Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Số bệnh nhân mắc mới và tử vong do ung thư tăng nhanh ở Việt Nam: Chuyên gia lý giải nguyên nhân...

Thứ Sáu 22/01/2021 | 11:59 GMT+7

VHO- Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. 



 Tầm soát sớm để phát hiện bệnh

Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 (chỉ có 185/204 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư theo GLOBOCAN - tổ chức Ung thư toàn cầu) về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đang tăng nhanh. 
Những bệnh ung thư phổ biến ở nước ta 
Ở nước ta, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59,4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng. 
Lý giải nguyên nhân khiến số người mắc và tử vong vì ung thư ở Việt Nam tăng nhanh, TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, ung thư là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố phối hợp nhưng nhìn chung lại là 2 nhóm yếu tố: nhóm yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường…) và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, gen…). Ngoài ra, Việt Nam đang đối mặt với sự già hóa dân số nói chung, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay đã tăng (73,6 tuổi). Tuổi càng cao, thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ càng dài thì tỷ lệ mắc ung thư càng cao. Cùng với đó là dân số Việt Nam đang là gần 97,8 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới. Dân số Việt Nam tăng lên, dẫn tới tăng số người mắc và tử vong do ung thư. 
Các yếu tố về hành vi lối sống như hút thuốc lá (là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi); lạm dụng rượu bia (là nguyên nhân gây ra các loại ung thư như ung thư miệng, họng; ung thư gan; ung thư vú, ung thư đại trực tràng)… Chế độ ăn ăn uống không hợp lý (nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng thực phẩm mốc, thực phẩm chế biến sẵn…) cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đóng vai trò 35% nguyên nhân gây ung thư vú, thực quản, đại trực tràng… Thói quen ít vận động, ô nhiễm không khí và môi trường cũng là những yếu tố gây ung thư”, TS Lê Văn Quảng cho biết thêm. 
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện K, thời gian gần đây, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống bệnh ung thư ngày càng phổ biến nên người dân quan tâm hơn tới việc đi khám sức khỏe, trong đó có việc sàng lọc ung thư nên sẽ phát hiện nhiều trường hợp hơn. Cùng với đó là hệ thống ghi nhận ung thư tốt hơn. Như vậy, sẽ có nhiều bệnh nhân mắc và tử vong được ghi nhận lại, dẫn tới số người mắc và tử vong tăng lên. 
Khám sàng lọc sớm để tăng cơ hội điều trị 
Các bác sĩ cho biết, sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư vì điều trị càng hiệu quả và tiết kiệm về chi phí, ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì điều trị gặp nhiều khó khăn và để lại gánh nặng lớn về kinh tế. 
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia cập nhật rất nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong điều trị ung thư. Nếu như trước đây, phải sau nhiều năm các thuốc mới được sử dụng trên bệnh nhân Việt Nam thì ngày nay khoảng cách này đã được rút ngắn lại. Đặc biệt, các kỹ thuật xạ trị hiện đại như VMAT, IMRT… phẫu thuật nội soi, Robot, xạ phẫu Gamma Knife cũng đã được triển khai tại Bệnh viện K cũng như một số trung tâm ung bướu khác trên cả nước. Chính vì thế, rất nhiều người bệnh đã điều trị thành công; quay trở về cuộc sống thường ngày và truyền cảm hứng cho hàng ngàn người bệnh khác. Câu chuyện nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên, không may mắc bệnh ung thư vú nhưng đã mạnh mẽ vượt qua để trở thành Hoa khôi truyền cảm hứng Trường Đại học Ngoại thương. Hay người mẹ “anh hùng” Nguyễn Thị Liên và nhiều người mẹ khác dù mắc ung thư vú di căn đã nén đau để sinh con và tiếp tục điều trị để trở về với cuộc sống bình thường… 
Ung thư là một trong các bệnh lý không lây nhiễm, Việt Nam không tách riêng chương trình phòng chống ung thư như nhiều nước mà gộp chung thành chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm và đã được Chính phủ đưa vào Chương trình quốc gia y tế - dân số và Chương trình sức khỏe Việt Nam nhằm tiến tới mục tiêu kiểm soát tình trạng ung thư tại Việt Nam. Ngành ung thư cũng đã có nhiều nỗ lực giảm nhẹ gánh nặng ung thư trên phạm vi cộng đồng như tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về dự phòng ung thư, phát hiện sớm ung thư, triển khai tăng cường khám sàng lọc ung thư ở quy mô rộng hơn. 
TS Lê Văn Quảng cho rằng, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư… 

 QUỲNH HOA 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top