Động lực phát triển du lịch nông thôn (Bài 3): Những lợi ích vô giá
VHO- Không chỉ mang lại cơ hội việc làm, lợi ích cho cộng đồng địa phương về mặt kinh tế- xã hội, du lịch nông thôn còn tạo ra những lợi ích vô giá trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, làm sống lại các làng nghề và xây dựng những cộng đồng dân cư đoàn kết.
Cùng trải nghiệm ướp trà sen nổi tiếng của làng cổ Phước Tích, Thừa Thiên Huế
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói rằng: “Tôi đã đi rất nhiều làng, bản du lịch cộng đồng ở phía Bắc, lưu trú tại nhà của người dân tộc vùng cao và tôi nhận thấy họ làm du lịch cộng đồng rất hay. Thậm chí, lúc ấy, tôi còn mời họ về truyền đạt kinh nghiệm cho những gia đình làm du lịch cộng đồng ở Đồng Tháp”.
Cộng đồng đoàn kết chia sẻ lợi ích
Một trong những chuyến đi ấy, khi đến làng du lịch cộng đồng ở Hoà Bình, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã bắt gặp những hình ảnh rất xúc động, đó là nếu khách ngủ ở nhà này thì nhà kia nấu cơm, một nhà khác bán đồ lưu niệm, nhà khác nữa giặt đồ cho khách, có những nhà phục vụ văn nghệ… Ông nhận ra rằng, mình đang được ở trong một cộng đồng đoàn kết biết chia sẻ lợi ích. Chủ nhà khi tâm sự với ông cũng cho biết, quan trọng là khi tiếp xúc với khách, họ được khai phá văn minh, nâng cao kiến thức… Đó là những giá trị vô giá, không đo được bằng vật chất. Họ cũng ý thức được việc có cộng đồng đoàn kết, an ninh trật tự đảm bảo, xã hội an toàn thì mới hấp dẫn được du khách.
TP Hội An, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương phát triển sớm và khá hiệu quả du lịch nông thôn, mang lại lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Điển hình như du lịch nông thôn tại các làng nghề truyền thống như làng rau sạch 400 năm tuổi Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, du lịch cộng đồng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, du lịch sinh thái gắn với rừng dừa nước và hệ sông lạch vùng hạ lưu Thu Bồn tại rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh (Hội An)…
Trước đây, mỗi năm xã Cẩm Thanh đón khoảng 10.000 khách du lịch đến tham quan rừng dừa nước Bảy Mẫu. Tuy nhiên, phần lớn là do doanh nghiệp kinh doanh tự xây dựng tour, thực hiện trọn gói, cộng đồng ít được hưởng lợi. Đến nay, với Đề án Tour du lịch sinh thái lấy cộng đồng làm chủ thể do Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm xây dựng, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thử nghiệm đã góp phần giúp điểm du lịch này phát triển bền vững, hài hòa, bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh thái làng quê. Du khách theo chân các nông dân, là chủ nhân các vườn rau hữu cơ cùng đạp xe tham quan các di tích ở làng, đi thúng chai vào rừng dừa nước, về vườn rau hữu cơ cùng chủ nhân trồng rau, thưởng thức ẩm thực được chế biến từ rau… Điều thú vị hơn nữa là chính nông dân sẽ kể cho du khách nghe chuyện bảo vệ môi trường, bảo tồn dừa nước, nói không với túi ni lông, ống hút nhựa của người dân ở đây và cùng mời du khách tham gia vào các hoạt động này.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá
Tại Thừa Thiên Huế, nhiều mô hình và tour tuyến du lịch nông thôn đã góp phần đưa lại những lợi ích kể trên khá rõ nét. Trong đó, phải kể đến là những mô hình du lịch tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.
Những năm qua, việc bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan ở làng cổ Phước Tích gắn với phát triển du lịch được chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương quan tâm. Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, đến nay đã có hơn 20 nhà rường cổ hàng trăm năm tuổi được hỗ trợ chính sách trùng tu (với mức từ 600-800 triệu đồng/nhà) cùng nhiều chính sách phát triển dịch vụ du lịch gắn với di sản này. Những chủ nhà cổ cũng xác định được trách nhiệm của mình, huy động nội lực gia đình để mua sắm bàn ghế, đèn trang trí, làm sân vườn, bình phong, trồng cây ăn quả và chỉnh trang khuôn viên. Việc làm này đã phát huy được tinh thần, trách nhiệm cộng đồng của chính quyền và cộng đồng dân cư tại địa phương, góp phần mở rộng hoạt động du lịch dịch vụ tham quan, dịch vụ lưu trú và giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong làng. Đặc biệt, làng nghề gốm ở Phước Tích nổi tiếng hơn 500 năm bị mai một đã được “hồi sinh” với tour “Hương xưa làng cổ” tại kỳ Festival Huế 2006.
Từ năm 2020, Ban quản lý làng cổ Phước Tích phối hợp với Công ty Huế Việt tổ chức các phiên chợ quê “Hương xưa làng cổ” diễn ra hằng tháng. Tour tham quan làng cổ gắn liền với các hoạt động trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực và mua sắm sản phẩm nông nghiệp hữu sơ của vùng quê Phong Điền. Ông Hoàng Văn Thái cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo Ban quản lý làng cổ Phước Tích tập trung công tác chỉnh trang cảnh quan, để sau khi dịch bệnh được khống chế, sẽ tiếp tục các chương trình tour du lịch và mở rộng phát triển các tour trải nghiệm tham quan nhà cổ ở Phước Tích kết nối với tham quan các làng nghề truyền thống lân cận như làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, đan lưới Vân Trình, trải nghiệm đi thuyền trên sông Ô Lâu...”.
Khi nói đến mô hình du lịch nông thôn gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở Thừa Thiên Huế, phải kể đến huyện miền núi A Lưới. Tại đây, cùng với việc phát triển các mô hình du lịch khám phá thiên nhiên, trải nghiệm ẩm thực và các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ độc đáo của đồng bào vùng cao, thì nghề dệt Zèng của người Tà Ôi cũng phát triển nhanh. Sản phẩm từ Zèng của đồng bào ban đầu chỉ dùng cho người bản địa, sau đó được phát triển thành các sản phẩm lưu niệm như túi xách, quần áo, giày dép... và thậm chí đã trở thành chất liệu cho các bộ sưu tập nổi tiếng biểu diễn trong và ngoài nước.
Bài 4: Cần có chính sách tổng thể
A.VŨ - K.CHI - T.AN