Chợ cá chép đỏ lớn nhất miền Bắc nhộn nhịp trước Tết ông Công, ông Táo
VHO-Trước ngày Tết ông Công, ông Táo (23 tháng chạp), chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai tấp nập tiểu thương và khách tìm tới mua cá chép đỏ.
Rạng sáng 3/2, chợ Yên Sở, chợ cá lớn nhất miền Bắc đã tấp nấp người mua kẻ bán, chủ yếu là tiểu thương và người dân tìm đến mua cá chép đỏ để cúng ông Công ông Táo vào ngày mai.
Tiểu thương xếp hàng chờ tới lượt mua cá chép ngay từ cổng chợ. Trung bình một xe cá chở 1,25 tấn, tiêu thụ hết chỉ trong 15 phút.
Khách tới mua cá là các tiểu thương trong các quận của Tp. Hà Nội.
Cá bán được vận chuyển xuống từ xe tải, cân tại chỗ rồi phân loại lớn, nhỏ. Các tiểu thương có thể thoải mái lực chọn kích thước của cá và giá thành.
Cá chép vàng và cá chép đỏ tại đây được vận chuyển về từ các tỉnh thành như Phú Thọ, Nam Định. Năm nay do nguồn cung không có nhiều nên giá đội lên gấp 2, 3 lần so với năm ngoái. Mỗi kg cá mua tại chợ có giá từ 230.000 đến 250.000 đồng; sau đó các tiểu thương sẽ phân phối, bán lẻ 300.000 đồng/kg; Riêng những mẻ cá lớn và đẹp giá 350.000 đồng/kg.
Mỗi kg cá có khoảng 25-30 con. Tại chợ này, tiểu thương chỉ bán buôn, không bán lẻ.
Chợ cá Yên Sở buôn bán cả ngày nhưng đông khách vào khoảng 3-4h. Những ngày này, có cả trăm tiểu thương từ các nơi đổ về đến mua cá về bán lẻ tại các chợ nhỏ.
Chị Lê Thị Cúc, tiểu thương đến từ Quận Bắc Từ Liêm chia sẻ:"Năm nay do dịch COVID-19 bùng phát nên tôi chỉ lấy khoảng 10 kg về bán lẻ, ít hơn một nửa so với mọi năm”.
Theo quan niệm dân gian của người dân Việt Nam cứ vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, tất thảy mọi gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn để tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời, báo cáo tình hình gia đình trong năm qua với Ngọc Hoàng. Để thực hiện nghi thức thiêng liêng ấy thì cá chép, “phương tiện” di chuyển của các vị thần bếp là một lễ vật vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Đây cũng là một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân Việt Nam.
Bài và ảnh: VŨ MỪNG