Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đợi chờ những tác phẩm điện ảnh xứng tầm

Thứ Tư 23/09/2020 | 10:30 GMT+7

VHO- Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ IX đã ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025 với 15 thành viên. Sau hơn hai thập kỷ thực hiện chính sách xã hội hóa, ngành điện ảnh đã huy động nhiều nguồn lực tham gia vào hoạt động sản xuất, phát hành...

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các nghệ sĩ điện ảnh tại Đại hội Ảnh: ANH BẰNG

 Tuy nhiên, dòng phim thị trường, thương mại vẫn đang chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống điện ảnh nước nhà.

Thiếu tác phẩm mang hơi thở cuộc sống

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, bước vào thời kỳ Đổi mới, nền điện ảnh nước nhà đối diện với nhiều thách thức và cũng đứng trước những cơ hội chưa từng có. Bằng trách nhiệm, trí tuệ và lòng yêu nghề, các thế hệ nghệ sĩ đã và đang nỗ lực vượt qua gian khó, vượt lên chính mình để nền điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển và đạt được thành tựu rất đáng trân trọng.

Bên cạnh những bộ phim được Nhà nước hỗ trợ, đã có một số lượng khá lớn các tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng nhu cầu giải trí của đông đảo khán giả, từng bước cạnh tranh với dòng phim ngoại nhập. Đã xuất hiện không ít tác phẩm dần tạo thành một trào lưu phim mới (độc lập, phim tác giả) với những đổi mới có tính đột phá về nội dung đề cập và phong cách thể hiện. Môi trường hoạt động nghệ thuật ngày càng thông thoáng đã thu hút được không ít đạo diễn, nghệ sĩ định cư ở nước ngoài về làm nghề ở Việt Nam… Thời gian gần đây, nhiều bộ phim truyền hình dài tập đã gây được tiếng vang, thu hút được đông đảo khán giả theo dõi, yêu thích.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại như: Thiếu những tác phẩm lớn mang tầm vóc dân tộc, thời đại; thiếu tác phẩm hấp dẫn đáp ứng yêu cầu đa dạng của công chúng nhưng vẫn mang tính định hướng và giá trị nghệ thuật cao… Sau hơn hai thập kỷ thực hiện chính sách xã hội hóa, ngành điện ảnh đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia vào hoạt động sản xuất, phát hành phim điện ảnh, phim truyền hình. Tuy nhiên, dòng phim thị trường, thương mại do tư nhân sản xuất đang chiếm vai trò chủ đạo trong điện ảnh Việt Nam. Hiện nay, hiếm nhà sản xuất tư nhân đầu tư cho những đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, hiện thực xã hội, nhân sinh…

Việc tập trung khai thác những đề tài thuần giải trí và đậm tính thương mại hướng tới phục vụ đối tượng khán giả chủ yếu là thanh thiếu niên đô thị. Phim tư nhân dường như đang xa rời chức năng giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và những tư tưởng, thẩm mỹ đẹp cho công chúng, đặc biệt là tuổi trẻ. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, phát hành phim đã có những năm tháng đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong bước chuyển sang cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tự chủ. Do mất dần đi sự hỗ trợ của Nhà nước, dòng chảy điện ảnh thời gian qua có lúc đứt gãy bởi thiếu vắng mảng phim đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cảnh báo nguy cơ điện ảnh bị “nghiệp dư hóa”. Nguy cơ đó là có thật. Số lượng phim điện ảnh, phim truyền hình về đề tài chính luận còn hạn chế. Những phim về đề tài lịch sử phần nhiều còn chưa thoát được khuôn sáo. Không ít phim mang tính giải trí còn đặt quá nặng mục tiêu thương mại. Khâu quảng bá phát hành chưa được chú trọng đúng mức. Lý luận phê bình điện ảnh cũng chưa có nhiều nghiên cứu mang tính mở đường.

Mong chờ giải pháp vực dậy một nền điện ảnh

Liên quan tới Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê (Hà Nội), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không thể duy trì mãi một Hãng phim xập xệ như thế, nhưng chúng ta không được phép quên nó. Ông cũng cho rằng, việc ở Hãng phim số 4 Thụy Khuê để giải quyết phải thực hiện từng bước và chắc sẽ có những vết thương để lại sẹo. “Trách nhiệm này là của tất cả chúng ta. Làm sao để vết sẹo ấy được liền da, để “cơ thể điện ảnh” khỏe mạnh lại và vươn lên theo một cách mới...”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Một số bất cập, tồn tại khiến cho điện ảnh Việt khó có thể cất cánh cũng đã được thẳng thắn nhìn nhận. Chủ tịch Hội nhiệm kỳ VIII, NSND Đặng Xuân Hải thừa nhận sự tắc nghẽn của dòng phim chủ đạo do các đơn vị có vốn nhà nước sản xuất đã mất dẫn sự hỗ trợ. Vì thế, không mấy phim có khả năng truyền tải tư tưởng nhân văn và thẩm mỹ tích cực mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam được sản xuất. Phim truyền hình có sự tiến bộ rõ rệt, nhưng phần lớn chạy theo chủ đề chiều thị hiếu, bỏ qua mảng đề tài lịch sử, kháng chiến, thiếu nhi, miền núi, biển đảo. Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Hữu Thỉnh chia sẻ: “Một nhà văn có thể tự thực hiện một tác phẩm lớn. Một họa sĩ cũng có thể tự hoàn thành tác phẩm lớn. Nhưng với một nền điện ảnh, một tài năng lớn không thể làm được mà phải có một tập thể có tài năng, phải có một trung tâm điện ảnh lớn mới làm nên được tác phẩm tầm vóc...”.

Sau 3 ngày làm việc, Đại hội đã kết thúc với việc ra mắt Ban Chấp hành mới, song vì chưa chọn được các vị trí lãnh đạo, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh khóa VIII tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch cho tới khi Ban Chấp hành khóa mới bầu ra người kế nhiệm.

Giải pháp vực dậy nền điện ảnh không thể trông chờ vào 15 cá nhân gánh vác công tác Hội. Dù thế, giới nghề có thể phần nào nhẹ nhõm vì có nhiều gương mặt trẻ trúng cử và tái đắc cử. Nghệ sĩ điện ảnh Quyền Linh với số phiếu tín nhiệm cao, chia sẻ: “Đó là niềm vui nhưng cũng là trách nhiệm với cá nhân tôi. Đại hội Hội Điện ảnh qua các nhiệm kỳ gần như đều thiếu sự tham gia của các nghệ sĩ điện ảnh. Năm nay có Mai Thu Huyền, Công Hậu... Hy vọng những nhân tố trẻ sẽ góp thêm tiếng nói, giúp cho điện ảnh Việt Nam ít nhiều khởi sắc”. 

 HOÀNG NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top