Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ẩn họa sức khỏe tâm thần do Covid-19

Thứ Sáu 09/04/2021 | 11:00 GMT+7

VHO- Đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, với những diễn biến phức tạp, kéo dài, không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, mà còn tiềm ẩn những vấn đề sức khỏe tâm thần khó lường.

 Nhiều người bị tổn thương tâm lý vì đại dịch Covid-19 Ảnh: CNN

Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu không có biện pháp giải quyết kịp thời những hệ lụy đối với sức khỏe tâm thần, thì rất có thể đây sẽ trở thành đại dịch nguy hiểm hậu Covid-19.

Áp lực chồng chất

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc cảm thấy lo lắng, sợ hãi và áp lực là những phản ứng bình thường của con người trước những mối đe dọa thực tiễn, được cảnh báo, hoặc trong những thời điểm đối mặt với bất ổn, những điều mà chúng ta chưa biết rõ. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 kéo dài và luôn có nguy cơ bùng phát trở lại đã khiến nhiều phản ứng tâm lý không chỉ dừng lại ở mức bình thường. Cùng với cảm giác lo sợ mắc bệnh, nhiều người phải đối mặt với nỗi đau mất đi người thân và phải thích nghi với những thay đổi đột ngột trong cuộc sống đời thường. Thậm chí, không ít người bị ám ảnh bởi việc hạn chế đi lại, tiếp xúc, phải làm việc tại nhà hoặc bị nghỉ việc, giảm thu nhập, khó khăn trong chăm sóc, nuôi dạy con cái...

Đáng chú ý, các nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu chống dịch cũng phải đối mặt với rủi ro lớn về sức khỏe tâm thần, khi thường xuyên phải tiếp xúc gần với các ca bệnh nặng và tử vong, cũng như sống trong nỗi lo sợ thường trực bị lây nhiễm. Đây cũng là những người phải sống cách ly với gia đình, đối mặt với tâm lý lo ngại của xã hội về việc họ có thể mang mầm bệnh. Ngoài ra, các chuyên gia y tế còn chỉ ra nguy cơ cao mắc các rối loạn về não bộ và sức khỏe tâm thần ở các bệnh nhân Covid-19 đã bình phục. Kết quả của một nghiên cứu với hơn 236.300 bệnh nhân tại Mỹ cho thấy, có tới 34% bệnh nhân gặp chứng suy nhược thần kinh hoặc tâm thần trong vòng 6 tháng.

Không chỉ gây ra nỗi ám ảnh mới, đại dịch còn làm trầm trọng hơn vấn đề có sẵn, khi làm gián đoạn dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ tâm lý. Theo kết quả nghiên cứu của WHO tại 130 quốc gia ở 6 khu vực cho thấy, hơn 60% các quốc gia ghi nhận gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhóm người dễ tổn thương như trẻ em và trẻ vị thành niên, phụ nữ và người lớn tuổi. Đồng thời, 67% ghi nhận tình trạng gián đoạn tư vấn, trị liệu tâm thần và có tới hơn 70% các quốc gia ghi nhận tình trạng gián đoạn dịch vụ sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc và trường học. Nhiều trường hợp do bị gián đoạn điều trị, đã tìm cách tự xoa dịu bản thân bằng các chất kích thích, dung dịch chứa cồn… khiến tình hình càng trầm trọng hơn.

Cần sớm giải tỏa

Tiến sĩ Erika Saunders, Chủ nhiệm Khoa Sức khỏe tâm thần và hành vi của Trung tâm y tế Milton S. Hershey, bang Pennsylvania (Mỹ) cảnh báo, các vấn đề về sức khỏe tâm thần sẽ gây chấn thương lớn với toàn xã hội và cả thế giới nói chung ở nhiều cấp độ, với những tác động lâu dài mà thế giới sẽ vẫn có thể cảm nhận rất lâu sau khi đại dịch qua đi. Đáng lo ngại hơn, nhóm những người trẻ lại là nhóm có nguy cơ cao hơn bị suy giảm sức khỏe tâm thần do tác động của đại dịch. Một nghiên cứu mới với 50.000 người tham gia, đăng trên Tạp chí Journal of Psychiatry (Canada) cho thấy, tình trạng lo âu xuất hiện ở 36% số người thuộc nhóm từ 15-34 tuổi, trong khi tỷ lệ này ở nhóm từ 35-54 tuổi là 27,1% và ở nhóm trên 55 tuổi còn 14,5%.

Theo WHO, trước đại dịch, các chính phủ dành rất ít ngân sách cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, trung bình chưa đến 2% trong quỹ dành cho ngành y tế và chưa đến 1% các khoản hỗ trợ y tế quốc tế dành cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Vì vậy, khi đại dịch bùng phát, những vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng buộc các chính phủ chật vật tìm cách giải quyết. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi, các nhà lãnh đạo trên thế giới hành động nhanh chóng và quyết liệt để đầu tư thêm cho các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần mang tính sống còn cả trong và sau đại dịch. Và WHO cũng sẽ lưu ý cần lồng ghép vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các kế hoạch chuẩn bị ứng phó khi xảy ra tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng.

Thực tế, khi dịch bệnh mới bùng phát, một số người hy vọng rằng giai đoạn giãn cách xã hội có thể là quãng thời gian hiếm hoi để con người sống chậm lại, suy nghĩ thấu đáo hơn và nhìn lại bản thân kỹ hơn. Thế nhưng, sau hơn một năm Covid-19 rình rập, thì những áp lực tinh thần đã thế chỗ cho những suy nghĩ lạc quan. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, nhóm người trẻ tuổi không được hỗ trợ kịp thời để phát hiện và ngăn chặn tình trạng diễn biến xấu đi về sức khỏe tâm thần, thì tác động tới tương lai của mỗi quốc gia sẽ không hề nhỏ. 

 HẢI MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top