Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Kon Tum: Đổi thay nhờ làm Du lịch cộng đồng

Thứ Tư 13/01/2021 | 14:23 GMT+7

VHO - Khai thác thế mạnh từ điều kiện sẵn có của người bản địa, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để làm du lịch cộng đồng, qua đó giúp bà con tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo là hướng đi đúng mà tỉnh Kon Tum đã chọn, và bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Nhờ làm du lịch cộng đồng, nhận thức của người dân đã dần thay đổi

 

Nằm bên cạnh dòng sông Đăk Bla hiền hòa, cách trung tâm TP. Kon Tum khoảng chừng 3km, Kon Kơ Tu là làng đặc biệt khó khăn và xa nhất của xã Đăk Rơ Wa. Mặc dù mới được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là làng du lịch cộng đồng tháng 7-2020, nhưng từ lâu người dân làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum (Kon Tum) đã biết làm du lịch. Tuy nhiên, cách làm du lịch trước đây của người dân là tự phát, tức là du khách tìm đến đây bởi vẻ đẹp hoang sơ của ngôi làng, để ngắm nhìn ngôi nhà rông, trải nghiệm các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm… của một vài hộ dân. Dần dà, nhận thấy nhu cầu khách muốn ở lại lưu trú để trải nghiệm nên một số hộ dân bắt đầu làm mô hình lưu trú Homestay.

Anh A Kâm, Tổ trưởng tổ hợp tác du lịch Làng Du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa cho biết, từ khi được công nhận là Làng Du lịch cộng đồng đã không còn tình trạng làm du lịch tự phát, đơn lẻ như trước nữa, mà nay đã mang tính cộng đồng, cùng hợp tác để làm du lịch. Làng Kon Kơ Tu hiện có 146 hộ thì khoảng 40% bà con tham gia làm du lịch.

Theo anh A Kâm, mỗi khi có đoàn khách du lịch đăng ký đến làng để trải nghiệm, tổ hợp tác du lịch sẽ tiến hành họp các thành viên, phân công nhiệm vụ tổ chức đón tiếp cho từng hộ, từng thành viên ai sẽ đảm nhận phục vụ ẩm thực (cơm lam, gà nướng, rượu cần…), phục vụ diễn xướng cồng chiêng, múa xoang, dẫn khách tham quan trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, chèo thuyền dọc sông Đăk Bla…

“Tổ hợp tác chúng tôi thống nhất mức giá 150 nghìn đồng/người đối với đoàn khách trên 30 người. Số tiền đó sẽ bao gồm ẩm thực và xem biểu diễn cồng chiêng. Ngoài ra, khách lưu trú ở lại các các homestay sẽ tính mức phí 100 nghìn đồng/người; nếu du khách trải nghiệm, trực tiếp tham gia vào hoạt động đan lát hay dệt thổ cẩm sẽ tùy thuộc vào thời gian mà du khách trả tiền cho các nghệ nhân. Nói chung, nhờ làm du lịch, thu nhập của bà con được nâng lên đáng kể, không còn cảnh phụ thuộc vào cây lúa, củ mì (sắn) như trước đây nữa”, A Kâm chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum)

 

Trao đổi với PV Văn Hóa, ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho rằng: “Từ khi được công nhận Làng Du lịch cộng đồng thì nhận thức của bà con có sự chuyển biến, tức là họ đã biết khai thác tiềm năng, lợi thế có du lịch, từ đó họ giảm bớt các hoạt động làm nông nghiệp để chuyển sang làm thương mại, dịch vụ. Khi tham gia vào làm du lịch cộng đồng người dân được hưởng lợi nhiều hơn, khi khách du lịch đến họ vừa có dịch vụ lưu trú, vừa tiêu thụ các mặt hàng sẵn có của người dân như gà, rau rừng, măng, cơm lam, rượu ghè, kết hợp đan lát… Đó là chưa kể điều kiện cơ sở hạ tầng được nhà nước quan tâm đầu tư, người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay để làm du lịch, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.

Được UBND tỉnh công nhận vào tháng 11-2018, từ đó đến nay Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng Kon Pring, thị trấn Măng Đen (trước đây là xã Đăk Long), huyện Kon Plông là địa điểm được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Làng Kon Pring hiện có hơn 76 hộ (trong đó 68 hộ DTTS) với 215 nhân khẩu. Thực hiện đề án của huyện Kon Plông về Phát triển du lịch cộng đồng làng Kon Pring, chính quyền địa phương đã hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng cho Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen đại ngàn và 3 hộ dân để xây dựng nhà sàn truyền thống theo hình thức “homestay” để đón khách lưu trú và trưng bày giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc.

Chị Y Lim là 1 trong 3 hộ dân được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn làm nơi lưu trú cho khách du lịch ở Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng Kon Pring cho biết, đối với homestay của gia đình mình, trung bình mỗi tháng gia đình chị đón từ 3 - 4 đoàn khách, mỗi đoàn từ 10 - 20 người. “Trung bình mỗi tháng, trừ hết chi phí cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ dân trong thôn cũng có thu nhập từ hoạt động du lịch thông qua việc bán các sản vật của địa phương, phục vụ đồ ăn như cơm lam, gà nướng, rượu cần… cho khách du lịch”.

Góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Theo chị Y Lim, du khách khi đến với Làng Du lịch cộng đồng Kon Pring thường tham quan, trải nghiệm cùng ăn, cùng ở với người bản địa. Họ thích không khí được hòa mình vào những màn diễn xướng, cồng chiêng truyền thống của bà con DTTS nơi đây.  Để phục vụ khách du lịch, đòi hỏi thôn, làng phải duy trì đội cồng chiêng, múa xoang và thường xuyên luyện tập. Người lớn có trách nhiệm truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Du lịch cộng đồng góp phần giúp người dân giữ gìn văn hóa truyền thống và nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo

 

Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho hay: “Mục đích của việc phát triển Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng Kon Pring là nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời nâng cấp cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch, trình độ dân trí, vị thế du lịch của huyện Kon Plông đối với du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu tại chỗ và phát triển nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ, tạo việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 Làng Du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận gồm: Làng Du lịch cộng đồng Kon K’tu, Làng Du lịch cộng đồng Kon Klor (TP. Kon Tum); Làng Du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà) và Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng Kon Pring (huyện Kon Plông). Ngoài ra, ở các huyện, TP trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển các điểm, làng du lịch cộng đồng để hỗ trợ, hướng dẫn người dân xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch.

Theo đánh giá của Sở VHTTDL Kon Tum, là địa phương còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS, du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại những lợi ích thiết thực về phát triển kinh tế bền vững; giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái; bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Hoạt động du lịch cộng đồng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận trong người dân tham gia làm du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

NGỌC HÒA

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top