Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cần sự bảo hộ của nhà nước cho phim Việt

Thứ Tư 21/04/2021 | 10:36 GMT+7

VHO- Hôm qua 20.4, tại TP.HCM, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật Điện ảnh và góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi).

 Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến chính sách của nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; phân cấp, phối hợp trong quản lý nhà nước; thẩm định, phân loại, cấp phép phổ biến phim; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh… Trong đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Thị phần phim Việt còn quá thấp

Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, phát triển điện ảnh phải xác định là phát triển công nghiệp điện ảnh. Trong Luật Điện ảnh 2006, vì quan niệm điện ảnh cơ bản là ngành nghệ thuật nên các điều luật chủ yếu để điều chỉnh các hoạt động sáng tác - phát hành - phổ biến tác phẩm điện ảnh mà chưa quan tâm đến khía cạnh bộ phim là loại hàng hóa đặc biệt. Vì vậy, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có thêm những quy định điều chỉnh hoạt động của nền công nghiệp điện ảnh gắn liền với phát triển thị trường điện ảnh để tái sản xuất phim, tạo ra các sản phẩm điện ảnh. “Cần bổ sung vào Điều 3 về giải thích từ ngữ các khái niệm Công nghiệp điện ảnh Thị trường điện ảnh. Bởi thực tế thời gian qua, thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển nhanh nhưng cạnh tranh chưa lành mạnh, bằng chứng là những khiếu nại và kiến nghị kéo dài của các doanh nghiệp nội về sự áp đặt và thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp ngoại. Khi đưa khái niệm Thị trường điện ảnh vào Luật thì mới có những quy định và chế tài để phát triển một thị trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh, bảo hộ doanh nghiệp nội một cách công khai theo các cam kết quốc tế”, bà Lan phân tích.

Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM Dương Cẩm Thúy cho rằng, cần thêm 1 đến 2 điều khoản về nội dung điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa. “Chúng ta luôn tự hào điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa đứng đầu nhưng hầu hết những người trong nghề chưa am hiểu nhiều về khái niệm này”, bà Thúy nói và cho rằng dự thảo cũng cần bổ sung khái niệm Điện ảnh là ngành nghệ thuật tổng hợp và sáng tạo, chứ như khái niệm trong dự thảo giải thích đây là ngành nghệ thuật sáng tạo (tại Điều 3) thì sẽ mất đặc trưng của điện ảnh.

Các chuyên gia cũng đã nêu những bất cập về khai thác, phổ biến phim trên môi trường Internet, tình trạng công ty nước ngoài nắm giữ đa số thị phần phim trong nước và cạnh tranh không lành mạnh... Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, thị trường phát hành phim hiện nay chủ yếu do tư nhân làm chủ, nhưng các công ty tư nhân nội địa chỉ nắm được trên 20% lượng phòng chiếu trong khi các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim có yếu tố đầu tư nước ngoài chiếm tới 65%. Nhà sản xuất, đạo diễn Mai Thu Huyền cho biết: “Về vấn đề phổ biến phim trong các rạp Việt Nam, hiện dự thảo Luật Điện ảnh vẫn còn chung chung, chưa có sự cam kết rõ ràng. Trong khi mỗi năm có 300 bộ phim chiếu rạp thì phim Việt chỉ tầm 40 phim, nếu không có sự bảo hộ của nhà nước thì phim nội sẽ tiếp tục rơi vào khủng hoảng”. Ông Trần Thế Tuấn, Công ty BHD cũng cho hay, tỉ lệ phim Việt Nam và nước ngoài đang chênh nhau quá lớn. Thị phần phim Việt trước đây từ 10% và những năm gần đây tăng lên được 25% đến hơn 30% là một mức tăng trưởng tốt nhưng hoàn toàn có thể tăng được lên mức khoảng 40-50% hoặc cao hơn nữa nếu như có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chính sách của nhà nước và được cạnh tranh sòng phẳng.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện ảnh

Nhân lực điện ảnh thưa mỏng và thiếu đồng bộ

Nêu ra một số vướng mắc trong hoạt động điện ảnh hiện nay, PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, đội ngũ làm phim đang ngày một thưa mỏng và thiếu đồng bộ; một phần do thế hệ trước đã đến lúc phải nghỉ ngơi, thế hệ sau lại không được bổ sung kịp thời. Theo ông Kim, nguồn nhân lực chất lượng cao cạn kiệt dần do không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài, còn đào tạo trong nước thì chưa đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng cũng như số lượng ngành nghề. Trong lúc đó, do khó khăn nghề nghiệp và đời sống, một số nghệ sĩ và chuyên viên đã rời bỏ ngành đi tìm công việc khác… Chính vì thế, cần gấp rút có biện pháp cụ thể từ cơ quan chức năng, thực hiện chiến lược đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Trong nước, cần chú trọng hiệu quả đào tạo thông qua cải cách giáo dục chuyên ngành. Ngoài nước, cần mạnh dạn cung cấp nguồn kinh phí tương hợp, cử sinh viên được tuyển chọn kỹ lưỡng đi du học ở các nước có nền điện ảnh phát triển. Trước đó, kế hoạch này đã từng được đặt ra, nhưng qua thời gian dài vẫn chưa thực hiện.

PGS.TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM nhận định, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc đầu tư cho các cơ sở đào tạo công lập chưa xứng tầm với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa phù hợp và chưa theo kịp với hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, phương tiện, trang thiết bị còn thiếu thốn so với nhu cầu đào tạo công nghệ điện ảnh hiện đại; việc gửi nhân sự đi đào tạo ở nước ngoài chưa tương thích với nhu cầu phát triển của nền điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc…

Trao đổi với các chuyên gia xung quanh những nội dung trên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, tỉ lệ ăn chia giữa nhà phát hành và nhà làm phim phải do hai bên cùng thương lượng, bởi điều này còn tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, vì thế nếu đưa ra những quy định cứng nhắc thì cũng rất khó. Riêng vấn đề đào tạo, vì Bộ VHTTDL là bộ chuyên ngành, chỉ có Bộ GD&ĐT mới được quy định cụ thể những vấn đề liên quan đến hoạt động này. Để đáp ứng nguồn nhân lực cho điện ảnh, hiện cả nước đã có 2 trường đào tạo của Bộ VHTTDL và một số trường ngoài Bộ. Ngoài ra, từ năm 2017, Bộ VHTTDL cũng đã triển khai các Nghị định liên quan đến đào tạo ngành đặc thù để thích nghi với tình hình hiện nay. Trong năm 2019-2020, đã có gần 20 sinh viên được cử đi học tại các nước như Mỹ, Trung Quốc, Australia… Thứ trưởng cũng đã trả lời nhiều thắc mắc khác liên quan đến công tác kiểm duyệt phim, quản lý phim trên môi trường mạng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho biết, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (10.2021) và thông qua tại kỳ họp thứ 3 (5.2022). Để chuẩn bị cho công tác thẩm tra Dự án Luật, thời gian vừa qua, Ủy ban đã tổ chức làm việc với Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức hiệp hội về điện ảnh, khảo sát thực tiễn tại một số địa phương và một số cơ sở điện ảnh trong cả nước. 

 THÙY TRANG - HỒNG HẠNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top