Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

An toàn cho trẻ ở chung cư cao tầng: Xin đừng chủ quan nữa...

Thứ Tư 03/03/2021 | 11:27 GMT+7

VHO- Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về tai nạn thương tâm đối với trẻ nhỏ rơi từ tầng cao chung cư ở nhiều địa phương, thế nhưng những vụ việc tương tự vẫn tiếp tục xảy ra. Chỉ một thoáng bất cẩn của người lớn mà trẻ nhỏ phải trả giá bằng cả sinh mạng. Nó không còn là một vấn đề riêng của bất kỳ gia đình nào, khi sinh sống tại các khu chung cư cao tầng.

 Trẻ luôn hiếu động, thích leo trèo nên các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý khi sống ở các chung cư cao tầng

 Sự việc bé gái hơn hai tuổi rơi từ tầng 12A chung cư 60B, Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội vừa qua lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động đối với an toàn cho trẻ ở những tòa nhà cao tầng. Thực tế đây không phải vụ tai nạn duy nhất tính đến thời điểm này, mà trước đó đã có nhiều vụ việc tương tự xảy ra đối với các em nhỏ khi bị ngã rơi từ tầng cao của các tòa chung cư xuống đất.

Đơn cử, vào tháng 8.2020 đã xảy ra một vụ tai nạn mà nạn nhân là một bé gái 6 tuổi bị ngã từ căn hộ của mình ở chung cư Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội dẫn đến tử vong. Hay trước đó vào năm 2018, tại TP.HCM cũng xảy một vụ tai nạn mà nạn nhân là một em bé 4 tuổi bị ngã từ căn hộ tầng 7 nơi mình sinh sống phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nặng. Chị Nguyễn Thị Loan, có ba con nhỏ sống tại tầng 13, chung cư Sky Garden 2, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM cho biết, “căn hộ mình có 2 mặt tiền với nhiều cửa sổ và ban công. Do đó việc đầu tiên khi chuyển về đây sinh sống là mình cùng ông xã tiến hành lắp đặt ngay hệ thống rào chắn cửa sổ, ban công đảm bảo an toàn cho trẻ. Mặt khác kê lại phòng, ốc không để các đồ vật như kệ, tủ, bàn… mà trẻ có thể từ đó trèo lên cửa sổ hoặc ban công”.

Chị Loan còn cho biết thêm, dù bố mẹ có giám sát trẻ kỹ tới đâu thì cũng không thể theo sát chúng được. Hơn nữa, các bé đều đang ở độ tuổi hiếu động, thích tìm tòi, leo trèo khám phá nên nguy cơ không phải là không có. Anh Nguyễn Văn Hoàng, bảo vệ chung cư Phúc Yên, quận Tân Bình (TP.HCM) cho hay, thực tế khi ở chung cư, ngoài nguy cơ như rơi ngã ra thì thang máy cũng là một nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà các bậc phụ huynh cần phải hết sức chú ý. Bởi trẻ em rất tò mò và nghịch ngợm, thiếu các kỹ năng đi thang máy trong khi đó việc di chuyển lên xuống căn hộ bằng thang máy là việc diễn ra hằng ngày. Do đó, phụ huynh cần giám sát trẻ không được để trẻ tự ý vào tháng máy vì trẻ có thể gặp những sự cố tai nạn đáng tiếc như kẹt tay, vấp ngã…, thậm chí nghiêm trọng hơn là các sự cố hỏng thang máy, rơi tháng máy có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ đâu.

Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, bệnh viện từng điều trị cho những vụ tai nạn thương tích trẻ em và đặc biệt là trường hợp trẻ em rơi từ chung cư cao tầng. Do đó, khi các bé ở nhà thì người lớn tuyệt đối không được chủ quan, lơ là bởi các bé có thể đối mặt với nhiều tai nạn nguy hiểm. Riêng với những bé sống ở các nhà cao tầng hoặc chung cư, gia đình cần phải thiết kế hệ thống rào chắn hành lang, cửa sổ, cầu thang… Ngoài ra, cha mẹ phải thường xuyên để mắt đến con em mình và từng bước hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng cần thiết để ý thức được các tình huống nguy hiểm.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, tối 1.3, Ủy ban Quốc gia về trẻ em có văn bản gửi các Bộ Xây dựng, GD&ĐT; Y tế; VHTTDL; TT&TT; Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Theo đó, Bộ LĐ,TB&XH yêu cầu các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố phải triển khai chỉ đạo các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã… Trong đó đề nghị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng. Tiến hành rà soát các quy định và thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích. Đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em. 

NGUYỄN HIẾU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top