Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tìm bản chất nghệ thuật trong thiên nhiên

Thứ Sáu 25/09/2020 | 11:46 GMT+7

VHO- Ghi chép những khoảnh khắc thăng hoa của nhạc, xiếc bằng ngôn ngữ hội họa; tạo sự giao thoa trong tinh thần và tính thẩm mỹ qua những bản nhạc được tạo nên từ nhạc cụ làm bằng chất liệu thiên nhiên... là cách mà các thành viên nhóm Đàn Đó đem nghệ thuật đương đại tiếp cận với công chúng.

 Một tác phẩm bằng chất liệu màu đất của họa sĩ Nguyễn Đức Phương trong triển lãm

 Triển lãm “Đó là ở đâu - Đó là ở đây” đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA, Hà Nội với chủ điểm là hành trình nghệ thuật gần 10 năm qua của Đàn Đó, nhóm nghệ sĩ liên ngành gắn thực hành của mình cùng các yếu tố văn hóa bản địa.

“Đó là ở đâu - Đó là ở đây”

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2009, nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh, nghệ sĩ xiếc Đinh Anh Tuấn, Trần Kim Ngọc và Nguyễn Quang Sự gặp gỡ khi cùng tham gia trong chương trình xiếc tổng hợp Làng tôi. Ba năm sau, họ về nước và quyết định đi xa hơn cùng nhau. Xưởng làm việc ở Gia Lâm, Hà Nội trở thành nơi họ khám phá và phát triển bộ nhạc cụ chế tác từ vật dụng trong tự nhiên, chủ yếu là với tre. Có thể kể đến bộ trống chum, gồm chiếc chum gốm thường dùng hứng nước kết hợp với săm xe đạp, tạo thành một nhạc cụ gõ cho âm thanh trầm, vang; chiếc trống lợn tinh nghịch làm từ gốc tre, cho âm thanh “cộc”... Đặc biệt nhất là chiếc đàn đó được dùng cho tên nhóm, hình dáng giống chiếc đó đánh cá được làm từ thân tre, cho âm sắc trong, sáng; thân đàn làm từ cây mai già khoảng 15 tuổi, một loại tre mọc nhiều ở vùng Tây Bắc. Dây đàn cũng tết từ lớp vỏ tre mềm và dẻo dai, thứ vật liệu càng ngấm mồ hôi tay người chơi lại càng bền bỉ.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh cho biết, đàn đó là nhạc cụ nhưng nó có thể chơi ở bất cứ chỗ nào, nghệ sĩ có thể ngồi ngay dưới đất y như không gian dưới lũy tre sau buổi cấy, cày. Gần gũi với tự nhiên, quen thân với đời sống của người Việt cũng chính là hướng sáng tạo của nhóm Đàn Đó. Nhạc cụ tự chế là một nền tảng quan trọng để nhóm đẩy tiếp các thử nghiệm về chuyển động và hình thể, kết hợp chặt chẽ cùng các nhạc cụ bản địa từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến Nam Trung Bộ...

Trong giai đoạn tìm tòi, phát triển nhạc cụ, Đàn Đó có thành viên thứ năm: Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Đức Phương, viết lại công việc của nhóm bằng ngôn ngữ hội họa. Anh chia sẻ: “Suốt quá trình lao động nghệ thuật, tôi va chạm và sáng tạo bằng cách ghi chép theo ngôn ngữ riêng của mình. Khác với 4 thành viên còn lại, tôi không trực tiếp làm nên nhạc cụ, mà tìm tòi diễn tả âm thanh của thiên nhiên bằng đường nét và sắc màu”.

Thúc đẩy đa dạng sáng tạo

Xuyên suốt quá trình sáng tạo tập thể là sự truyền cảm hứng qua lại giữa nhạc và tranh. Không nhằm miêu tả, ghi chép đời thực, tranh của Nguyễn Đức Phương biểu đạt tinh thần khoáng đạt, hồn nhiên, dí dỏm của đàn đó. Đằng sau sự tái hiện không gian của làng quê Việt Nam là từng tầng nấc thời gian mà các nghệ sĩ đã trải qua để sáng tạo nghệ thuật. Như sắp đặt “Đó là ở đâu - Đó là ở đây” kể câu chuyện khởi đầu của chiếc đàn đó, bộ nhạc cụ bằng tre nhưng mang dáng hình của bốn chiếc đó cột lớn, mỗi chiếc dành cho một người chơi. Những chiếc đó cột sắp xếp như cổng tam quan, dẫn vào quần thể các phiên bản khác nhau của đàn đó: Đàn đó 1 dây, 2 dây, 3 dây, 9 dây rồi thành 5 dây là đúc kết của nhóm trong hiện tại, sau quá trình lao động sáng tạo miệt mài...

Xuất phát từ yếu tố tự nhiên mà nhóm Đàn Đó theo đuổi trong nghệ thuật, nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương cũng tìm cách biểu đạt hội họa thông qua chất liệu tự nhiên. Trong môi trường âm nhạc của Đàn Đó, Phương tìm về đất như một cách đặt lại vấn đề, màu sắc được nghiền từ đất đá của các vùng miền ở Việt Nam. “Với tôi, đất là linh hồn, nuôi dưỡng các miền văn hóa. Chúng ta đang sống và tồn tại trên quả đất, mỗi vùng miền đều có thổ nhưỡng đặc trưng, vô hình trung tạo nên tính cách của các miền văn hóa. Chính điều này thôi thúc tôi nhìn nhận, khám phá và thử nghiệm đất như một thực hành trong những sáng tác của mình”.

Có thể nhận thấy, đằng sau một không gian sáng tạo có chung đường hướng, mỗi nghệ sĩ lại tìm ra cho mình một dấu ấn sáng tạo riêng. Theo nghệ sĩ thị giác Nguyễn Đức Phương, đó là hành trình liên tục tạo ra cái mới, xa hơn câu chuyện của sắc màu và âm thanh là câu chuyện của văn hóa, lịch sử, của tự nhiên và lao động nghệ thuật. Còn nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh thì coi đó là sự “cho phép tối đa” sức tưởng tượng, để dẫn dắt mọi người về một thanh âm hàm chứa giá trị thẩm mỹ. Nhưng có lẽ, cách thức sáng tạo, lao động nghệ thuật của Đàn Đó cũng đặt ra một vấn đề khác trong thực hành nghệ thuật đương đại, bằng sự tìm về bản chất nghệ thuật ở trong thiên nhiên, lấy đó làm giao điểm để thúc đẩy đa dạng sáng tạo. Nói như nghệ sĩ Nguyễn Quang Sự: “Chúng tôi mỗi người có một ký ức, dấu ấn nghề nghiệp riêng, dù cùng thuộc về nghệ thuật. Chúng tôi chỉ có thể gắn kết bằng cách cùng nhìn về một hướng, cùng nhìn về một giá trị thẩm mỹ, nuôi dưỡng ngọn lửa chung và trân trọng cái đã sẵn có trong mình”. 

 NGỌC HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top