Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hoàng cung đón Tết ra sao?

Thứ Hai 01/02/2021 | 11:35 GMT+7

VHO-  Chốn cung đình, vua quan đón Tết ra sao? Cái Tết nơi ‘lầu son gác tía’ khác như thế nào so với dân thường? Những câu hỏi tưởng chừng khó giải đáp trong cuộc sống đương đại này đã được hé mở qua không gian triển lãm "Cung đình đón Tết" tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

 Tết trong cung đình cùng những nghi lễ, nghi thức, hoạt động quan trọng đã được phác họa rõ nét trong Triển lãm Ảnh: LÊ MINH

 Thu hút ngay từ tên gọi, Triển lãm do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức, diễn ra đến hết ngày 23.2 (tức 12 Tết Tân Sửu).

Những hé mở thú vị…

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, Triển lãm được tổ chức với mục đích giới thiệu về Tết Nguyên đán trong cung đình triều Nguyễn. Lần đầu tiên, 80 di sản Châu bản tiêu biểu về Tết Nguyên đán được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn, Di sản tư liệu thế giới, để giới thiệu đến đông đảo công chúng. BTC hy vọng Triển lãm sẽ cung cấp thêm thông tin về các nghi lễ đón Tết trong cung đình cũng như trong dân gian thông qua các di sản tư liệu quý giá, để các di sản này phát huy giá trị hơn nữa trong đời sống xã hội.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, Tết Nguyên đán là ngày lễ Tết cổ truyền lớn nhất của đất nước. Đây cũng là thời gian để các thành viên trong gia đình gặp gỡ, sum vầy và cùng nhau ôn lại những việc đã trải qua trong một năm; đồng thời cũng là dịp báo hiếu, tri ân, ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Thứ trưởng bày tỏ, thông qua Triển lãm này, người dân sẽ hiểu thêm và sâu hơn về các nghi lễ Tết trong cung đình hòa quyện với Tết cổ truyền của dân tộc. Thứ trưởng đề nghị Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trong thời gian tới chỉ đạo các Trung tâm Lưu trữ tiếp tục tổ chức các cuộc triển lãm gắn liền với sự kiện ý nghĩa của đất nước, của dân tộc. Qua đó, giới thiệu với công chúng về nghi lễ Tết cổ truyền, góp phần giáo dục và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Việc chuẩn bị đón Tết trong hoàng cung diễn ra từ sớm ngay từ mùng 1 tháng Chạp, bằng lễ ban lịch năm mới cho các quan tại Điện Thái Hòa, hay còn gọi là lễ Ban sóc. Sau đó, triều đình ấn định ngày nghỉ Tết và trang hoàng Hoàng cung. Không khí Tết rộn ràng bắt đầu từ đây.

Sau lễ Ban sóc là lễ Hợp hưởng (nghi lễ thỉnh các vị Tiên đế về ‘ăn Tết’ với triều đình) và lễ Phong ấn (nghi thức biểu thị việc tạm ngưng công việc triều chính). Lễ Nghênh xuân, Tiến xuân cũng là nghi lễ quan trọng, với ý nghĩa đón xuân để dẫn hòa khí, cũng là thể hiện tinh thần trọng nông, ước mong thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu. Theo Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc, Tết Nguyên đán gắn liền với nền văn minh lúa nước, đời sống nông nghiệp. Bởi vậy, việc đầu tiên của Triều đình (khi đón Tết Nguyên đán) là làm lễ Ban sóc. Lịch được ban đi chỉ rõ ngày nào cho công việc đồng áng, ngày nào người dân được nghỉ ngơi để hưởng thụ giá trị tinh thần.

Ấn tượng Tết xưa

Triển lãm ‘Cung đình đón Tết’ bố cục gồm ba chủ đề: Lễ nghi chuẩn bị đón Tết long trọng; Tất niên - tiễn năm cũ, đón năm mới; Đầu năm đón phúc, tiết xuân ban lộc và đề cao chữ Hiếu.

Bức tranh Tết trong cung đình triều Nguyễn cùng những nghi lễ, nghi thức, hoạt động quan trọng đã được phác họa rõ nét trong triển lãm ‘Cung đình đón Tết’. Lần lượt từng dấu mốc trong dịp này được tái hiện. Ngày 30 Tết, trong hoàng cung diễn ra các nghi lễ thiêng liêng, đặc biệt, mang ý nghĩa tống tiễn hết điều xấu của năm vừa qua và đón điều tốt đẹp trong năm mới. Sáng sớm, Hoàng tử, Hoàng thân đến lăng miếu làm lễ Tuế trừ tiễn biệt năm cũ. Lễ xong, triều đình làm lễ Thượng tiêu (dựng nêu), nghi thức đặc biệt đánh dấu sự chuyển giao giữa hai năm, với mục đích chào đón một năm mưa thuận gió hòa, dân chúng được an vui, hạnh phúc. Thời khắc cây nêu được dựng lên ở Điện Thái Hòa trong lễ Thượng tiêu là dấu hiệu năm mới đã cận kề.

Ngày mùng 1 được đón chào bằng việc cử hành trọng thể Lễ Nguyên đán tại Điện Thái Hòa. Hoàng tử, Hoàng thân, trăm quan làm lễ khánh hạ. Sau lễ mừng Tết, nhà vua ban yến, thưởng Tết cho các thân phiên, hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, võ từ tứ phẩm trở lên cũng như ban ân chiếu rộng khắp cho chúng dân. Vào mùng 2 Tết, Hoàng thượng đến làm lễ tiến tân và chiêm bái tại điện Phụng Tiên (nơi thờ các vị tiên đế), ban thưởng yến tiệc và tiền vàng cho các quan văn từ lục phẩm, võ từ ngũ phẩm trở xuống. Ngày mùng 3 Tết, vua lại thân đến Thái miếu hành lễ, các Hoàng tử, Hoàng thân đến tế tại Triệu tổ miếu và miếu Hoàng khảo. Ngoài ra, ngày đó vua ban yến cho biền binh, lính thợ trấn giữ ở các đồn lũy.

Qua những nghi lễ trang trọng chốn cung đình, chữ Hiếu được các vua triều Nguyễn đề cao ngay trong đầu năm mới. Điều này thể hiện qua việc vua đích thân đến cung Hoàng mẫu chúc Tết. Vào mùng 2 Tết, ngài đến làm lễ tiến tân và chiêm bái tại điện Phụng Tiên, nơi thờ các vua triều Nguyễn đời trước. Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc phân tích, giữa dân gian và hoàng cung có những nét tương đồng, có thể thấy trong lễ Hợp hưởng. Người dân sống cuộc sống ngày hôm nay nhưng luôn nhớ tới quá khứ, tri ân tổ tiên, các vị vua xưa cũng vậy. Dân gian có tục thỉnh gia tiên về ăn Tết thì trong Hoàng cung cũng có lễ thỉnh các vị Tiên đế về ăn Tết với triều đình (lễ Hợp hưởng), thường được cử hành vào 22 tháng Chạp.

Những tài liệu đặc biệt ở Triển lãm còn cho thấy những phát hiện thú vị, ví như, Hoàng cung làm lễ Phong ấn để tạm ngưng công việc triều chính, nhưng trên thực tế vua và các quan đại thần trong triều không hoàn toàn nghỉ ngơi. Bản Phụng Thượng dụ của nội các vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) có ghi: ‘Theo lệ có việc phong ấn, khai ấn nhưng đó là lúc bình thường vô sự, còn khi có việc quân thì không thể cứng nhắc theo lệ này’.

Các nghi lễ đón Tết ở Cung đình diễn ra long trọng, tưởng như khác xa với Tết trong dân gian, nhưng thấp thoáng đâu đó, trong từng nghi tiết, trong tâm thức đề cao chữ Hiếu và trong sự tạm ngưng công việc để thưởng thức tiết xuân ấm áp… chúng ta sẽ thấy có những điểm gần gũi, hòa trong nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

BẢO NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top