Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lễ tiến Xuân ngưu của người Việt xưa

Thứ Ba 09/02/2021 | 12:05 GMT+7

VHO- Theo những nguồn sử liệu còn lưu giữ được đến ngày nay thì từ thời vua Lý Anh Tông (1138-1175) đã ban lệnh thờ cúng thần Câu Mang (Mang thần) là vị thần coi sóc về mùa xuân, mùa màng và chuyên lo việc làm mưa; đồng thời lễ cúng Thần phải có một con trâu làm bằng đất (Xuân ngưu). Tục lệ ấy được gìn giữ và lưu truyền, đến thời Hậu Lê còn gắn thêm nghi thức “Đả Xuân ngưu”.

Người Việt xưa nay vẫn luôn kính trọng và coi con trâu là “đầu cơ nghiệp”

Có lẽ, đây là dấu mốc cho nghi thức dâng trâu đất vào dịp Tết đến Xuân về của người Việt, được gọi là Lễ tiến Xuân ngưu. Theo quan niệm của người xưa, một năm có 12 tháng, mỗi tháng tượng trưng cho hình ảnh một con vật, gọi là 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Tháng cuối cùng của năm biểu tượng là con Trâu nên gọi là tháng Sửu. Thời điểm này là mùa đông giá rét, có lẽ người xưa làm tượng trâu ban đầu với nghĩa tống tiễn mùa đông lạnh giá; sau có thêm tục Đả Xuân ngưu mang ý trấn áp, xua đuổi hàn khí và đón chào mùa Xuân ấm áp. Từ thời Hậu Lê trở đi, ngoài trâu đất còn có thêm tượng thần Câu Mang trong hình dáng một chú bé mục đồng. Ông bà ta thường nói “con trâu là đầu cơ nghiệp”, muốn trâu béo tốt có sức khỏe phải nhờ vào người chăn trâu (mục đồng), vì vậy làm lễ rước trâu và thần Câu Mang còn có ý nghĩa khuyến khích chăn nuôi, trồng cấy cho mùa màng tươi tốt. Lễ tiến Xuân ngưu mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian của một đất nước thuần nông từ xa xưa.

Theo quy định, lễ này được thực hiện vào ngày Lập xuân do Bộ Lại vâng lệnh Vua tiến hành ở triều đình; còn tại các địa phương thì do quan cai trị ở đó thực hiện. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Nhà sử học Phan Huy Chú cho rằng, tục này có từ thời Lê Trung hưng, còn từ trước đó thì không có tài liệu nào ghi chép lại. “Hằng năm, đến tháng 11, Tư Thiên Giám tâu ngày tháng nào là tiết Lập xuân và kê cả kiểu mẫu làm Xuân ngưu, giao cho Bộ Công sai Thường Ban Cục làm. Trước tiết Lập xuân 1 ngày, buổi chiều, Thường Ban Cục đem con trâu nặn bằng đất đến đàn tế ở phường Đông Hà. Quan Phủ doãn và hai quan làm lễ xong thì sai phường dân rước đến đàn ở phường Hà Khẩu. Đến hôm sau rước đi sớm thì Phủ doãn và các quan huyện đều lấy cành dâu đánh con trâu đất, đem vào sân điện (sân rồng của Vua) làm Lễ tiến Xuân ngưu. Các vị công, hầu, bá và các quan văn võ dâng chỉ Chúa, đều đủ phẩm phục vào triều làm lễ. Lễ xong, quan Tư lễ giám bưng cái án để Xuân ngưu ở trước ngực, đưa sang tiến ở phủ Chúa”, theo ông Phan Huy Chú. Nhà sử học cũng giảng giải thêm ý nghĩa của lễ này: “Xét thiên Nguyệt Lệnh nói: Tháng quý đông làm con trâu bằng đất để tống khí lạnh, vì tháng ấy là tháng Sửu, sửu là trâu, đất thì ngăn nước, cho nên làm con trâu bằng đất để át khí lạnh. Các đời cứ dùng theo nghĩa ấy, cho nên mới có Lễ tiến Xuân ngưu, mà ban cho các quan là để cùng nhau tống khí lạnh đi”.

Sách Lê triều hội điển thì viết cụ thể việc làm Xuân ngưu và đồ tế thần Câu Mang như sau: “Về lệ Xuân ngưu tiết Lập xuân hằng năm. Vào triều Nguyễn (1802-1945), trong cuốn Minh Mạng chính yếu có ghi tục lễ Đàn tế trâu, quay theo hướng chính Đông, ứng với mùa xuân. Nửa đêm, một số viên quan được lệnh làm lễ, Trâu được đặt ở sân Đan Trì trước điện Kính Thiên để vua và quần thần làm lễ. Kết thúc các nghi thức, tượng trâu được mổ ra làm nhiều phần, Nhà vua phân phát cho các quan dự tế và các đền miếu trong kinh thành. Số tượng trâu loại nhỏ mang sang phủ Chúa Trịnh để Chúa phân phát cho những quan chức, quân lính mang ý nghĩa cầu may, mong sao cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống dân chúng no ấm”. Đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều tục lệ, nghi lễ cúng Xuân đã mai một, trong đó có Lễ tiến Xuân ngưu vào ngày Lập xuân, một nghi lễ vừa mang tính cung đình, vừa mang tính dân gian. Mong sao hình ảnh “con trâu là đầu cơ nghiệp” của hằng bao thế hệ người nông dân Việt sẽ được lưu giữ như một nét văn hóa của nông nghiệp lúa nước, để con cháu muôn đời sau luôn ghi nhớ và kính trọng.

PHẠM BÁ NHIỄU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top