Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nỗi buồn mùa Tết sân khấu kịch

Thứ Sáu 26/02/2021 | 11:23 GMT+7

VHO- Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trước thời điểm cuối năm âm lịch, nhưng các sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM vẫn không ngừng cố gắng, tiếp tục tập luyện nhiều vở mới để phục vụ khán giả. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử, sân khấu thành phố phải tắt đèn vào dịp Tết cổ truyền vì dịch bệnh bùng phát.

Mặc dù đã bán hết vé, sẵn sàng ra quân, nhưng sân khấu Idecaf đành ngậm ngùi hoàn lại tiền cho khán giả

Không chỉ các thành phố lớn mà nhiều địa phương trong cả nước, việc tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, tụ tập đông người là điều không thể tránh khỏi.

Ngậm ngùi đóng cửa

Trong dịp Tết Tây, nhiều sân khấu kịch ở TP.HCM đã liên tục “cháy” vé, đây là tín hiệu vui cho các nghệ sĩ sau khoảng thời gian dài “án binh bất động”. Nắm lấy thời cơ, nhiều đơn vị đã gấp rút chọn vở, tập luyện để lên sàn phục vụ khán giả vào dịp Tết Nguyên đán như: Sân khấu Idecaf, sân khấu Hoàng Thái Thanh, nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, sân khấu Thế Giới Trẻ… Trong đó, chiếm áp đảo trên hầu hết các điểm diễn là những vở kịch nói mang màu sắc tuồng cổ, kiếm hiệp, cải lương, hài dân gian... Nhiều sân khấu đã thông qua các vở được đầu tư mới, mở ra hướng chọn kịch bản để tiếp cận nhiều hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Những tác phẩm được tuyển chọn kỹ lưỡng, có sự đa dạng về đề tài và những cung bậc cảm xúc đong đầy với hy vọng sẽ “hút” được khách.

Ngay khi nhận được thông báo TP.HCM tạm ngưng các hoạt động biểu diễn, các “ông bà bầu” và nhân viên, nghệ sĩ đã phải gấp rút chia nhau liên lạc khán giả để trao đổi về cách giải quyết số vé đã mua. Hầu hết các sân khấu đều có lượng vé bán trước kha khá, riêng sân khấu Idecaf đã bán hết vé cho các suất diễn mùa Tết. Giải pháp cho vấn đề này là dời lịch xem đến khi sân khấu được phép hoạt động lại hoặc hoàn tiền vé. Tưởng chừng, dịch bệnh sẽ được kiểm soát và sân khấu sẽ sớm “sáng đèn” trở lại. Nhưng rồi, các ông bà bầu đã phải đối diện với nỗi buồn khi nhìn sân khấu đóng cửa im lìm trong những ngày xuân ngập nắng.

Nghệ sĩ Ái Như, một trong những trụ cột của sân khấu Hoàng Thái Thanh chia sẻ: “Tính tới nay đã 34 năm tôi đi diễn mùa Tết. Thật sự chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày mình phải ngưng không được diễn. Cận Tết, khi dịch bệnh ở TP.HCM căng thẳng, chúng tôi đã có linh cảm không hay nhưng khi nhận tin vẫn thấy buồn tê tái”. Không riêng gì nghệ sĩ Ái Như, khi mà nhiều nghệ sĩ khác cũng phải ngậm ngùi sau khoảng thời gian ấp ủ đầy hy vọng vào mùa kịch sôi động nhất trong năm.

Thích nghi với hoàn cảnh…

Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thay vì tập trung đầu tư cho các vở diễn, mời gọi khán giả đến rạp, các sân khấu đã lên kế hoạch tổ chức đầu tư nguồn nhân lực mới, bổ sung kiến thức cho đội ngũ tác giả và đạo diễn trẻ. NSND Hồng Vân cho biết, tháng 3 tới là thời điểm để khóa diễn viên Nâng cao 2 báo cáo tốt nghiệp, Hồng Vân sẽ dàn dựng vở “Làm đĩ” dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1937) và NSND Việt Anh sẽ đạo diễn vở kịch kinh điển nước ngoài Romeo và Juliet. Trong khi đó, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B) sẽ tổ chức thi tuyển diễn viên, đào tạo mở rộng không chỉ diễn tại sân khấu nhỏ mà còn tham gia phim truyền hình, sitcom, game show... với sự giảng dạy của nhiều nghệ sĩ giàu kinh nghiệm. Đạo diễn Hoa Hạ cũng mở lớp đào tạo diễn viên cải lương, có sự tham gia trợ giảng của NSƯT Ngọc Huyền. Thay vì than thở, thì nhiều sân khấu đã chọn cho mình hướng đi khác phù hợp hơn, song song với đó là tập luyện những vở mới để chờ ngày sân khấu “sáng đèn” trở lại.

Ông bầu của sân khấu Idecaf Huỳnh Anh Tuấn cho biết, hơn hai chục năm làm sân khấu, lần đầu tiên ông đối diện với một mùa kịch Tết “kỳ lạ” đến như vậy. Cảm giác của ông vui buồn lẫn lộn. Thường nghệ sĩ thích diễn mùa Tết, không chỉ vì thu nhập mà còn vì sự thiêng liêng, có ý nghĩa “lấy lộc Tổ” đầu năm nên anh em rất háo hức mong chờ. Trong những ngày sân khấu đóng cửa, ông dành nhiều thời gian hoạch định cho hoạt động sắp tới của sân khấu, sắp xếp lại chương trình Ngày xửa ngày xưa với lịch học dao động của học sinh, xem xét lại dự án sân khấu cải lương mà ông đang ấp ủ, cân nhắc đầu tư cho các dự án ở tầm cao.

Từ đây tới tháng 11 sẽ có tới 5 cuộc thi toàn quốc: Liên hoan sân khấu thử nghiệm, Liên hoan sân khấu ĐBSCL, Liên hoan kịch nói, Liên hoan cải lương, Liên hoan sân khấu thiếu nhi. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ tranh thủ thời gian tập luyện, trau dồi nghề nghiệp, qua đó mang đến cuộc thi những tiết mục đặc sắc, hấp dẫn và mới lạ hơn.

Dù vẫn còn đứng trước nhiều thách thức nhưng với hy vọng năm mới 2021, các đơn vị sân khấu tại thành phố sẽ không ngừng cố gắng, nỗ lực “sáng đèn” để cống hiến cho khán giả, không chỉ là không gian giải trí mà còn là nơi để chiêm nghiệm cuộc sống một cách gần gũi nhất. Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực của các nghệ sĩ, diễn viên, ông bà bầu… thì cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước để các đơn vị có thêm sức mạnh cùng nhau vực dậy hoạt động sân khấu, tìm lại ánh hào quang trong thời gian tới. 

BÁ TRƯỜNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top