Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Biết Di sản địa chất vẫn xây chòi ngắm cảnh

Thứ Hai 21/09/2020 | 11:41 GMT+7

VHO- Mặc dù đã biết quá rõ vùng đá địa chất triệu năm nằm trong di sản thiên nhiên thuộc Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn cứ “vô tư” xâm phạm, xây dựng điểm dừng chân cho du khách.

 Nhà vòm là điểm dừng chân trên cánh đồng Dung Nham ở đảo Bé được xây dựng băng bê tông trên bãi đá nham thạch triệu năm

 Trên cánh đồng Dung Nham phía đông bãi Hang tại đảo Bé (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), một công trình phục vụ cho điểm dừng chân mới, kiên cố vừa được thi công hoàn thiện. Điểm dừng chân là vòm nhà xây dựng trên diện tích khoảng 20m2, với bốn trụ bê tông trắng cao 1,5m và mái vòm lợp bằng ngói. Điểm dừng chân được xây dựng kiên cố, trực tiếp “cắm xuống” bãi đá nham thạch có niên đại hàng triệu năm thuộc Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Nhiều khối đá nham thạch hình thành từ hoạt động núi lửa triệu năm trên đảo Bé bị đào bới để xây dựng điểm dừng chân mới. Bên cạnh vòm nhà mới xây, nguyên vật liệu và vật dụng thi công nằm ngổn ngang, bừa bãi.

Thường xuyên đưa đón du khách sang đảo Bé tham quan, anh Nguyễn Văn Thịnh (một người dân địa phương) cho biết, nhu cầu tham quan, dừng chân ngắm cảnh của người dân, du khách là cần thiết. Tuy nhiên, bãi đá nham thạch trên cánh đồng Dung Nham là cảnh quan đẹp, vị trí ưa thích thưởng lãm bị đào xới, xây dựng là không phù hợp. “Du khách họ đến bãi đá này nhiều lắm vì nó hoang sơ, đẹp tự nhiên. Bây giờ xây thế này thì bê tông mới mọc lên hơi kỳ. Lẽ ra nên xây xa và tránh xây trên bãi”, anh Thịnh cho biết. Theo phương án ban đầu, huyện đảo Lý Sơn sẽ xây bốn điểm dừng chân trên đảo Bé. Tuy nhiên các ngành chức năng chỉ đồng ý chọn và xây dựng hai điểm dừng chân gồm điểm dừng chân Mom Tàu tham quan toàn cảnh bãi Mom Tàu và nhìn sang đảo Lớn, điểm dừng chân tại cánh đồng Dung Nham. Tất cả đều thuộc phạm vi bảo vệ của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Hai công trình nhà vòm làm điểm dừng chân đều do Trung tâm Truyền thông Văn hoá thể thao huyện Lý Sơn làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 1,2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách huyện, tổng diện tích công trình 75m2 và hoàn thành trong năm 2020. Hiện nhà vòm điểm dừng chân ở Mom Tàu cũng được xây dựng kiên cố và đang hoàn thiện.

 Điểm dừng chân ở Mom Tàu, đảo Bé được hoàn thiện Ảnh X.T

Để xây dựng các công trình trên, Huyện uỷ Lý Sơn đã có ý kiến thống nhất và yêu cầu điều chỉnh, hoàn thiện phương án thiết kế dự án; chọn địa điểm phù hợp theo hướng chọn vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, hạn chế xây dựng bê tông và tuyệt đối không được tổn hại đến cảnh quan và di tích trên đảo. Tuy nhiên trên thực tế, công trình bê tông kiên cố đã phá vỡ cảnh hoang sơ, kỳ vỹ triệu năm của vùng địa chất thiên nhiên nổi tiếng ở đảo Lý Sơn, gây bức xúc cho người dân bản địa và du khách.

Theo báo cáo của chủ đầu tư và UBND huyện Lý Sơn, đối với vị trí xây dựng công trình và vật liệu thi công, trước khi triển khai xây dựng đơn vị cũng như chính quyền đều có xin ý kiến với sự thống nhất của Sở VHTTDL Quảng Ngãi. Theo đó, xuất phát từ điều kiện khí hậu, thời tiết tại xã An Bình, ý kiến của Sở VHTTDL, UBND huyện thống nhất chủ trương xây dựng 2 điểm dừng chân tại xã An Bình theo vị trí trên. Đồng thời cho rằng nếu xây dựng hoàn thành công trình bằng gỗ thì tuổi thọ dự án không bền, tốn kém kinh phí để duy tu, sửa chữa hằng năm. Vì vậy, công trình xây dựng bằng bê tông, phần trụ lợp bằng ngói giả gỗ, gắn vỏ ốc, sò trên má; trụ sơn giả gỗ, xung quanh chân áp gỗ, ghế ngồi cố định tại chòi được làm bằng gỗ để thân thiện với thiên nhiên, môi trường.

Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận: “Chúng tôi thật sự thấy cũng chưa phù hợp. Nếu có điều kiện xây nữa thì nên dịch chuyển vào bên trong đường đi hiện tại. Huyện sẽ chỉ đạo Trung tâm Truyền thông văn hoá thể thao đề nghị đơn vị thi công xây dựng sớm hoàn thiện, điều chỉnh làm sao tạo thân thiện với môi trường, giảm bớt vật liệu bê tông”. 

 Hôm 19.9, nhiều người dân ở đảo Lý Sơn gọi điện và gửi vô số ảnh công trình cho tôi để phản ánh việc chính quyền xây dựng công trình “lầu vọng cảnh” làm huỷ hoại nham thạch hàng triệu năm. Xem xong ảnh tôi thực sự rất buồn và không thể lý giải được vì sao họ lại làm thế. Nhiều nhà khoa học quốc tế đánh giá rất cao giá trị của Công viên địa chất ở Lý Sơn bởi rất hiếm quốc gia có được như thế.

Tôi có thể khẳng định, việc đặt dựng, cắm sâu những công trình đó vào đây tất sẽ phá vỡ không gian, cảnh quan và giá trị địa chất. Điều này còn ảnh hưởng cả những vấn đề lớn sau này...

(Một chuyên gia xin không nêu tên)

 

NAM MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top