Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Kinh tế Việt Nam trước sự bất định của đại dịch: Nhìn về cơ hội bứt phá

Thứ Hai 08/02/2021 | 18:02 GMT+7

VHO- Thế giới của “bình thường mới” là khi sự thay đổi của thời đại buộc chúng ta phải có cách hành xử sẵn sàng đột phá hơn để kịp ứng xử cho những bất định của kinh tế toàn cầu. Lựa chọn về cách đối diện với những cơ hội đang được trao tặng chỉ có một: Thay đổi và quản trị tốt sự thay đổi này.

Ảnh: suckhoephapluat.vn

Thị trường M&A hứa hẹn

Đối diện với thiên tai từ bên ngoài như Covid hay bên trong như bão lũ thì người Việt, doanh nghiệp Việt đều thể hiện được sự bền bỉ, kiên cường và tập trung sức mạnh tốt hơn bao giờ hết. Điều này được khẳng định bằng báo cáo của Euromonitor: Việt Nam là một trong những thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp năng động và tiềm năng nhất toàn cầu, với chỉ số đầu tư M&A dự báo 102 điểm năm 2020, chỉ sau Mỹ (108,9 điểm). Con số này cao hơn đáng kể so với 74,1 điểm của năm 2019. Các con số có thể cao hơn, hay thấp hơn, nhưng cuộc sống thì không thể “bình thường” trở lại như trước nữa. Bình thường mới là một “chọn lựa không chọn lựa” (no-choice choice). Chính vì vậy mà dù thị trường M&A Việt Nam vẫn tăng cao trong đại dịch, là một cơ hội hấp dẫn. Tuy vậy, cơ hội không phải là một bông hoa đẹp để nhìn hoặc hái cắm trong bình hoa, mà là một “bông hoa đầy gai” mà bạn phải chiếm lấy bằng tất cả nguồn lực và ý chí mạnh mẽ hơn bao giờ.

Tất nhiên, khó khăn vẫn là việc phải đối mặt với mỗi người, mỗi nhà, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia. Nhưng cách mà chúng ta đối diện với khó khăn và sẵn sàng cho những cơ hội được tạo ra bởi thời đại và tâm lý vững vàng về tương lai kinh tế Việt Nam là một điều cần tiếp tục trao đổi: Chúng ta chọn phòng thủ hay tiến về phía trước?

“Tổ đại bàng” được cấu thành như thế nào?

Khi mà những cơ hội từ sự chuyển dịch chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra, Việt Nam xuất hiện như một ngôi sao mới trên bản đồ sản xuất và điểm đến an toàn của nhà đầu tư thế giới, báo chí và dư luận hồ hởi với thông điệp từ Chính phủ: Đón “đại bàng” về làm tổ.

Thật ra, chuyện “đại bàng” không phải là bây giờ mới được bàn đến. Từ năm 2016, thế giới đã xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia EAGLEs (Eagles nghĩa đen là đại bàng, là viết tắt của cụm từ Emerging and growthleading economies - các nền kinh tế mới nổi sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế thế giới trong 10 năm tới và cung cấp các cơ hội đầu tư quan trọng toàn cầu). Nhưng cấu thành của tổ đại bàng mà chúng ta đang nói đến còn thiếu những gì? Năng lực nào cho giai đoạn kinh tế mới? Hành lang pháp lý mới? Bước đột phá trong thể chế để giải phóng các tiềm lực? Vượt qua tâm lý phòng thủ? Lo lắng về một thế giới bất định? Chuẩn bị nguồn nhân lực?

Không nắm bắt được cơ hội, không chỉ để vuột mất cơ hội như ví dụ về bông hoa đẹp trên đây, bạn không hái hôm nay thì không có nghĩa nó nằm đó chờ bạn đến ngày mai. Người khác sẽ hái. Khi đó bạn không những mất cơ hội mà hiệu ứng tiếp theo là một điều nguy hiểm hơn: làm xuất hiện rủi ro của sự tụt hậu. Trong thế giới mới này, không có việc “đứng tại chỗ” nữa, chỉ có tiến lên hoặc lùi lại. Bởi vậy, thời điểm này, chúng ta phải đủ quyết liệt và dũng khí để tiến lên, để bứt phá ra khỏi những thành trì tư duy cũ, đi về phía phát triển, chứ không thể chần chừ được nữa.

Lựa chọn bước nhảy nào?

Câu hỏi lớn là: Làm sao để doanh nghiệp vẫn tồn tại trong đại dịch và đủ sức đứng lên sau đại dịch? Quan trọng hơn, là làm sao phát triển trong một thị trường “không giống ngày hôm qua?”. Trong đại dịch toàn cầu, địa chính trị thế giới đảo lộn không ngừng. Theo đó là chuỗi giá trị thế giới đứt gãy. Vậy câu hỏi lớn là: Chuỗi giá trị mới trong nước liệu đã hình thành chưa? Năng lực sản xuất, thu hút tài chính, khả năng xuất nhập khẩu, M&A và sự sẵn sàng của hạ tầng và công nghệ như thế nào?

Đó chỉ là những câu hỏi cho những vấn đề kỹ thuật, cái quan trọng hơn chính chúng ta có đủ ý chí, không chỉ để vượt qua đại dịch, mà còn để nắm lấy cơ hội mà đại dịch “tiết lộ” cho chúng ta khi Việt Nam chúng ta là một trong ít quốc gia “chống dịch thành công”. Số ca tử vong vì Covid cho đến nay vẫn ở 2 con số.

Chúng tôi được truyền cảm hứng từ chính sách cập nhật của Chính phủ: Mục tiêu kép. Đại dịch như chiến tranh, dù có thể thiệt hại tổn thất, nhưng vẫn là ngắn hạn. Phát triển kinh tế đất nước mới là chuyện lâu dài.

Vấn đề phục hồi kinh tế quan trọng sau đại dịch là xây dựng lại các nhu cầu thực sự bền vững, cả về kinh tế và môi trường. Ngày 4.12.2020, Tổng thống đắc cử của Mỹ-ông Joe Biden lần đầu tiên trả lời báo chí công khai, đã “gọi tên” 4 khủng hoảng lớn, không chỉ cho nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn cho tất cả các quốc gia: Đại dịch Covid, kinh tế, phân biệt - chia rẽ, và biến đổi khí hậu. Không dừng lại ở “mục tiêu kép”, chúng ta cũng sẽ phải chiến đấu ít nhất cho “ba mục tiêu”, đó là: Ngoài Covid, kinh tế, chúng ta phải hạn chế thiệt hại của biến đổi khí hậu. Những cơn bão lũ tàn khốc vừa qua nói lên điều gì, nếu không phải là lời cảnh báo chết người cho những ai “đang chặt phá rừng xây thủy điện”?

Kinh tế không phải phong trào

Chuyên gia về Việt Nam nổi tiếng, GS Carl Thayer, Đại học New South Wales, Úc từng nói: “Việt Nam là quốc gia vận động”. Chính vì vậy, chúng ta dễ rơi vào bẫy của “các cuộc vận động toàn dân.” Trong chính trị, xã hội đây là ưu thế, nhưng trong kinh tế thì không hẳn. Chuyện chính sách, thể chế thay đổi dĩ nhiên là cần có thời gian. Nhưng một quốc gia “nghèo mà xài sang” khi chọn đầu tư dàn trải theo kiểu “nhà nhà làm sân bay”, “tỉnh tỉnh làm điện mặt trời” hay “huyện huyện làm thành phố thông minh” thì quốc gia đó sẽ không đạt hiệu quả. Trong khi đó, bài toán liên kết vùng, tạo ra một trụ cột mạnh về kinh tế lại đang bị bỏ quên. Còn lại, là quá nhiều dự án vẫn đang đóng băng…

Chúng ta không có những bản nghiên cứu điều tra nghiêm túc về thiệt hại nguồn lực quốc gia do lãng phí. Nếu có, tôi nghĩ, sẽ là những con số kinh hoàng. Chỉ cần nghiên cứu về thiệt hại do sự chậm trễ dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng sẽ cho ra con số đó.

Dứt điểm cái cũ, tăng tốc cái mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự báo kế hoạch tăng trưởng năm 2021 là hơn 6%. Ông cho rằng trong khi đa phần các nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm trong năm 2020 thì Việt Nam đã giữ được tăng trưởng dương trên 2%.

Trên nền tảng đó, năm 2021 chúng ta phải tăng tốc tối đa có thể mới hi vọng đạt hơn 6% năm tới.

Theo chúng tôi, chỉ có một con đường là thay đổi, và quản lý sự thay đổi bằng khối óc chứ không chỉ là con tim. Nghĩa là hiện nay bộ máy của chúng ta từ cơ chế ra chính sách, luật lệ cho đến cơ chế thực thi, không phân biệt công-tư, phần nhiều dựa trên xúc cảm hơn là các phân tích khách quan. Ví dụ: Một công ty làm thủy điện có lời thế thì một loạt các công ty khác cũng nhảy vào, từ “chạy” chính sách, giấy phép cho tới giải phóng… rừng. Hoặc thấy một địa phương có “công cao trong cách mạng”, mà vẫn nghèo nên tập trung vốn đầu tư công vào đó, dù cho các công ty uy tín thế giới vào nghiên cứu, cảnh báo về sự không hiệu quả của dự án, nếu đặt nhà máy ở địa phương đó. Chính vì đầu tư theo “xúc cảm” mà nhiều nhà đầu tư quốc tế hay các nguồn viện trợ lớn tỏ ra nghi ngại các dự án quốc kế dân sinh mà họ cung cấp vốn, lại thiên vị ưu tiên nơi này nơi khác để “tưởng thưởng” nhiều hơn là vì lợi ích nhân dân hay vì hiệu quả kinh tế.

Chống tham nhũng lãng phí là quốc sách hàng đầu. “Lò” đang nóng và dân mong muốn nóng hơn. Tuy vậy, xúc cảm quá nhiều cho chuyện chống, mà không tăng tốc cho các dự án phát triển mới thì hiệu quả việc “đốt lò” không được phát huy. Ví dụ, cũng giống như dòng xe trên đường cao tốc không thể dừng, dù cho có nhiều tài xế vi phạm giao thông hay tai nạn xảy ra mà cảnh sát giao thông phải hành xử thực thi luật pháp. Nếu cảnh sát vì xử phạt nghiêm minh mà buộc cả dòng xe ngưng chạy thì rõ ràng anh ta làm chưa tốt công việc chuyên nghiệp của mình. Kinh tế hậu đại dịch của VN chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm và ý chí khoa học, chứ không phải để xúc cảm chi phối, dù xúc cảm đó là sự hưng phấn tích cực dành cho những kỳ tích vừa qua.

Trong kinh tế, lý thuyết nguồn lực hạn chế luôn chi phối các chiến lược và kế hoạch đầu tư. Nếu một nguồn lực đầu tư vào một dự án không thành công hay trì trệ, không chỉ ảnh hưởng xấu đến dự án đó, mà còn gây ra những hệ lụy xấu cho nguồn lực dành cho các dự án chiến lược mới như sân bay Long Thành hay cao tốc Bắc Nam. Chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam hậu đại dịch muốn đạt tăng trưởng, dù thấp nhưng bền vững, vẫn tốt hơn là cao mà dễ vỡ. Muốn vậy, trước hết phải tập trung nguồn lực dứt điểm các dự án “thế kỷ” bị dở dang…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự báo kế hoạch tăng trưởng năm 2021 là hơn 6%. Ông cho rằng trong khi đa phần các nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm trong năm 2020 thì Việt Nam đã giữ được tăng trưởng dương trên 2%.

PHẠM PHÚ NGỌC TRAI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top