợi, vừa không ít khó khăn về thiên tai bão lụt, hạn hán, dịch bệnh, đe dọa quanh năm, đồng thời lại phải thường xuyên chống lại sự nhòm ngó, xâm lăng của nhiều thế lực hung hãn bên ngoài. Hoàn cảnh dữ dội đó đã tôi luyện, hun đúc dòng chảy tinh thần mãnh liệt của người Việt Nam về lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, ý chí độc lập tự cường, sẵn sàng chiến đấu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bản lĩnh kiên trung, gan dạ, dũng cảm, tinh thần đoàn kết gắn bó cộng đồng, muôn người như một, trí tuệ thông minh, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, quyết tâm giành thắng lợi trên các mặt trận lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống, chế ngự thiên nhiên và chiến thắng trên mặt trận chống ngoại xâm, dù chúng hung hãn, thâm độc và tàn bạo đến đâu.

Chính vì vậy, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (1998), Đảng ta đã đưa ra nhận thức lý luận tổng hợp sâu sắc về văn hóa của dân tộc trong lịch sử như sau:

“Văn hóa Việt Nam là thành quả của hàng nghìn năm lao động và sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, với đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, văn hóa Việt Nam tiếp tục được phát huy, đã góp phần quyết định vào những thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội” (2)

Phát triển văn hóa, con người là một hành trình sáng tạo - Anh 4

Xây dựng, phát triển văn hóa suy cho cùng chính là hành trình sáng tạo, phát triển con người

Khi một nền văn hóa hình thành và phát triển sẽ  trở thành một không gian môi trường văn hóa rộng lớn chứa đựng các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, thẩm thấu trong các sản phẩm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, tác động, chi phối  đến con người, giúp cho con người ngày càng thể hiện bản chất người hơn. Văn hóa chính là phẩm chất người, giá trị người của con người. Mỗi một con người sẽ  là “tế bào thông minh” lưu giữ hệ giá trị văn hóa dân tộc. Hàng trăm triệu con người sẽ làm nên sinh thể văn hóa dân tộc vĩ đại, liên tục vận động theo nhịp đập của các tiến trình lịch sử.

Ra đời trong không gian sinh quyển văn hóa dân tộc, thế hệ trẻ sẽ lớn lên bằng sự tiếp nhận các giá trị văn hóa ông cha ngàn xưa từ “dòng sông ngôn từ tiếng Việt”. Gia đình, nhà trường và xã hội là ba lĩnh vực chủ yếu tác động đến sự hình thành nhân cách của con người. Xây dựng, phát triển văn hóa, con người là một quá trình sáng tạo lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí, sự kiên trì thận trọng, không thể một sớm, một chiều mà có được ngay. Nếu không đặt con người trong các quan hệ tương tác: con người với tự nhiên; con người với con người, con người với xã hội… thì vấn đề xây dựng văn hóa, con người có thể không được như mong muốn, theo kiểu “gieo vừng, ra ngô…”.  

Trong thế kỷ XX, thế hệ trẻ nước ta được trưởng thành rất sớm bởi lao động từ nhỏ, như Trần Đăng Khoa viết trong bài “Hạt gạo làng ta”:

                      “… Sớm nào chống hạn

                           Vục mẻ miệng gầu

        Trưa nào bắt sâu

       Lúa cao rát mặt

       Chiều nào gánh phân

       Quang trành quét đất

Lao động đã khiến con người phải tư duy, phải suy nghĩ về thế giới xung quanh, về công việc đang làm. Từ đó sẽ xuất hiện sự sáng tạo để thích ứng và sinh tồn. Văn hóa được hình thành từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội kết hợp  với hoạt động thực tiễn của mối cá nhân con người. Thực tế cho thấy, con người xuất thân từ gia đình nghèo, phải lao động từ bé thì lại hay có ý chí nghị lực vươn lên và trưởng thành sớm trưởng thành, ngược lại, nếu sinh ra trong nhung lụa và chỉ hưởng thụ thì không dễ gì có được bản lĩnh và cũng dễ sa ngã.

Phát triển văn hóa, con người là một hành trình sáng tạo - Anh 5

10 năm cõng bạn đến trường, tình bạn của đôi bạn trẻ đã truyền cảm hứng sống đẹp đến giới trẻ

 Như vậy,  xây dựng và phát triển văn hóa, con người là một vấn đề có tính quy luật, đòi hỏi chúng ta phải thận trọng trong suy nghĩ và hành động khi tiến hành sự nghiệp trọng đại này. Con người vừa là một thực thể sinh học tự nhiên (phần con), vừa là một thực thể xã hội (phần người). Khi chào đời, trẻ em tiếp xúc ngay với hai thế giới: thứ nhất là dòng sữa thơm của mẹ (tức là yếu tố tự nhiên để nuôi dưỡng phần con) và thứ hai là tiếng ru của mẹ, của bà, của chị…(tức là văn hóa để nuôi dưỡng phần người). Theo đó, ba lĩnh vực giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội sẽ bồi đắp và uốn nắn cả phần con và phần người cho con người ngày càng lớn lên để trở thành một nhân cách, tức là một con người trưởng thành. Phải 18 năm như vậy mới có một công dân. Rồi từ đó, có thể đi lao động ngay hoặc tiếp tục thực hiện học trung cấp hay cao đẳng đại học mới có thể trở thành một người lao động theo chuẩn mực của thời đại, vừa hiện đại, vừa truyền thống, tham gia vào mọi hoạt động của cộng đồng quốc gia, dân tộc và nhân loại.

Tổng hợp lại, xây dựng, phát triển văn hóa suy cho cùng chính là hành trình sáng tạo, phát triển con người. Con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của sự phát triển. Thế hệ con người trẻ tuổi với giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại sẽ tiếp tục sáng tạo, thúc đẩy nền văn hóa dân tộc vươn lên những tầm cao mới.

                                                                                       PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng; Ảnh : Nguồn internet

Chú thích

(1)  Hồ Chí Minh và 5 bảo vật quốc gia, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2013, tr. 266

(2) Chuyển dẫn theo Dương Phú Hiệp (chủ biên),  Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 35, 36.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr 40, 41.

 

 

Ý kiến bạn đọc