Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Người phụ nữ ở tuổi 56 khăn gói từ TP HCM ra Hà Nội mong tìm lại “thiên chức”

Thứ Tư 27/01/2021 | 10:44 GMT+7

VHO- Sinh ra trong một gia đình ở phố cổ Hà Nội, thời con gái chị nổi tiếng là hoa khôi với khuôn mặt thanh tú, nhỏ nhắn, miệng cười tươi, đôi má lúc nào cũng ửng hồng, mái tóc đen dày… Nhưng đến tuổi trăng rằm, khoảng 15-16 tuổi, chị không thấy các biểu hiện dậy thì như bạn bè cùng lứa.

Gia đình có đưa chị đi khám ở bệnh viện chuyên khoa sản nhưng chỉ được bác sĩ thông báo rằng chị không thể có “ngày đèn đỏ”, khó có con mà không hề giải thích kỹ về căn bệnh dị tật bẩm sinh không âm đạo.

Dù càng lớn, chị càng xinh đẹp với hình thể bên ngoài đầy nữ tính, được gọi là “Hoa Khôi” trong trường cấp III, khiến nhiều người ngưỡng mộ nhưng chị luôn phải âm thầm giấu đi mặc cảm bên trong. Đến năm 22-23 tuổi, chị quyết định lập gia đình với một chàng trai đã “đổ cây si” bao nhiêu năm. Tuy nhiên, hạnh phúc chẳng kéo dài được lâu, vì khiếm khuyết cơ quan sinh sản khiến bản thân chị từng trải qua nhiều lần đau khổ. Lúc đầu vợ chồng chỉ nghĩ là do hiếm muộn chứ chưa từng biết nguyên nhân thực sự là chị không có âm đạo. Mối quan hệ thân mật với chồng trở nên vô cùng khó khăn, chị đã nhiều lần đề nghị anh ly hôn để anh đi tìm duyên mới nhưng vì vẫn còn yêu thương vợ nên anh cứ lần lữa. Thậm chí, vợ chống chị còn nhận con nuôi (sơ sinh) nhưng mẹ chồng chị vẫn không đồng ý, khiến cuộc sống hôn nhân chị đổ vỡ.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh chia sẻ về hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser ở trẻ em gái

Muốn xa lánh quá khứ, chị chuyển vào miền Nam sinh sống, nhưng trái tim người phụ nữ vẫn luôn khát khao cảm xúc yêu thương. Nhiều người đàn ông trước đây đã từng theo đuổi chị và cả những người đàn ông mới quen ở nơi phương xa vẫn mong cùng chị nên duyên vợ chồng nhưng chị đều tìm cách né tránh… Chị nghĩ cuộc sống hôn nhân của chị có lẽ đi vào ngõ cụt và nhu cầu sinh lý đã chấm dứt.

Tuy nhiên, niềm hy vọng đã loé lên khi một lần tình cờ chị đọc thông tin về việc nhiều cô gái mắc dị tật “không”có âm đạo” tìm được hạnh phúc vì được các bác sĩ của Bệnh viện E phẫu thuật giúp lấy lại thiên chức phụ nữ. Trái tim người phụ nữ tưởng đã chai sạn lại bùng cháy lên với khát vọng trở thành người phụ nữ hoàn chỉnh.

Và rồi, chị quyết định khăn gói từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, đến Bệnh viện E và được chuyển đến Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt. Tại đây, ThS.BS Nguyễn Đình Minh – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E đã trực tiếp khám, và chẩn đoán chị mắc hội chứng bất sản ống Muller (hay còn gọi là hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser). Đây là dị tật không có âm đạo bẩm sinh, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, chất lượng sống của người bệnh.

“Kết quả siêu âm và chụp MRI, hình ảnh cho thấy bệnh nhân không có âm đạo, ống âm đạo chỉ là dải xơ khoảng 1,5 cm. Ngoài ra bệnh nhân không có tử cung. Xét nghiệm các chỉ số hormon, nội tiết thiếu hụt do thiểu sản buồng trứng. Đặc biệt nhiễm sắc thể đồ là 46XX, xác định bệnh nhân giới tính nữ. Vì thế, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt chỉ định phẫu thuật tạo hình âm đạo cho bệnh nhân”, bác sĩ Minh chia sẻ.

Người phụ nữ đã tìm lại "thiên chức" sau ca phẫu thuật

Ca phẫu thuật tạo hình âm đạo kéo dài hơn 1 giờ và được chia làm 3 ê – kíp thực hiện các kỹ thuật khác nhau và đã thành công. Ngoài ra, các bác sĩ còn chế ra các dụng cụ để âm đạo nhân tạo được hoạt động như bình thường, trả lại thiên chức, nhu cầu sinh lý cho người phụ nữ ở tuổi 56 này.

Ths.Bs Nguyễn Đình Minh cho hay, bé gái mắc hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser thường khiến âm đạo, tử cung không phát triển dù vẫn có 2 buồng trứng, các hormon giới tính trong giới hạn bình thường. Các bộ phận khác trên cơ thể bé gái mắc bệnh vẫn phát triển bình thường nhưng lại không có cơ quan sinh dục… Tình trạng nữ giới không có âm đạo cũng không hiếm, chiếm tỷ lệ khoảng 1/4.000 tới 1/10.000, nghĩa là, cứ 4.000 trẻ em sinh ra thì có 1 bé không có âm đạo.

“Đây là một bệnh bẩm sinh của đường sinh dục nữ mà nguyên nhân chưa được rõ ràng. Bệnh thường phát hiện ở độ tuổi sơ sinh hoặc dậy thì. Ở tuổi sơ sinh, dưới tác động của estrogen (một loại hoóc-môn do một số cơ quan sinh dục nữ tiết ra) từ mẹ truyền qua con trong giai đoạn thai kỳ, cổ tử cung trẻ gái sơ sinh tăng tiết dịch dẫn đến ứ dịch vùng âm đạo có thể gây ra các khối u vùng âm hộ hoặc các triệu chứng tiểu khó, tiểu rặn, nặng thì nhiễm trùng tiểu (sốt, nước tiểu đục…). Còn ở tuổi dậy thì, đến thời kỳ đèn đỏ nhưng nữ giới chỉ bị đau bụng theo chu kỳ tháng nhưng không xuất hiện. Do đó, để có đời sống sinh lý bình thường, nữ giới mắc dị tật này cần được phẫu thuật tạo hình âm đạo”, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh cũng khuyến cáo, mọi bất thường ở cơ quan sinh sản cần được khám và điều trị kịp thời. Hầu hết các dị tật "vùng kín" đều có thể phát hiện bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan, chụp X-quang và MRI... Để tạo hình âm đạo bệnh nhân cần qua tuổi 18 - là lứa tuổi phù hợp để thực hiện kỹ thuật tạo hình này cùng với chi phí để thực hiện không quá tốn kém. Vì vậy, những người có bất thường cơ quan sinh sản do lỗi của tạo hóa có thể tìm đến các bệnh viện chuyên khoa để được khám, tư vấn và phát hiện dị tật, chữa trị kịp thời; không chỉ giúp những người phụ nữ kém may mắn có thể tự tin trong đời sống, mà còn tạo cơ hội để họ có thể thụ tinh nhân tạo và có con nhờ mang thai hộ.

THẢO LAM

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top