Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sa Pa khuyến cáo du khách không mua hàng của trẻ em

Thứ Hai 04/01/2021 | 10:52 GMT+7

VHO-  Trong những ngày cuối năm này, nhiều dịch vụ du lịch, ăn uống, vui chơi được bung ra để đáp ứng du khách. Tuy nhiên, hệ lụy kéo theo là sự tham gia của trẻ em trong các hoạt động kinh tế, dẫn tới tăng nguy cơ tăng lao động trẻ em (LĐTE) tại Việt Nam.

 Những đứa trẻ lang thang bán hàng rong trên đường phố trong thời tiết lạnh cắt da cắt thịt ở Sa Pa Ảnh: ZING

Phản đối bằng hành động thực tế

Giữa cái rét cắt da thịt ở Sa Pa (Lào Cai), có lúc xuống dưới 3 độ C, du khách không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến những em bé với đôi má nứt nẻ, ửng đỏ đang lang thang kiếm tiền trên phố. Trước thực trạng này, tổ công tác về an ninh trật tự của UBND phường Sa Pa và các khu vực lân cận đã dùng loa kêu gọi khách du lịch không cho tiền hoặc mua hàng hóa của trẻ bán hàng rong. “Những đứa trẻ phải đi ăn xin và bán hàng trong thời tiết giá rét, đây là hành vi vi phạm pháp luật về quyền trẻ em. Tổ công tác chúng tôi kính mong toàn thể du khách khi đi tham quan trên địa bàn thị xã Sa Pa hãy vui lòng phản đối việc làm trên bằng hành động thực tế, không vì mủi lòng mà cho tiền trẻ nhỏ và không mua hàng của các cháu là chúng ta đã góp phần bảo vệ quyền trẻ em”… vị cán bộ của UBND phường Sa Pa khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định, sử dụng trẻ em vào mục đích xin ăn, kiếm tiền trên đường phố là hình thức sử dụng LĐTE bị pháp luật nghiêm cấm bởi vì đây là làm kinh tế tạo ra thu nhập cho người lớn. Trẻ em phải làm việc, kiếm tiền trong môi trường đường phố với nhiệt độ cao, nóng bụi, hay giá rét và nguy cơ tai nạn… là những môi trường độc hại, rủi ro nên cần phải ngăn chặn những hành vi như thế này. “Thực tế trong thời gian vừa qua, chúng ta đã ngăn chặn rất nhiều những hành vi sử dụng trẻ em để xin ăn, kiếm sống trên đường phố, những hiện tượng như vậy hiện vẫn còn tuy đã giảm nhiều so với trước. Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì bất kỳ ai phát hiện những trường hợp như vậy xin vui lòng báo cho đường dây nóng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Tổng đài sẽ kết nối với chính quyền địa phương và cơ quan công an nơi gần nhất để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý”, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, có hai nguyên nhân chính dẫn đến LĐTE là nghèo đói và nhận thức xã hội, trong đó có nhận thức của các bậc cha mẹ, của người chăm sóc trẻ và nhận thức của chính các em. “Độ tuổi của trẻ quá nhỏ để làm việc, thời gian làm việc quá dài hoặc bản chất công việc quá vất vả sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm. Khi đó, tâm lý, sự phát triển và sức khỏe thể chất của trẻ sẽ bị đe dọa. Những rủi ro về sức khỏe và sự phát triển của trẻ em do lao động trẻ em gây ra sẽ làm tổn hại các cơ hội trong cuộc sống của những thế hệ tương lai”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Tỷ lệ lao động trẻ em của Việt Nam thấp hơn 2% so với khu vực

Điều tra Quốc gia về LĐTE lần thứ hai của Việt Nam được Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê và tổ chức ILO (Lao động quốc tế) tại Việt Nam thực hiện và công bố vào tháng 12.2020 xác định có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 đến 17 là LĐTE. Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có khoảng già nửa số trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo đánh giá, có 58,8% trẻ tham gia làm việc tại Việt Nam là LĐTE. Các em phải làm các công việc trái pháp luật so với độ tuổi, hay quá số giờ các em được phép làm hoặc do tính chất công việc các em phải thực hiện. 84% LĐTE tại Việt Nam tập trung ở vùng nông thôn và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, những khu vực khác có nhiều LĐTE bao gồm dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, khoảng 40,5% LĐTE là lao động trong hộ gia đình không được trả lương.

“So sánh với kết quả Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ nhất được thực hiện vào năm 2012, số liệu gần đây cho thấy tỉ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm đáng kể, từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018, tỉ lệ LĐTE tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương” bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng LĐTE hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại do những tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới, nhiều gia đình buộc phải sử dụng LĐTE như một phương sách để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế.

Cuộc điều tra cho thấy có gần 520.000 LĐTE tại Việt Nam làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ngoài những nguy cơ về sức khỏe và sự an toàn, những tác động tiêu cực của việc tham gia các hoạt động kinh tế còn ảnh hưởng đến việc đi học của trẻ. Khi mức độ tham gia các hoạt động kinh tế của các em càng tăng thì tỉ lệ trẻ được đến trường càng giảm. So sánh với tỉ lệ đi học bình quân trên toàn quốc là 94,4% thì chỉ có một nửa số LĐTE được đi học (dù tỷ lệ LĐTE được đi học là 63%, tăng so với cuộc điều tra lần thứ nhất là 43,6%).

“Trẻ em có quyền được giáo dục, được đi học. Nếu cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng con mình thì chúng ta đều có chính sách của nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện đóng góp để chăm sóc và nuôi dưỡng các em. Chúng ta có hệ thống Trung tâm bảo trợ xã hội ở khắp các tỉnh thành và có những chế độ, chính sách rất tốt để đảm bảo quyền lợi cho trẻ”, Cục trưởng Cục trẻ em nói. 

 LĐTE thường tồn tại ở các hộ kinh doanh cá thể, không chính thức, thuộc các chuỗi cung ứng nên rất khó phát hiện. Việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào thương mại toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải đảm bảo các chuỗi cung ứng của mình không sử dụng LĐTE để hội nhập thị trường toàn cầu. Cần sớm có những hành động để giảm thiểu tổn hại của đại dịch và các thảm họa thiên nhiên đang đe dọa những thành tựu đã đạt được trong công cuộc phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE và dẫn tới nguy cơ gia tăng số lượng các trường hợp LĐTE.

(TS CHANG HEE LEE, Giám đốc ILO tại Việt Nam)

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top