Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sân khấu thủ đô: Diễn viên trẻ bị... đẩy “ra đường”

Thứ Hai 19/04/2021 | 11:15 GMT+7

VHO- Đây là một thực tế nghiệt ngã vừa được nêu ra trong buổi tọa đàm Mối quan hệ giữa Hội Sân khấu HN với các đơn vị nghệ thuật sân khấu HN. Tại đây, giới nghề đã cùng nhau chia sẻ những nỗi lo lắng, trăn trở khi phải đối diện với bài toán hóc búa chưa có lời giải.

Toàn cảnh buổi tọa đàm Ảnh N.H

Đã lâu lắm mới có một cuộc hội ngộ giữa Hội Sân khấu HN với đại diện các đơn vị nghệ thuật. Nhiều lần Hội tổ chức hoạt động nghề nghiệp nhưng gần như lần nào cũng vắng mặt lãnh đạo các nhà hát, các đoàn nghệ thuật, đó là lý do mối quan hệ giữa Hội và các đơn vị có phần lỏng lẻo. Lần này, BCH Hội Sân khấu HN nhiệm kỳ 2020-2025 đã lấy chủ đề tọa đàm là Mối quan hệ giữa Hội Sân khấu HN với các đơn vị nghệ thuật sân khấu ở HN nhằm thắt chặt lại mối quan hệ và tìm giải pháp phát triển cho sân khấu Thủ đô.

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch HN đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Sân khấu HN nhận định: Các nhà hát ở Thủ đô đang thực sự rất nguy khi hàng loạt đơn vị phải cắt bớt diễn viên trẻ, diễn viên triển vọng thuộc diện hợp đồng lao động do không có tiền trả lương. Ông Hiếu cho biết, lực lượng nòng cốt của Nhà hát Kịch HN đều là các diễn viên hợp đồng. Do dịch Covid-19, nguồn thu từ biểu diễn không có, Nhà hát vừa buộc phải cho hơn 30 diễn viên trẻ... nghỉ việc, trong số đó có không ít nghệ sĩ chuẩn bị đạt đủ thâm niên cần thiết, có dư số huy chương để xét tặng danh hiệu NSƯT. Giám đốc Nhà hát Kịch HN đau xót: “Cắt hợp đồng với diễn viên trẻ là tự cắt đi bộ phận diễn chủ lực của đơn vị. Những diễn viên như tôi cũng đã trên dưới 50 tuổi, chỉ đóng các vai ông bố bà mẹ, chứ đóng nam thanh nữ tú thì ai xem? Đây là một cách làm đẩy các diễn viên trẻ ra đường…”. Còn NSƯT Thu Hoài, Đoàn Cải lương Hoa Mai (Nhà hát Cải lương HN) thì trăn trở, đoàn của chị đào kép đều đã 40 - 50 tuổi. Tìm được một diễn viên trẻ tài năng đã khó nhưng giữ được chân họ còn khó gấp bội, vì các nhà hát hầu hết đều không còn biên chế. Các diễn viên hợp đồng được trả lương từ nguồn thu hoạt động biểu diễn. Nhưng với đoàn của chị, mời đến xem miễn phí thì chật cứng rạp, nhưng bán vé thì không một bóng người. Nên để có doanh thu biểu diễn, đoàn phải kết hợp với các chương trình từ thiện mới mong bán được vé.

Có một điều may mắn là các đoàn nghệ thuật của Hà Nội gồm chèo, cải lương, kịch nói, ca múa nhạc, múa rối... không phải sáp nhập lại thành một đoàn nghệ thuật tổng hợp như ở một số địa phương. Tuy nhiên, giới nghề cho rằng, Hà Nội cần có chính sách đãi ngộ đặc thù đối với nghệ thuật sân khấu để thu hút tài năng và nhân lực trẻ, nếu không sẽ có một khoảng trống lớn về lực lượng kế cận. Hiện nay, các nhà hát đang phải thực hiện “khoán” với lực lượng chưa được vào biên chế, tức là có việc thì làm, hết việc thì nghỉ. Như vậy thì còn đâu tính chuyên nghiệp!

Lần này, tọa đàm thu hút đông đủ đại diện các đơn vị nghệ thuật đã là một thành công. Tuy nhiên, cuộc hội ngộ đã mang tới cho những người làm nghề nỗi lo lắng, trăn trở khi đứng trước hàng loạt những bài toán hóc búa. Sân khấu Thủ đô đang có nguy cơ chạm đáy của sự tụt hậu khi chưa phản ánh một cách trực diện của đời sống xã hội hiện đại, đồng thời cũng đánh mất dần những khán giả đến nhà hát xem biểu diễn. Đâu rồi một nền sân khấu đã từng tiên phong đi đầu với những sáng tạo mới? Biết bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu nhân vật của cả một thời kỳ đương đại sôi nổi đang diễn ra nhưng nghệ thuật sân khấu không khắc họa, không trình bày, không lý giải một cách thuyết phục được khán giả. Trước những khó khăn mang tính tình thế cấp bách, PGS.TS Phạm Duy Khuê cho rằng, Hội cần có kiến nghị gửi lên UBND TP Hà Nội để có những giải pháp gỡ khó kịp thời. Vấn đề này không giải quyết nhanh sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho nền sân khấu Thủ đô.

Trước khi chờ chủ trương, chính sách và giải pháp tháo gỡ, và thay vì kêu cứu, “ôn nghèo kể khổ”, thì nên chăng những người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật hãy tự đứng lên để tìm ra lối thoát, hãy tư duy, hãy đổi mới để có thể mang lại sự bứt phá cho nghề nghiệp của chính mình. 

 THÚY HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top