Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chuyện về cây cà phê ở Ba Vì (Bài cuối): Đồn điền "cà phê lộng lẫy" chỉ còn trong kí ức

Thứ Tư 02/06/2021 | 11:43 GMT+7

VHO- Trong chuyến công tác lên Ba Vì vài tháng trước, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một đồng chí  lãnh đạo của huyện Ba Vì. Ở vị trí cote 600, tiết trời se lạnh, sương mù buông phủ tứ phía, cầm ly cà phê trên tay, tôi kể câu chuyện về cây cà phê ở Ba Vì 100 năm trước; kể câu chuyện Ba Vì từng có đến 31 đồn điền trồng cà phê và chăn nuôi. Những người tham gia cuộc chuyện ngỡ ngàng: “Thật vậy sao? Có nghe nói cây cà phê từng được trồng ở Ba Vì nhưng cụ thể thế nào thì không rõ”.

 Ông Nguyễn Tạ Tấn, Phó chủ tịch UBND xã Ba Trại bày tỏ mong muốn phát triển du lịch sinh thái ở Ba Trại từ sức hút của những vườn chè sạch

Đến Ba Vì, ngắm dãy đồi được phủ xanh nằm sát nhau như đàn rùa khổng lồ thong dong  dưới nắng, con nọ nối đuôi con kia; những thung lũng xanh ngắt màu cây lá, thật khó tin trong số hàng triệu triệu màu xanh ấy không có màu xanh của cây cà phê. Nhưng đó là sự thật. 

Vì sao cây cà phê mất chỗ đứng ở Ba Vì?

Ông Bạch Công Tiến, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ba Vì lý giải việc cây cà phê “mất vị trí” tại nơi nó đã được người Pháp đưa về trồng thử nghiệm và cho kết quả tốt: “Cà phê cần có nguồn nước tưới dồi dào nhưng điều kiện này thì Ba Vì không đáp ứng được. So với hàng trăm năm về trước, khí hậu nơi đây đã thay đổi nhiều, khô và nóng hơn. Mặt khác, muốn có đầu ra thì phải xây dựng được vùng cây trồng có thương hiệu, trong khi diện tích đất đáp ứng việc trồng cà phê rất hạn chế. Khu vực đất đồi từ cote 100 đã là rừng phòng hộ thuộc Vườn Quốc gia Ba Vì. Không có phong trào, không có có đầu ra nên người dân không dám mạo hiểm để đầu tư”.

Đồn điền cà phê của điền chủ Marius Borel tại Ba Vì hơn 80 năm trước

Về điều này, ông Nguyễn Giáp Đông, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì khẳng định, có thể năm xưa, thế mạnh về cây trồng ở Ba Vì là cây cà phê, còn bây giờ, nếu Ba Vì phát triển loại cây này cũng không thể cạnh tranh được với những địa phương khác. Còn để phục vụ nhu cầu tại chỗ thì dân Ba Vì không phải là giới “ghiền cà phê”. Nếu cần dùng thì sản phẩm cà phê ngoài thị trường rất đa dạng, giá cả lại hợp túi tiền. Vì thế, ngay việc trồng nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu của hộ gia đình cũng không tồn tại”.

Tổng Cẩm Đái (nay là xã Ba Trại), những năm 1929-1940 có đồn điền trồng cà phê  của điền chủ người Pháp Derepas. Năm 1993-1997, đã có dự án phục hồi việc trồng cà phê tại Ba Trại. Đây là dự án thực hiện bằng nguồn vốn của một tổ chức phi chính phủ ( Hungarri). Trên diện tích 3 héc ta của nông trường trên đất Ba Trại, cà phê được trồng và đã ra quả.     

Nói về dự án phục hồi cây cà phê,  ông Hoàng Văn Chuyền, Chủ tịch UBND xã Ba Trại, khẳng định cây cà phê được trồng trong dự án phục hồi hiệu quả cũng không cao.  Mặt khác, dự án chỉ hỗ trợ việc phục hồi trồng cây cà phê nhưng không hỗ trợ việc thu hoạch, chế biến nên vì nhiều lý do cà phê cứ chín, bỏ đấy và dự án kết thúc.

Cây chè “soán ngôi”

 Vườn chè trên đất Ba Trại

Những vị trí xưa là đồn điền cà phê của các điền chủ Morice, Roberl, Demolle,Derepas, Roné, Thibaut... và  Borel nay mang màu xanh của sắn, rong giềng, các loại cây trồng khác cùng ấu ấn của đô thị hoá. Riêng xã Ba Trại, mướt mắt là màu xanh của các vườn chè. Hầu hết các hộ dân trong thôn đều trồng chè, nhà ít thì 5 sào, nhiều thì 1 mẫu, tổng diện tích cây chè trên địa bàn đạt 675 héc ta (trong đó riêng của xã là 475 héc ta). Cây chè ở đây được trồng theo hướng VietGAP nên đem lại giá trị cao.

Gia đình anh Bùi Văn Trí, xóm Đô, thôn 3, xã Ba Trại cho biết nhà có 6 sào trồng chè

Ngoài xã Ba Trại, cây chè còn được trồng nhiều tại các xã: Ba Vì, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Quang, Khánh Thượng, Nông trường Sông Đà, Nông trường Việt - Mông... với tổng diện tích toàn huyện 1.750 héc ta.

Theo ông Nguyễn Giáp Đông Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì , năm 2020, Ba Vì tiếp tục mở rộng thêm 20 ha chất lượng cao tại các xã trồng chè trọng điểm của huyện như: Ba Trại, Yên Bài, Minh Quang... trong đó, chủ lực là giống chè mới LDP1 có năng suất, chất lượng cao. “ Chè Ba Trại bây giờ có thương hiệu 4 sao rồi. Chúng tôi đang phấn đấu để đạt thương hiệu 5 sao trong thời gian tới”- ông Đông chia sẻ.

Không mênh mông với tầm mắt trải dài như các đồi chè ở Mộc Châu, chè ở Ba Trại là giống mới, cây thấp, lộc nhú mỡ màng như nảy mầm sau mưa. Sự đẹp mắt có tính chất khác biệt của các vườn chè ở Ba Trại đã và đang thu hút du khách đến tham quan. 

Cây chè  được trồng ở Ba Trại là giống mới có giá trị kinh tế cao 

Đưa chúng tôi đi thăm các vườn chè, ông Nguyễn Tạ Tấn, Phó chủ tịch xã kể với giọng tự hào: “Trong năm 2018-2019, Ba Trại đón hơn 10 ngàn lượt khách tham quan; năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn có  du khách đến với vườn chè Ba Trại và thưởng thức ẩm thực của dân tộc Mường.

Trở thành điểm “check in” mới của giới trẻ nhưng việc phát triển du lịch ở Ba Trại vẫn còn rất sơ khai. Mong muốn Ba Trại thành vùng du lịch sinh thái với điểm nhấn là chè sạch và ẩm thực Mường, chính quyền địa phương đang vận động người dân sửa sang nhà cửa khang trang, sạch sẽ để đạt yêu cầu đón khách du lịch và tính toán làm sao có quỹ đất để xây dựng nhà cộng đồng (nhà sàn người Mường). Với 40% dân số là người Mường sinh sống tại Ba Trại, du khách đến đây sẽ có dịp khám phá giai điệu Ru ún độc đáo, hấp dẫn bởi những tiết tấu cùng ca từ đậm chất thi ca. Nếu Ru ún đưa người nghe vào cảm xúc mênh mang, êm ái thì tiếng cồng, chiêng lại hứa hẹn những cuộc trải nghiệm táo bạo, khám phá sự giao hòa giữa quá khứ và hiện tại; giữa sức mạnh cơ bắp và chiều sâu nội tâm của mỗi con người. Hiện tại ở Ba Vì có 11 bộ cồng chiêng đang được lưu giữ tại các xã có người Mường sinh sống. Ngoài ra, ẩm thực xứ này cũng rất hấp dẫn, món nào cũng có đủ vị đắng, cay, chua, ngọt… của các loại cây, lá, măng rừng hòa quyện trong đó. Trong các món ngon của người Mường, cỗ lá và măng chua nấu thịt gà là những món ăn gây thương nhớ cho bất cứ du khách nào đến Ba Vì.

Một địa chỉ thu hút du khách khi đến Ba Trại

Ông Bùi Văn Biên, chủ ngôi nhà sàn ở xã Ba Trại cho biết, thời điểm dịch Covid chưa bùng phát, mỗi ngày ông nhận đơn đặt hàng  từ 5-10 mâm, nhiều có thể lên đến 20 mâm/ ngày. Hiện gia đình ông mới phục vụ các món ăn của người Mường. Nếu sau này Ba Trại phát triển du lịch sinh thái, khách tham quan đông và có nhu cầu thưởng thức văn nghệ ông sẽ kết nối để khách thưởng thức cồng chiêng, hoặc nghe Ru ún.

Quay trở lại quá khứ với “Đồn điền cà phê lộng lẫy” của ông Borel, ngày ấy nơi đây đã đón tiếp rất nhiều khách tham quan trong đó có cả những chính khách nước ngoài, chính vì thế, không có lý do gì mà Ba Vì không đưa đặc sản chè 4 sao để mời gọi du khách đến với mình khi đang sở những đồi, vườn xanh mát mắt và đẹp như một giấc mơ. 

 CHU THU HẰNG; ảnh: VŨ MỪNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top