Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Để thương để nhớ đôi bờ Pô Kô

Thứ Ba 09/02/2021 | 08:13 GMT+7

VHO- Khi muôn loài hoa dại bung nở, trải thắm sắc màu dọc đôi bờ dòng sông Pô Kô là tín hiệu mùa Xuân đang về với vùng đất Tây Nguyên. Lúc này, trong bon, buôn các cô gái Ba Nar cũng vội vàng lên núi tìm củ Kotron để lấy màu vàng, củ Kxan để thêm sắc trắng cho hoa văn trên chiếc áo thêu truyền thống.

Hoa “cộng sản”, loài hoa báo hiệu mùa Xuân ở Tây Nguyên

Còn các chàng trai Ba Nar lên rừng tìm cây trúc về đục lỗ làm sáo, cần rượu... chuẩn bị cho một cái Tết, một mùa Xuân thêm vui tươi...

Ngược dòng Pô Kô về miền quê lịch sử…

Ai xui ai đến Đắk Hà, Để thương để nhớ đôi bờ Pô Kô, câu thơ xúc động của một du khách đã chạm vào lòng người những cung bậc cảm xúc nhớ thương, cồn cào khi Xuân đến. Không biết dòng sông Pô Kô có từ bao giờ, và các loài hoa dại nơi đây sinh ra từ đâu, chỉ biết lịch sử ghi lại con sông này ở phía Tây tỉnh Kon Tum bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Linh huyện Đắk Glei chảy qua và làm ranh giới tự nhiên giữa các vùng đất Ngọc Hồi, Đắk Tô, Đắk Hà và Sa Thầy của tỉnh Kon Tum, hợp nhất với dòng sông Đắk Bla tạo thành sông Sê San.

Và sông Pô Kô đã đi vào thơ ca như hơi thở cuộc sống và gắn liền dòng chảy văn hóa: “Hỡi Pô Kô ơi! Dòng sông mênh mông. Đôi bờ cây xanh biếc nước chảy sâu thẳm. Qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết. Anh lái đò tên gọi A Sanh...”, (Người lái đò trên sông Pô Kô - Thơ: Mai Trang; nhạc: cố nhạc sĩ Cẩm Phong). Là một nhánh sông dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, nên trong thời kỳ kháng chiến trên dòng sông Pô Kô có biết bao hàng hoá, đạn dược được quân dân ta chở vào Nam chi viện trên những chiếc thuyền độc mộc, nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ lịch sử hào hùng đã qua… Sau bao nhiêu năm, đến nay cuộc sống hai bên bờ sông đã có nhiều đổi khác, sông Pô Kô đã trở thành điểm đến ưa thích của người dân và khách du lịch trong nước, quốc tế. Tại đây, vào buổi sáng tinh sương, du khách có thể nhìn ngắm từng đàn cá thi nhau đớp mồi tại mô hình nuôi cá lồng của người dân trên sông; ngắm nhìn điểm cao 601 Dốc Đầu Lâu, một di tích lịch sử, một căn cứ quân sự của một thời khói lửa chiến tranh; hay lắng nghe làn điệu dân ca cao vút, tự hào của người Ba Nar...

… đến tha thiết yêu thương mùa Xuân giữa đất trời

Mùa Xuân đến, dòng sông Pô Kô mang nét đặc hữu riêng, đẹp nhất, đôi bờ sông lúc này hoa dại đủ loại bung nở, như dải lụa muôn màu trải thảm lên bờ sông. Dòng nước Pô Kô càng thêm hiền hoà, chở theo phù sa bồi đắp hai bên bờ, tạo sức sống cho muôn loài. Theo đó, trên bờ sông các rặng cúc quỳ trổ vàng, những vạt xuyến chi bừng rộ và đất trời ngây ngất trước màu trắng tinh khôi, hương thơm ngào ngạt của những lô cà phê và những rặng cao su vội vàng trút lá để đơm nhưng chồi non xanh biếc. Đâu đó, hoa cỏ nến mọc tự nhiên màu hồng phớt nhẹ, thân cỏ vươn lên mạnh mẽ như khí chất của người dân Tây Nguyên.

Trong tiết trời Xuân mênh mông, điểm thêm sắc trắng tinh khôi của những đồi hoa Cộng sản, sắc hồng tươi của những khóm hoa đuôi chồn đung đưa trong gió. Mùa Xuân đến, cũng là lúc trong các bon, buôn các cô gái Ba Nar vội vàng lên núi tìm củ Kotron để lấy màu vàng, củ Kxan để thêm sắc trắng cho hoa văn trên chiếc áo thêu truyền thống. Các chàng trai cũng hối hả lên rừng tìm cây trúc cần về đục lỗ làm sáo, làm cần rượu. Người già trong làng cẩn thận tuyển chọn bắp, sắn, gạo nếp ngon để ủ rượu ghè. Những em bé Ba Nar, Xê Đăng... chân trần, vai đeo gùi, đi nương về dọc theo hai bên bờ sông, tóc mềm bay trong gió. Những bộ cồng, chiêng cũng được các nghệ nhân đem ra trưng bày, tập luyện múa, hát. Các món ăn đặc sản cá sông phơi trên lưới hay bánh tráng có vị tôm sông Pô Kô được đưa ra đãi khách quý thăm nhà. Trên bầu trời, những đàn chim từ chân núi mờ xa lượn vòng, thỉnh thoảng vài chú chim sà xuống ruộng bắp thưởng thức cái vị ngọt thơm của những trái bắp căng sữa.

Âm thanh loảng xoảng của những chiếc nắp xoong đuổi chim của đám trẻ canh ruộng vang lên, làm náo loạn cả một khúc sông. Lúc này, đám trẻ con sống quanh các buôn làng cũng ùa ra bờ sông kết hoa dại thành những bó, và reo hò vui đùa cùng nhau. Người dân địa phương bao đời gắn bó với dòng sông Pô Kô và họ hiểu quy luật vận động của dòng sông qua từng mùa, như hiểu một người bạn lâu năm gắn bó. Họ yêu mến và tự hào về dòng sông quê mình. Anh Nguyễn Văn Trung, một người dân địa phương thổ lộ: “Năm vừa qua, cho dù hạn hán nhưng nhờ lượng nước từ dòng sông Pô Kô mà việc tưới tiêu của bà con thuận lợi, vì thế mà năm nay được mùa cà phê, trúng hoa màu. Người dân nơi đây có một cái Tết đầm ấm hơn”.

Sông Pô Kô là một món quà đặc ân mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân Kon Tum, để họ có một không gian văn hoá sinh hoạt, giao lưu, tổ chức lễ hội... mỗi khi mùa Xuân đến. Qua bao thế hệ người dân trên vùng đất này, dòng sông Pô Kô luôn là nguồn sống, là nỗi khắc khoải nhớ thương trong kí ức, là kỷ niệm đong đầy tháng năm. Trong đó, hoa dại là đặc trưng của mùa Xuân nơi đây, trở thành nét văn hoá gắn liền với những bon, buôn, làng mạc bên con sông Pô Kô huyền thoại.

ÁI THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top