Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Trại tạm giam Chí Hoà chưa được xếp hạng di tích thật sự là thiếu sót

Thứ Tư 21/04/2021 | 10:41 GMT+7

VHO- Cần ứng xử như thế nào với công trình Trại tạm giam Chí Hoà mà Văn Hóa có bài “Xứng đáng được bảo tồn như một di tích lịch sử” (số 3550, ra ngày 7.4.2021), nguyên Phó Chủ tịch nước TRƯƠNG MỸ HOA cho biết: “ĐẾN GIỜ CÔNG TRÌNH NÀY VẪN CHƯA ĐƯỢC XẾP HẠNG DI TÍCH LÀ MỘT SỰ THIẾU SÓT. THIẾU SÓT BẮT ĐẦU TỪ CHÍNH QUYỀN VÀ NGAY CẢ CỦA CHÚNG TÔI NỮA. VÌ THẾ CẦN NHANH CHÓNG LẬP HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH TRẠI TẠM GIAM CHÍ HOÀ, TRƯỚC MẮT LÀ DI TÍCH CẤP THÀNH PHỐ”.

 

 Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trong buổi trao đổi với phóng viên Văn Hóa

Sau nhiều lần xin lịch gặp, vào buổi sáng 19.4, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, một trong những cựu tù chính trị tại Trại tạm giam Chí Hoà, đã dành cho nhóm phóng viên Văn Hóa cuộc trao đổi chân tình sau chuyến công tác dài ngày của bà tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

“Tuyệt đối không thể xem nhẹ giá trị của công trình này”

Tại Văn phòng Quỹ học bổng Vừ A Dính (TP.HCM), nguyên Phó Chủ tịch nước đã nói chuyện với nhóm phóng viên Văn Hoá qua một giờ đồng hồ để trao đổi, chia sẻ về việc cần làm những gì để góp phần giữ lại công trình ấy như một di tích lịch sử để tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng cho các thế hệ, sau khi Trại tạm giam Chí Hoà được dời đi. Cầm trên tay tờ Văn Hoá, bà Trương Mỹ Hoa cho biết, “ngay khi có thông tin di dời Trại tạm giam Chí Hoà, bản thân bà và các anh chị em cựu tù chính trị rất quan tâm. Giới truyền thông, báo chí, trong đó có Văn Hoá đã kịp thời có tiếng nói quan trọng trong việc nhận diện và đề nghị bảo tồn công trình này. Hiện các anh chị em cựu tù chính trị cũng đã bàn bạc để đề nghị các cấp nhằm tìm giải pháp ứng xử phù hợp với công trình di tích này”.

Theo bà Trương Mỹ Hoa, công trình Trại tạm giam Chí Hòa là nơi ghi dấu ấn lịch sử của một giai đoạn hào hùng trong quá khứ, là nơi ghi dấu tội ác của đế quốc, nơi thể hiện tinh thần, khí tiết của biết bao thế hệ cách mạng, trong đó có rất nhiều người đã ngã xuống, góp phần cho đất nước được độc lập thống nhất, vì thế tuyệt đối không thể xem nhẹ giá trị của công trình này. Dường như những ký ức một thời lịch sử sống lại, nguyên Phó Chủ tịch nước bùi ngùi kể, bà ở tù tổng cộng 11 năm, từ 1964-1975, qua 7-8 nhà tù rải khắp miền Nam. Ngày đó bà hoạt động trong phong trào thanh niên, HSSV khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Ngày 15.4.1964 bà bị bắt. “Trong tù, địch bắt tụi mình thi hành nội quy như chào cờ, bắt hô hào đả đảo cộng sản,… ai chống thì bị đánh đập, cho nhịn đói và áp dụng các cực hình khác. Ban đầu tôi và nhiều chị em bị bắt ở Gia định, sau đó đưa ra tòa, kêu án, rồi đưa về trại giam Thủ Đức. Đến tháng 8.1969 có sự kiện địch đàn áp đánh chết ba chị em ở trại giam Thủ Đức, nhiều người nổi dậy bắt chúng phải chấp nhận một số yêu cầu của chúng ta... Sau đó chúng tôi bị đưa về Trại tạm giam Chí Hòa, địch coi nhóm chúng tôi là những người cầm đầu cuộc đấu tranh tại trại giam Thủ Đức lúc bấy giờ”, nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết.

Theo bà, thời điểm đó địch muốn đày mọi tù nhân ra Côn Đảo nhưng vì chưa kịp chuẩn bị nên đưa qua Chí Hòa tạm giam. “Lúc bấy giờ chúng tôi có gần 500 chị em gồm những người mang tội danh tuyên bố chống chào cờ ở nhiều nhà tù khác nhau, nhưng cũng đồng thời là những người tham gia nổi dậy chống cuộc đàn áp ở nhà tù Thủ Đức, bị chúng đưa đi nhằm tách riêng nhóm cộng đồng chung để ổn định tình hình của nhà giam Thủ Đức sau cuộc nổi dậy…”, bà cho hay. Nhớ lại từng chi tiết, bà Trương Mỹ Hoa kể tiếp: “Khi đưa qua Chí Hòa chúng tôi bị tạm giam ở khu OB, khu này có 4 phòng. Nhà tù Chí Hòa có hình bát giác, mỗi cạnh có 4 phòng. Tầng dưới đất là nơi giam giữ chúng tôi có 32 phòng và trại giam có nhiều tầng nên có thể giam giữ từ 2.000- 7.000 người cùng lúc. Trại tạm giam Chí Hòa là nơi tạm giam tù nhân sau khi đã kêu án rồi, nếu nặng (từ 5 năm trở lên) thì bị đày Côn Đảo, còn tội nhẹ hơn thì giữ ở đây rồi sau đó thả. Nhóm chúng tôi trước kia có khoảng hơn 200 người thì nay lên tới gần 500 chị em. Có thể nói, qua đấu tranh chúng tôi đã phát triển thành một lực lượng đông đảo, lớn mạnh”.

“Khi qua trại giam Chí Hòa, chúng tôi có 3 việc phải làm, một là tiếp tục đấu tranh chống chào cờ và đòi quyền dân sinh, dân chủ. Lúc này chúng tôi bị nhốt không cho ra ngoài nên phải đấu tranh đòi ra ngoài để vận động, sinh hoạt cá nhân, đòi đảm bảo quyền cho người bệnh, đảm bảo chế độ cơm nước mỗi ngày… Công việc thứ hai là củng cố tổ chức nội bộ. Trong số gần 500 chị em qua đây, khi bị chia ra 4 phòng thì chúng tôi tìm cách kết nối, bố trí lực lượng ở cùng nhau giữa chị em cũ và mới để có sự động viên, giúp đỡ. Nghĩa là, trong tù lúc này chúng tôi vừa chống địch, vừa xây dựng nội bộ, tiếp tục đấu tranh”, nguyên Phó Chủ tịch nước cho hay. Cũng theo bà, trong thời gian ở nhà tù Chí Hòa có một sự kiện quan trọng là để tang khi Bác Hồ mất. Lúc này ban đại diện các phòng họp lại thống nhất kế hoạch tổ chức để tang và lập bàn thờ Bác, cùng đó là kế hoạch đối phó với địch khi chúng không cho. Cuối cùng, sau quá trình đấu tranh và thuyết phục thì các chị em đã được để tang Bác một cách trọn vẹn trong trại. Công việc thứ ba của chúng tôi là đấu tranh chống đi đày Côn Đảo, tuy nhiên cuối cùng sau hơn 3 tháng tạm giam tại đây, ngày 29.11.1969 thì mọi người đã bị đày đi nhà tù Côn Đảo.

“Rõ ràng khi ở Chí Hòa hơn 3 tháng, tuy thời gian ngắn nhưng có thể nói nơi đây tiếp tục diễn ra các cuộc đấu tranh rất sôi nổi, đấu tranh giữ khí tiết, bảo vệ chính trị, đòi hỏi quyền dân sinh, dân chủ, đấu tranh chống lại những âm mưu của địch, để được để tang Bác và chống lại cuộc đi đày ra Côn Đảo… Tuy chỉ 3 tháng nhưng chúng tôi rất quyết liệt, không có lúc nào ngơi nghỉ và luôn luôn trong tư thế đấu tranh ở mức độ cao nhất”, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nhấn mạnh.

“Trại tạm giam Chí Hòa cần phải được đối xử như một di tích lịch sử”

Đề cập việc ứng xử như thế nào đối với Trại tạm giam Chí Hoà sau chủ trương di dời, bà Trương Mỹ Hoa cho biết: “Chí Hòa đối với chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm, những sự kiện diễn ra nơi đây có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính từ những cuộc đấu tranh đó đã tạo dựng và giúp cho sự trưởng thành của chị em gắn với tập thể và trở thành sức mạnh to lớn sau này. Qua ý kiến của anh chị em trong cựu tù chính trị và các cơ quan truyền thông đưa tin, được biết đến giờ công trình ấy vẫn chưa được xếp hạng di tích là sự thiếu sót. Thiếu sót từ chính quyền và ngay cả của chúng tôi nữa. Cho nên tôi nghĩ rằng, cần nhanh chóng lập hồ sơ xếp hạng công trình Trại tạm giam Chí Hoà, trước mắt là di tích cấp thành phố”.

Theo bà, tuy đây chỉ là nơi tạm giam nhưng cũng hết sức quan trọng, bởi vì những ai trước khi bị đày đi Côn Đảo cũng phải (từng) qua Chí Hòa, đó là nơi sàng lọc để chuẩn bị đưa đi. “Đối với chúng tôi và nhiều thế hệ cựu tù chính trị khác, nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, chứng kiến nhiều câu chuyện không bao giờ quên, trong đó có sự kiện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi bị xử tử vào 1964. Do vậy theo tôi, công trình Trại tạm giam Chí Hòa cần phải được đối xử như là một di tích lịch sử, cần nhanh chóng được xếp hạng để có biện pháp bảo tồn, giáo dục truyền thống cho các thế hệ nối tiếp”, bà nói và mong muốn làm sao để nơi đây trở thành công trình lịch sử của đất nước, tuyệt đối không nên biến nơi đây thành công trình mang tính chất thương mại. 

“Tôi phát biểu ở đây không chỉ xuất phát từ tâm nguyện, tình cảm của một cựu tù đã từng bị giam giữ ở đó, mà còn với tư cách là người từng công tác trong bộ máy Nhà nước, là người có trách nhiệm đóng góp cho đất nước hiểu và thấy được điều này. Cái nào thì có lợi ích lớn nhất cho đất nước? Bây giờ đừng nói xây dựng những trung tâm thương mại mới mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước. Có những giá trị tinh thần mà không có gì mua được, đó cũng chính là lợi ích đất nước. Vì vậy phải cân nhắc, tính toán cho thật kỹ khi quyết định số phận của công trình này”, nguyên Phó Chủ tịch nước tâm tư và nói thêm: “Khi bàn tới khám Chí Hòa, tôi lại nhớ về một nhà tù nữa cũng ở TP.HCM trước đây, đó là trại giam Thủ Đức mà tôi có nhắc ban đầu, trại giam này sau khi dời đi Bình Thuận thì đã bị phá hết không còn nữa. Có thể nói đây cũng là một công trình quan trọng bởi vì nhà tù này là nơi giam giữ nữ tù nhân toàn miền Nam, có vị trí lịch sử rất quan trọng nhưng đã bị bỏ đi và dần lãng quên”.

Trước khi chia tay, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã chia sẻ rằng, bà có thời gian dài công tác tại Hà Nội và đã nhiều lần đến thăm di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Hoả Lò. “Đây là di tích lịch sử có giá trị quan trọng, là trường học cách mạng của biết bao thế hệ. Nhưng vì lý do này lý do khác, chúng ta chỉ giữ lại được từng ấy diện tích. Vì thế đây là bài học kinh nghiệm để chúng ta ứng xử phù hợp hơn đối với những công trình khác”, bà nói.

 Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM sẽ tổ chức tọa đàm...

Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM cho biết, ngày 22.4 Ban Liên lạc sẽ tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến các cựu tù và giới chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm góp ý kiến trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đối với công trình Trại tạm giam Chí Hòa. “Vừa rồi, qua trao đổi với anh chị em trong Ban Liên lạc thì mọi người rất đồng tình kiến nghị với cấp chính quyền cần giữ lại công trình này chứ không nên biến nơi đây thành công trình thương mại hoặc chuyển đổi công năng khác”, bà Khánh nói.

 

 Tôi phát biểu ở đây không chỉ xuất phát từ tâm nguyện, tình cảm của một người cựu tù đã từng bị giam giữ ở đó, mà còn với tư cách là người từng công tác trong bộ máy Nhà nước, là người có trách nhiệm đóng góp cho đất nước hiểu và thấy được điều này. Cái nào thì có lợi ích lớn nhất cho đất nước? Bây giờ đừng nói xây dựng những trung tâm thương mại mới mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước, có những giá trị tinh thần mà không có gì mua được, đó cũng là lợi ích đất nước. Vì vậy phải cân nhắc, tính toán cho thật kỹ khi quyết định số phận của công trình này.

(Nguyên Phó Chủ tịch nước TRƯƠNG MỸ HOA)

 

Nhóm PHÓNG VIÊN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top