Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chuyện chưa kể từ tâm bão số 5

Thứ Bảy 19/09/2020 | 08:30 GMT+7

VHO-“Còn cách bờ bao nhiêu hải lý…?”, đó là thông tin từ đất liền dồn dập điện cho các ngư dân trên tàu cá TH 92079 TS vào tối ngày 17.9. Vì sáng sớm hôm sau bão số 5 (tên quốc tế là Noul)  sẽ đổ bộ vào đất liền. Ở ngay tâm bão mới cảm nhận hết cuộc chạy đua trước giờ bão tới.

Sau cơn gió đầu thổi mạnh như một vòi rồng đang cố nhấc bổng mọi thứ và khuấy đảo cả không gian là những luồng gió giật. Nhiều bảng biển quảng cáo nằm dọc quốc lộ 49 ở cửa biển Thuận An (TP Huế) bị bẻ gập xuống đất như một thân cây bị đốn hạ, những mái tôn của nhiều ngôi nhà nằm bên sông bắt đầu bay lượn như chim. Cơn gió thổi từ hướng đông vào vừa ngớt thì một luồng gió quật ngược trở lại, khiến nhiều mái nhà tiếp tục bị nhấc mái, đổ ập xuống đất. Đó là cảnh tượng diễn ra ngay tại vùng tâm bão khi gió vừa từ biển ập vào đất liền vào sáng ngày 18.9.

Tôn bay lả tả trong bão và mắc trên đường dây điện

Thừa Thiên Huế trước giờ bão số 5 đổ bộ, từng cơn mưa thỉnh thoảng lại ập xuống. Bão sẽ quét một vùng rộng từ tỉnh Quảng Bình vào tới Quảng Ngãi. Nhưng tâm bão sẽ nằm ở Đà Nẵng, hay Thừa Thiên Huế? Đi dọc các tỉnh miền Trung trước bão, tôi quyết định đón bão tại cửa biển Thuận An, nơi từng có trận siêu bão cũng đổ bộ cùng ngày này khiến nhiều người chết. Nhưng sau 35 năm, các hồ chứa tại Thừa Thiên Huế đã được cải tạo, giữ nước ở dưới mức mực nước chết, nên sẽ không xảy ra thảm họa kép, sau bão là lụt lội. 

Tối ngày 17.9, tôi có mặt tại Trạm kiểm soát biên phòng Thuận An. Lúc 20 giờ, một bóng tàu cá lướt qua cửa biển cùng với ánh nhập nhòa và tiếng mưa gió át đi âm thanh của máy tàu. Anh em biên phòng trực ở trạm cho biết “3 chiếc cuối cùng, vào được 2 rồi, còn 1 chiếc nữa”. Đó cũng là giây phút chờ đợi. nghe ngóng tin tức của con tàu cuối cùng. Các ngư dân đi trên tàu TTH 92079 TS điện thoại cho biết, tàu đang chạy hết ga, hết số, tốc độ 8 hải lý/giờ và sắp vào tới cửa biển.

Trước giờ bão đổ bộ ở cửa biển Thuận An

Ra vào cửa biển Thuận An là một thử thách nghiệt ngã đối với các thuyền trưởng, kể cả những người có thâm niên. Bởi vì trước cửa biển này có những đụn cát ngầm và thường xuyên thay đổi vị trí. Các ngư dân phải vừa đi, vừa thăm dò máy đo độ sâu, quan sát nước, lựa lúc thủy triều lên cao thì tàu mới vào bờ an toàn. Vào thời khắc bão đuổi theo sau lưng, nếu chỉ cần một sự cố nhỏ thì con tàu sẽ bỏ xác và ngư dân phải bỏ của để giữ mạng sống. Nhưng may mắn là đến 21 giờ, con tàu này đã vào bến an toàn.

Sáng ngày 18.9, tại cửa biển Thuận An phủ đầy mây vần vũ. Trước giờ bão đổ, mây trên bầu trời trôi rất nhanh, chao lượn tứ phía, trông giống như trước cửa địa ngục. Tại các bãi neo đậu tàu thuyền nằm cạnh quốc lộ 49, các ngư dân tranh thủ neo lại tàu thuyền. Vào giờ phút đó, chỉ còn biết nhìn ngọn cây dương liễu để đoán biết khi nào thì gió bất đầu ập đến để còn kịp chạy vào vị trí an toàn để trú ẩn. Đến 8 giờ 30 phút, gió bắt đầu rung giật từng hồi dài. Những cây dương liễu già cỗi, thân cây to một người ôm không xuể bắt đầu đổ gục và gãy ngang thân.

Dương liễu là loại cây thường trồng ven biển để chắn gió, chắn cát. Loại cây này chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt, đối đầu được với những cơn bão lớn. Nhưng vào thời điểm bão đổ bộ thì mới hiểu rằng, loại cây này để tồn tại thì cũng phải chịu trận bao nhiêu lần bị bẻ, xoắn. Khi vừa đi vào một ngõ dài nằm giữa rừng dương để tìm đường chạy bão thì nghe xung quanh tràn ngập âm thanh răng, rắc như có nhiều cây đang bị gãy gập. Âm thanh này to hơn cả tiếng gió thổi, nghe thật kỳ lạ. Nhưng sau khi bão tan thì mới hiểu rằng, cây dương liễu bị gió bẻ xoắn, nứt nẻ dọc thân. Vết thương này phải mất một thời gian khá lâu thì cây mới bình thường trở lại.

Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn BP cửa khẩu Cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế cùng ban chỉ huy đồn đi kiểm tra hiện trường và cho biết, lúc 21 giờ đêm qua, tàu cuối cùng vào được bến là tàu mang số TTH 92079 TS mới vào đất liền, 353 tàu cá của thị trấn Thuận An đều vào nơi an toàn trước bão. Đi cùng đoàn kiểm tra, chúng tôi suýt bị mắc kẹt giữa đường vào sáng 18/9, vì dương liễu đổ trước đầu xe, dây điện ngổn ngang khắp đường, xe phải bò ra phía đường biển. Đó là giờ phút mọi người đều nín thở.

Bão vừa tan, người dân mang cưa và bộ đội biên phòng đưa quân đi dọn dẹp cây ngã đổ dọc đường. Chỉ sau 2 giờ, quốc lộ 49 đã khơi thông trở lại. Sau bão,  mặt hàng đắt đỏ nhất ở khắp thành phố Huế, đó là tấm lợp tôn xi măng. Nơi nào cũng cháy mặt hàng tôn và cây gác để lợp lại mái nhà. Một số người dân cho biết, “giá bán vẫn như cũ, gần 50.000 đồng/tấm, chừ không ai nỡ lòng lợi dụng sau bão mà lại tăng giá tôn xi măng làm chi”.

                                                                    LÊ VĂN CHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top