“Kỳ thi đặt biệt” do Covid-19: Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trong mọi hoàn cảnh

VHO- Dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ đầu tháng 5 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó phải kể đến hoạt động dạy, học của thầy cô giáo và các em học sinh; nhiều cơ sở giáo dục đã phải tạm đóng cửa, học sinh chuyển trạng thái học tập, kiểm tra từ trực tiếp sang trực tuyến…

“Kỳ thi đặt biệt” do Covid-19: Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trong mọi hoàn cảnh - Anh 1

 Học sinh làm bài kiểm tra trực tuyến tại nhà

Đa phần giáo viên và phụ huynh đều cho rằng đây là giải pháp tốt nhất khi tình hình dịch bệnh vẫn đang căng thẳng.

Cẩn thận, chu đáo và tỉ mỉ

Trước khi tổ chức kiểm tra học kỳ II online, các trường học trên địa TP Đà Nẵng đã hướng dẫn học sinh làm quen với hình thức thi mới như cung cấp đường link, hướng dẫn đăng nhập, kiểm tra thử… Nhóm lớp 8/3 trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) luôn được cô chủ nhiệm Phạm Thị Trí trao đổi, cung cấp thông tin về lịch học, lịch thi, bài ôn tập qua nhóm chat zalo. Song song với việc gửi bài tập vào các group, cô Trí cũng đồng thời gửi riêng bài tập cho những phụ huynh và học sinh chưa có tài khoản mạng xã hội, đồng thời cung cấp số điện thoại của giáo viên bộ môn để phụ huynh liên lạc khi cần. Cô Trí cho biết, trước ngày thi đã họp lớp online để kịp thời thăm hỏi, động viên tinh thần của từng em, đồng thời nhắc nhở, mong muốn phụ huynh tạo điều kiện về không gian tốt nhất cho con em mình trong lúc làm bài. “Ngày đầu tiên các em thi 2 môn thì môn Địa lý chỉ có 40 em nộp bài; môn Sinh có đủ 44 em nộp bài. Những em chưa thi thành công là do nhiều lý do khách quan nên giáo viên và phụ huynh đã phối hợp tìm cách khắc phục để tạo điều kiện cho các em tham gia đầy đủ ở những môn sau. Đến thời điểm này, nhà trường đã tổ chức thi lại cho các em bằng hình thức trực tiếp và các em đã hoàn thành đầy đủ. Lần đầu thi trực tuyến nhưng các em đều rất nghiêm túc, tự giác và đáng khen”, cô Phạm Thị Trí tự hào chia sẻ.

Tương tự, nhóm phụ huynh lớp 10/16 trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) do cô Tôn Nữ Huỳnh Trang làm chủ nhiệm cũng liên tục được cập nhật các tin nhắn hướng dẫn về lịch ôn tập, bài vở mỗi ngày. Trước khi làm bài chính thức, cô Huỳnh Trang cũng mở “phòng họp” với phụ huynh và học sinh trên group để thông báo và hướng dẫn cụ thể các phương án nhằm giúp các em hoàn thành tốt bài thi trực tuyến. “Phụ huynh cần đảm bảo đường truyền interrnet ổn định, cần thiết có thể đặt thêm 3G, trang bị điện thoại có camera tốt; bài thi làm trên máy tính sẽ thuận lợi hơn, nếu làm trên điện thoại thì phải dùng thiết bị có màn hình lớn, nếu không sẽ thiệt thòi cho các em”, cô Huỳnh Trang căn dặn.

Để phục vụ cho học sinh thi trực tuyến, trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) đã chọn phần mềm Micrrosoft Teams để thao tác. Đây cũng là phần mềm mà nhà trường sử dụng trong các đợt triển khai dạy, học trực tuyến khi học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống Covid-19 nên khá thuận lợi cho các em. Học sinh được chọn một trong hai cách làm bài và nộp bài, một là thực hiện trên link Micrrosoft Teams của lớp và hoàn thành bài làm trên link; hai là nhận đề kiểm tra qua file ảnh rồi làm bài trên giấy và sau khi hoàn thành thì chụp hình gửi kết quả cho giáo viên chủ nhiệm qua ứng dụng trên.

“Kỳ thi đặt biệt” do Covid-19: Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trong mọi hoàn cảnh - Anh 2

 Phụ huynh đến trường nhận đề thi cho con em mình cũng thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch

Hình thành sự trung thực

Đối với hình thức kiểm tra trực tuyến, đa phần giáo viên và phụ huynh đều cho rằng đây là giải pháp tốt nhất khi tình hình dịch bệnh vẫn đang căng thẳng. Câu hỏi đặt ra về sự trung thực của học sinh khi tham gia “kỳ thi đặc biệt” này cũng là điều mà nhiều phụ huynh cũng như học sinh thắc mắc. “Em thấy thi trực tuyến cũng giống như thi ở trên lớp, kiến thức đã được học nên không có gì căng thẳng, nhưng em cũng không biết có bạn nào vi phạm quy chế thi không, vì thi ở nhà đâu có ai giám sát”, em Hoàng Minh Châu, học sinh lớp 10/16 trường THPT Phan Châu Trinh nêu ý kiến. Còn quan điểm của em Hoàng Quang Minh, học sinh lớp 8/3 trường THCS Phan Đình Phùng thì dù có khó đến đâu em cũng không hỏi bố mẹ và chị gái mà sẽ trung thực làm bài.

Đa số phụ huynh đều cam kết sẽ không can thiệp khi các con đang thi. Chị Đặng Thị Thu Huyền (đường Trường Chinh, quận Cẩm Lệ) có con trai học lớp 3 cho biết, chị không “trợ giúp” kể cả con có lên tiếng “cầu cứu”. “Thi ở nhà hay thi ở lớp cũng như vậy, đây là kỳ thi kiểm tra năng lực của cả một năm học nên các con cần vận dụng kiến thức các con đã được học”. Đồng quan điểm, anh Nguyễn Quang Hải (quận Cẩm Lệ) khẳng định, trong khi con anh kiểm tra tại nhà chắc chắn sẽ không có sự trợ giúp của bất kỳ ai. Đây là lúc các con tự đánh giá lại kết quả rèn luyện của mình, tuy còn nhỏ tuổi nhưng các con cần phải đối diện vấn đề một cách thẳng thắn. “Không giúp đỡ con gian lận trong kỳ kiểm tra trực tuyến cũng chính là cách làm gương, dạy cho con đức tính trung thực, thật thà”, anh Hải chia sẻ.

Cũng như anh Hải và chị Huyền, nhiều bậc cha mẹ cũng cho rằng điểm số của một kỳ kiểm tra không phản ánh chính xác kết quả học tập của con em mình, nhưng quan trọng hơn hết là các em sẽ biết tự khắc phục những yếu điểm, không hình thành thói quen dựa dẫm, ỷ lại khi gặp những “phép thử” lớn hơn trong cuộc sống. 

 Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, bậc THCS (khối 6, 7 và 8) có 48.617 học sinh tham gia kiểm tra kết thúc năm học bằng hình thức trực tuyến (đạt 91,1%) và 5.170 học sinh đăng ký kiểm tra trực tiếp. Một số trường như THCS Nguyễn Đình Chiểu, THCS Nguyễn Duy Hiệu có khoảng trên dưới 50% học sinh không có máy tính hoặc điện thoại thông minh nên không thể tham gia thi trực tuyến, các em này sẽ được kiểm tra tại trường trong điều kiện đảm bảo nghiêm ngặt yêu cầu về phòng, chống dịch. Tương tự, tại quận Sơn Trà, những học sinh không thể tham gia kiểm tra trực tuyến cũng sẽ được nhà trường tổ chức kiểm tra trực tiếp…

 MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc