Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

TP.HCM: Khánh thành trùng tu Cột cờ Thủ Ngữ

Thứ Hai 04/01/2021 | 14:31 GMT+7

VHO-Sau hơn một tháng thi công, ngày 4.1, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Xây dựng TP.HCM đã phối hợp tổ chức khánh thành công trình trùng tu di tích lịch sử Cột cờ Thủ Ngữ nằm trong khuôn viên công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Cắt băng khánh thành trùng tu di tích lịch sử Cột cờ Thủ Ngữ

Theo đó, các hạng mục được trùng tu gồm sơn lại cột cờ, thay toàn bộ cáp, lát đá nền kiến trúc, thay mái ngói, điều chỉnh bộ phận kéo cờ, sơn lại phần kiến trúc xây dựng, tháo dỡ phần tường bao bên ngoài và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Công trình nằm trong tổng thể chương trình chỉnh trang cảnh quan công viên Bến Bạch Đằng với diện tích 3.350m2.
Cùng với Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng và Cầu Móng, Cột cờ Thủ Ngữ (có lịch sử 155 năm tuổi) là một yếu tố quan trọng tạo nên quần thể lịch sử - văn hóa đặc trưng, đồng thời là nhân chứng cho quá trình phát triển đô thị của TP.HCM. Đây còn là chứng tích cuối cùng về một thời sầm uất của thương cảng Sài Gòn. Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP. HCM, công trình Cột cờ được xây dựng vào tháng 10.1865, có tên tiếng Pháp là “Mât des signaux”. Lúc đầu là cột làm tín hiệu cho tàu bè ra vào luồng lạch khu vực sông Sài Gòn - Gia Định, dạng cột thuyền buồm bằng gỗ và không có khối đế. Đây là một hình thức cột tín hiệu ở các nước phương Tây.

Di tích lịch sử Cột cờ Thủ Ngữ sau khi được trùng tu

Qua quá trình lịch sử, Cột cờ và khu vực cảnh quan đã có nhiều thay đổi về hình thái và công năng. Giai đoạn 1890-1910, Cột cờ được dựng lại bằng sắt, cao 35m, bổ sung thêm sàn đứng kéo cờ và thay đổi hình thức căng dây cáp và thang dây. Đến thập niên 1920, công trình có hình bát giác một tầng có mái dốc được xây dựng dưới chân Cột cờ. Cầu tàu trước Cột cờ được mở rộng. Từ thập niên 40 của thế kỷ trước, công trình được xây lại với hình thức kiến trúc mới có khối lõi hình bát giác với mái dốc và khối đa giác thấp hơn có mái dốc.

Di tích lịch sử Cột cờ Thủ Ngữ trước khi trùng tu

Giai đoạn 1950-1960, công trình được cải tạo lại, mở rộng phần cánh bên phải theo hướng nhìn ra sông Sài Gòn. Khối mở rộng mới có hình thức mái cong. Những năm 1975-2000, công trình tiếp tục được cải tạo, có các chức năng công cộng như điểm phục vụ du lịch, nhà hàng. Năm 2011, công trình tiếp tục được tu bổ và sử dụng làm nhà truyền thống trưng bày ảnh về Sài Gòn xưa. Đến năm 2016, UBND TP.HCM có quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp Thành phố cho công trình. Dù trải qua nhiều biến đổi về hình thức và công năng, công trình vẫn giữ được tính kế thừa những giá trị đặc trưng của quá khứ và hình thành những giá trị mới.

Cột cờ Thủ Ngữ xưa

Cột cờ ngày nay vẫn giữ được kiến trúc đặc sắc hiếm có và gần như nguyên bản. Hình thức kiến trúc của Cột cờ cũng đại diện cho một hình thức kiến trúc cột tín hiệu đặc trưng trong lịch sử. Cột cờ sau khi trùng tu sẽ tạo thêm điểm đến tham quan hấp dẫn cho công chúng và du khách khi đến TP.HCM.

H. HẢI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top