Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Người dân Trảng Cát hối hả thu hoạch lá dong đón Tết

Thứ Sáu 05/02/2021 | 08:30 GMT+7

VHO-Từ nhiều đời nay, người dân thôn Tràng Cát thuộc xã Kim An, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã gắn bó với nghề trồng lá dong gói bánh chưng Tết. Cứ mỗi dịp cuối năm, cả làng lại hối hả cùng nhau bước vào thời kỳ thu hoạch trong sắc xuân rộn rã muôn nơi.

Màu xanh ngọc nhà của lá dong tràn ngập đường làng ngõ xóm

Những vị cao niên trong làng cho biết, cách đây khoảng 600 năm, ở thôn Nga Mi Hạ, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai có bà Đàm Sứ, thấy Tràng Cát là vùng đất màu mỡ, cây cối tốt tươi nên đã đưa con cháu đến khai hoang lập địa rồi trồng lá dong. Lâu dần, người dân Tràng Cát học theo bà, biến lá dong thành cây trồng chính để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Cận Tết, người Tràng Cát thu hoạch lá dong

Khác với trồng lúa, trồng màu, trồng lá dong không yêu cầu nông dân phải một nắng hai sương. Chỉ cần tưới nước, bón phân, làm cỏ, cắt lá sâu định kỳ thì cây sẽ đẹp và tươi tốt, ươm một lần có thể cho thu hoạch vài năm. Thế nên ở Tràng Cát có đến hơn 300 hộ trồng loại cây này. Cận tết, màu xanh ngọc ngà của lá dong tràn ngập đường làng ngõ xóm, cuốn lấy bước chân khiến những người ghé lại nơi đây chẳng muốn rời đi.

Đều đặn mỗi tháng, người Tràng Cát lại đi dọn chân lá một lần. Những lá xấu, bé bán cho người bán hàng gói thực phẩm, gói quà bánh. Loại lá này rất rẻ, 100 lá chỉ khoảng 30.000 - 50.000 đồng. Đến khoảng tháng 9, người dân sẽ ngưng cắt, sau đó bước vào thời kỳ chăm thúc cây cho lá to và đẹp để phục vụ nhu cầu gói bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán. Ở thời điểm này, nhiều hộ gia đình cho biết, với mỗi bó 50 tàu, bán buôn cho thương lái ngay tại vườn sẽ có giá dao động từ 70.000 - 150.000 đồng, tùy theo chất lượng lá. Không khí nhộn nhịp “ăn lá dong, ngủ lá dong” bắt đầu từ Rằm tháng Chạp cho đến tận ngày 30. Bởi vậy mà trẻ con trong làng không đếm ngày đếm tháng để đợi Tết, mà chỉ nhìn trong vườn khi nào hết lá dong thì tức là xuân sắp sang.

Việc phân loại, xếp và bó lá đến quá nửa đêm 

Khoảng từ 20 tới 25 tháng Chạp là cao điểm của vụ thu hoạch. Thương lái khắp nơi đổ về lấy lá rồi chở đi bán khắp chợ cùng quê, khung cảnh nhộn nhịp người xe qua lại chật kín đường làng. Những ngày đông khách, người trồng phải thu hoạch, phân loại, xếp và bó lá đến quá nửa đêm. Năm nay thời tiết mưa ẩm nên lá dong phát triển tốt, lá to đều và đẹp, vì thế mà không khí cả làng đều náo nức bởi một cái Tết ấm no đã cận kề.

Cẩn thận xếp lá thành từng bó, cô Đào Thị Xuân kể: “Lá dong Tràng Cát thuộc loại dong nếp, bầu lá tròn, mềm, dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài phối sắc với màu thân lá, dễ phân biệt với loại dong rừng. Với chiều dài khoảng 50cm-60cm, chiều rộng 25cm-35cm, lá dong nơi đây được nhiều vùng ưa chuộng. Không ít người muốn đem giống về trồng ở các vùng lân cận nhưng không đạt được chất lượng như khi trồng ở vùng đất này”.

Lá dong được chuyển đến các chợ

Xưa kia, lá dong Tràng Cát thường được tuyển chọn để gói bánh tiến vua. Ngày nay, những tàu lá dong nơi đây còn được xuất ngoại để phục vụ bà con người Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà các đơn hàng xuất khẩu có phần giảm đi rõ rệt. Thông tin với Văn Hóa, ông Nguyễn Huy Hà chủ của cơ sở lá dong xuất khẩu Hà Huy Tràng Cát cho biết: "Lá dong bán ra nước ngoài được chọn lọc rất kỹ, lá phải được cắt dài cuống, bó thật chặt, không nhúng qua nước mới tươi lâu và bền. Năm nay, các đơn hàng có phần giảm đi vì tình hình dịch bệnh, thế nhưng nhu cầu của người dân trong nước vẫn rất cao nên không có chuyện lá dong bị ế”.

Nhu cầu sử dụng lá dong cao nên người dân Trảng Cát không lo bị ế hàng

Chủ tịch UBND xã Kim An, ông Đoàn Văn Huỳnh thông tin: “Hiện nay cả thôn Tràng Cát trồng khoảng 50-60 mẫu lá dong, nhà trồng nhiều thì 5-6 sào, nhà ít cũng phải 1-2 sào. Hai năm trở lại đây, diện tích lá dong của cả thôn có xu hướng tăng lên bởi nhu cầu xuất khẩu”. Nhờ có cây dong mà cuộc sống của người Tràng Cát sung túc, ổn định hơn. Với 2 sào lá, sau khi trừ chi phí thì những hộ như cô Xuân, ông Hà cũng có thu nhập hơn mười triệu đồng để sắm sửa cho ngày Tết. Dù không phải là nguồn thu nhập chính, nhưng lá dong là “linh hồn” của Tràng Cát. Vì lẽ đó, người dân thôn Tràng Cát vẫn luôn hy vọng màu xanh của lá sẽ không bao giờ mất đi mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Bài và ảnh: VŨ MỪNG

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top