Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Tập trung xây dựng môi trường văn hóa

Thứ Sáu 09/07/2021 | 10:34 GMT+7

VHO- Văn hóa là dấu vết của con người in trong tự nhiên. Là những gì thuộc về con người, do con người sáng tạo ra, trong cuộc sống và vì cuộc sống của chính mình. Đó là tính người, chất người, là cái đẹp của nhân cách. Còn môi trường văn hóa là không gian mà trong đó con người chịu sự tác động của nó để trở thành Người.

  Tình làng nghĩa xóm cần được coi trọng và phát huy

Văn hóa là cái đẹp, nhưng trong môi trường văn hóa thì có đẹp và có xấu, có tác động tích cực và tiêu cực đối với quá trình hình thành nhân cách. Tác động tới nhân cách trước tiên và mạnh mẽ nhất là các yếu tố văn hóa. Văn hóa nuôi dưỡng văn hóa. Văn hóa sinh ra văn hóa. Văn hóa “di truyền” từ đời này sang đời khác, làm cho một dân tộc có thể trường tồn và phát triển. Đồng thời với quá trình đó, các yếu tố tự nhiên cũng góp phần đáng kể trong hình thành nhân cách, thành thơ, thành nhạc, thành ký ức trong đời sống tâm hồn.

Xây dựng môi trường văn hóa chính là tạo nên những yếu tố văn hóa và tự nhiên mà có thể tác động tích cực đối với việc hình thành nhân cách. Và mặt khác, cần ngăn chặn để hạn chế tối đa những yếu tố tác động tiêu cực về văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa là một nội dung rất quan trọng trong trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam, nhằm mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, làm nền tảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước .

Chủ đề này thật quan trọng, rộng lớn và nhiều tầng bậc. Dưới đây xin đề xuất một số ý kiến ban đầu để trao đổi và tham khảo.

1. Tính trung thực trong nhân cách: Phải thật sự chăm lo việc xây dựng nhân cách của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, các thầy cô giáo, các ông bố bà mẹ, anh chị cả trong gia đình để từ đó nêu gương tốt bằng những con người thật, hành động thật, giản dị, dễ hiểu và có sức truyền cảm, lan tỏa. Mục tiêu và nội dung cốt lõi quan trọng nhất trong xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, đạo đức tốt đẹp. Đây là điểm cần đặc biệt lưu ý để luôn bám chắc mục tiêu chủ yếu trong quá trình xây dựng văn hóa.

Trong đó đặc biệt lưu ý xây dựng tính trung thực. Có trung thực sẽ biết tự trọng, biết xấu hổ, trước nhất là xấu hổ với chính mình, sau nữa là với cộng đồng. Khi biết tự trọng thì không làm việc xấu. Để xây dựng tính trung thực, trước hết cần tôn trọng tự do cá nhân, tự do tư tưởng và ngôn luận, để mọi người không sợ bị quy chụp, không phải nói dối để tự vệ và minh bạch thông tin nhằm thấy được bức tranh chân thực về cuộc sống và công việc.

2. Nâng cao hiểu biết, xây đắp các giá trị văn hóa. Cần thường xuyên nâng cao hiểu biết về văn hóa và ý thức giữ gìn, xây đắp các giá trị văn hóa đối với cả cộng đồng. Một khi hiểu biết đủ độ sâu, độ chín thì tự nó cũng sẽ chuyển thành ý thức và nâng tầm văn hóa của mỗi người. Khi đa số có ý thức cao thì sẽ thành sức mạnh của cả một cộng đồng, không cho phép thành viên nào tùy tiện sai trái.

Trong văn hóa làng ở Tây Nguyên đã từng có những trường hợp một thành viên nào đó bị cộng đồng không thừa nhận là con của làng nữa thì đó chính là hình phạt lớn nhất, có tác dụng răn đe hơn bất kỳ bản án nào. Cái tình trong văn hóa làng có nhiều giá trị đẹp rất đáng được bảo tồn và nhân lên, giúp cho con người ta thiện và đẹp hơn. Ở góc độ này, chúng ta cần tham khảo, nghiên cứu sâu hơn để chọn lọc và phát huy những mặt tốt đẹp, tích cực trong văn hóa làng của người Việt Nam ta.

Tất nhiên, trong văn hóa làng cũng tồn tại những mặt, những vấn đề đến nay không còn phù hợp, hạn chế sự phát triển của các cá nhân và cộng đồng cần phải được điều chỉnh.

3. Ngăn chặn tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực, suy đồi văn hóa. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Đảng và Nhà nước phát động và chỉ đạo hiện nay đang có tác động tốt đối với việc ngăn chặn sự suy thoái đạo đức, cũng tức là ngăn chặn suy đồi văn hóa.

Đại văn hào Nga Makxim Gorky đã có lần nói đại ý, đối với ông, văn hóa suy đồi còn đáng sợ hơn Tổ quốc lâm nguy. Khi Tổ quốc lâm nguy nhưng văn hóa còn, văn hóa bền vững thì sẽ bảo vệ được Tổ quốc, thậm chí bị mất rồi vẫn có thể giành lại được. Còn khi để mất văn hóa, văn hóa lâm nguy thì chẳng những mất Tổ quốc mà còn có khi mất cả dân tộc, mất chủ nhân và linh hồn của Tổ quốc ấy. Tham nhũng và lợi ích nhóm tiêu cực của cán bộ có chức quyền nó có sức tàn phá dữ dội đối với văn hóa, hơn bất kỳ thứ gì.

Do đó, hơn lúc nào hết, cần hết sức ủng hộ, hưởng ứng, góp ý và góp phần cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngày càng hiệu quả cao hơn, cả chiều rộng và chiều sâu, thực chất và bền vững. Trong đó, cần chú ý hơn nữa những biện pháp về cơ chế, thể chế nhằm kiểm soát tốt việc sử dụng quyền lực, ngăn chặn trước và từ xa các vụ việc tham nhũng. Cải cách lập pháp và tư pháp theo hướng nhân văn, tiến bộ hiện đại là một nội dung rất quan trọng đối với xây dựng văn hóa.

4. Hoạt động văn hóa, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, hình thành nhân cách con người: Văn học, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, truyền thông, báo chí,… cần giàu tính nhân văn hơn, tham gia mạnh mẽ và tác động tích cực hơn nữa cho xây dựng văn hóa. Phải chăm chỉ và cần mẫn nâng niu tích góp các giá trị nhân văn và tìm cách phát huy nó sâu rộng vào cộng đồng, biến thành nhân cách tốt trong mỗi con người.

Thông tin truyền thông cũng là một loại hoạt động văn hóa. Cần hạn chế tối đa và ngăn chặn mạnh mẽ việc một bộ phận nhà báo không đủ chuẩn về nhân cách tham gia vào các hoạt động lợi ích nhóm tiêu cực, làm cho trắng đen lẫn lộn, đánh bóng và bao che cho bên này, xuyên tạc vu cáo bên kia, răn đe dọa dẫm người ta để tống tiền, làm mất uy tín giới báo chí. Cần quan tâm việc bảo vệ công lý, bảo vệ những người dám đấu tranh chống lại các thế lực ngầm, vạch mặt kẻ tham nhũng.

5. Người lãnh đạo phải biết lắng nghe “ngôn ngữ” văn hóa. Để xây dựng môi trường văn hóa, cần phải hết sức giữ gìn sự trong sạch ở các cơ quan nắm cán cân công lý và làm văn hóa. Nơi này chỉ nên tập hợp những con người thật sự liêm khiết, có tấm lòng yêu thương con người, biết khóc vì nỗi đau oan trái của đồng loại và biết căm giận trước cái ác và cái xấu xa bẩn thỉu. Đó là những con người công tâm, bản lĩnh chính trực, không bị sự cám dỗ của đồng tiền và sự áp đặt của quyền lực mà nói theo hoặc uốn cong ngòi bút. Không để có các trường hợp oan sai, nhất là các oan sai từ công việc điều tra, truy tố và xét xử. Những trường hợp như vậy tai hại vô cùng, để lại vết nhơ và nỗi nhục của nền công lý, và xa hơn nữa là làm mất uy tín của chế độ chính trị, thậm chí còn hơn rất nhiều bất kỳ các tuyên truyền phản động nào. Những người bị oan ức phải được phát hiện và được minh oan, giải oan sớm nhất có thể. Đừng vì cố tình bảo thủ mà để cho người khác phải bị oan ức, kể cả bị giết oan, chết thay cho kẻ phạm tội. Việc cố ý làm sai và không chịu sửa để người khác phải bị oan là một tội ác không thể bỏ qua.

Môi trường tự nhiên cần được bảo vệ nghiêm, không để bị ô nhiễm và vấy bẩn, cảnh quan thiên nhiên và những kiến trúc đẹp, kể cả các dòng sông, đồng ruộng, bờ tre và làng quê Việt Nam đằm thắm, yên lành và những dãy phố xưa như sự hoài niệm và lời nhắn gửi từ quá khứ của những tâm hồn kiến trúc đa cảm và những tác phẩm hội họa giá trị… được bảo tồn, đều có tác động quan trọng trong xây dựng văn hóa, đời sống tâm hồn của con người.

Một điều nữa, theo tôi cần lưu ý trong câu chuyện về xây dựng môi trường văn hóa. Nên nhớ, văn hóa là cái đẹp. Cái đẹp vừa bền vững lại vừa mong manh dễ vỡ. Đã vỡ rồi thì khó hàn gắn lại. Và mặt khác, trong văn hóa luôn có ngôn ngữ tinh tế, những tín hiệu nhạy cảm và sâu lắng. Vì những lẽ ấy, cần phải có những người lãnh đạo phụ trách không thô bạo, biết ngôn ngữ ấy và biết lắng nghe… thì mới có thể làm tốt. 

 TS VŨ NGỌC HOÀNG, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top