Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Kịch bản phim truyện điện ảnh: "Thực sự đáng lo ngại"

Thứ Tư 16/09/2020 | 10:49 GMT+7

VHO- Chia sẻ tại lễ phát động cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành bộc bạch: “Trong rất nhiều cái khó của Điện ảnh Việt Nam hiện nay, cái khó thiếu kịch bản phim hay, độc đáo đã đến mức báo động. Gần đây, một số đơn vị sản xuất phải đi lấy cốt truyện, kịch bản phim của nước ngoài để Việt hóa cho phim nội địa. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại”.

 “Truyền thuyết về Quán Tiên” bộ phim Nhà nước đặt hàng thời gian gần đây

 Mong muốn mở rộng đề tài, Cục Điện ảnh đưa ra tiêu chí hướng đến các giá trị “nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt”, nhưng mục tiêu chính của cuộc thi vẫn là tạo nguồn kịch bản sản xuất phim nhà nước đặt hàng giai đoạn 2021-2025 phục vụ các ngày lễ lớn.

Căn bệnh trầm kha về kịch bản

Hiếm kịch bản tốt, thiếu vắng phim hay là căn bệnh kéo dài của điện ảnh nước nhà. Phim remake từ kịch bản nước ngoài ngày càng khiến điện ảnh Việt Nam mất đi bản sắc, thiếu dấu ấn. Cuộc thi hiếm hoi này vì thế được trông đợi sẽ cứu vãn tình thế “èo uột” chưa có thuốc đặc trị lâu nay. Ông Vi Kiến Thành chia sẻ, kịch bản là bước đầu tiên trong quá trình sáng tạo một tác phẩm điện ảnh. Một bộ phim hay phải bắt đầu từ một kịch bản có ý tưởng hấp dẫn, nội dung phong phú. “Phải chăng chúng ta thiếu lực lượng các nhà biên kịch tài năng, hay thiếu những nhà sản xuất có “con mắt xanh” để phát hiện ra những kịch bản hay, hấp dẫn, là tiền đề để có được những bộ phim sâu sắc về nội dung tư tưởng và hấp dẫn khán giả? Câu hỏi này chắc sẽ còn ám ảnh những người làm điện ảnh và tâm huyết với điện ảnh Việt Nam trong một thời gian nữa...”, theo ông Vi Kiến Thành.

Năm 2010, hai kịch bản dự thi được giải và đưa vào sản xuất phim là Long Thành cầm giả ca Những người viết huyền thoại. Năm 2015, Cục tổ chức trại sáng tác và kịch bản Người yêu ơi của Đỗ Bích Thúy được giao cho Hãng phim truyện Việt Nam, nhưng vì những vấn đề liên quan đến công tác cổ phần hóa chưa được giải quyết, cho nên phim... vẫn nằm trên giấy.

Đầu năm 2020, Cục Điện ảnh đầu tư chiều sâu cho một số kịch bản phim truyện. Hai kịch bản được đưa vào diện Nhà nước đặt hàng là Hồng Hà nữ sĩ về bà Đoàn Thị Điểm và Phơi sáng về đề tài chống tham nhũng. “So với nhu cầu và đòi hỏi của sự nghiệp phát triển điện ảnh, hoạt động thi sáng tác kịch bản của Cục còn quá ít ỏi. Sau cuộc thi năm nay, tôi hy vọng sẽ giữ được nhịp độ hai năm thi một lần. Nếu không, tình trạng bết bát sẽ vẫn tiếp tục kéo dài”, Cục trưởng Vi Kiến Thành giãi bày.

Mong đợi những bộ phim “mổ xẻ” vấn đề đương đại

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã băn khoăn, với tiêu chí tạo nguồn kịch bản sản xuất phim nhà nước đặt hàng giai đoạn 2021-2025, phục vụ các ngày lễ lớn, phải chăng lại tái diễn tình trạng “bình mới rượu cũ”?! Ông Vi Kiến Thành giải thích, đây là cuộc thi có chủ đề rộng mở, ngoài các nội dung truyền thống lâu nay mà phim nhà nước đặt hàng vẫn chú trọng như đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc, thiếu nhi..., BTC mong đợi nhận được tác phẩm mổ xẻ vấn đề của cuộc sống đương đại, về văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.

Cuộc thi được đội ngũ các nhà biên kịch, nhà sản xuất phim đón nhận như một làn gió mát lành. Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc đánh giá việc tổ chức cuộc thi là nỗ lực đáng khích lệ. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhắc lại tinh thần của Bác Hồ từng nói, “làm tuyên truyền phải có nghệ thuật, làm nghệ thuật cũng đừng quên tuyên truyền”. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều phim chiến tranh cách mạng của ta vẫn chưa có tác phẩm xứng tầm, phần lớn lại tụt hậu so với điện ảnh thế giới.

Từng làm phim đặt hàng về đề tài chiến tranh Những người viết huyền thoại, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng, không phải cứ làm phim về chiến tranh cách mạng mới đạt nhiệm vụ chính trị, bởi tác phẩm động chạm tới vấn đề nóng của xã hội đã xứng với tiêu chí này rồi. Đạo diễn băn khoăn, nếu kịch bản hay mà làm phim không đạt thì cũng chẳng để làm gì. Trước cảnh chi phí đặt hàng bị cắt xén cho mục tiêu nuôi Hãng phim, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đề xuất việc cần yêu cầu Hãng phim cam kết chất lượng và có cơ chế giám sát. Nếu buông lỏng thì việc thi chọn kịch bản cũng vô nghĩa.

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn lại nêu lên một mối lo ngại chung: “Kịch bản điện ảnh khác với tác phẩm văn học, nhiều tác phẩm đọc xong mà không hiểu nội dung nói lên điều gì. Gửi kịch bản dự thi mà không biết ai đọc, đọc như thế nào. Tác giả nên tóm tắt tác phẩm để người chấm nắm được tinh thần chung...”.

Ở một góc độ khác, đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang đề cập đến một vấn đề thường có nhiều tác động đến nội dung của kịch bản phim. Bà hy vọng có được những vị giám khảo cởi mở để đón nhận quan điểm mới, tư tưởng mới, thay vì lúc nào cũng sợ “nhạy cảm”. “Phim có vấn đề mới là phim hay. Chẳng hạn, nên đổi mới tư duy làm phim đặt hàng, phim chiến tranh ngày nay nên bớt ca ngợi đơn thuần đi. Nhiều trường hợp chỉ được đề tài tốt mà câu chuyện thì nhạt, nhân vật thì sơ lược và nghệ thuật kịch bản chưa tới cũng được đưa vào giải”, NSND Nhuệ Giang nói.

Ở góc độ này, Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận xét, phần lớn các nhà làm phim đang hiểu phim đặt hàng là phim tuyên truyền thay vì tác phẩm nghệ thuật có yếu tố tuyên truyền. Điện ảnh hiện vẫn nặng nề nhiệm vụ chính trị, vì vậy mới có tình trạng phim làm ra không có khán giả. 

  Kịch bản phim tham gia cuộc thi có độ dài từ 90-120 phút phim, mỗi tác giả gửi tối đa hai tác phẩm. Kịch bản là sáng tác mới, chưa trình thẩm định tại Cục Điện ảnh, chưa tham gia bất kỳ cuộc thi nào và chưa được sản xuất phim. Đối với kịch bản chuyển thể thì tác giả phải gửi kèm xác nhận chứng minh hợp pháp về bản quyền tác giả. Cục Điện ảnh khuyến khích kịch bản kèm theo phương án xã hội hóa nguồn vốn sản xuất và phát hành. BTC nhận kịch bản dự thi từ ngày phát động 14.9 đến hết 1.11.2020.

 BẢO VY, ảnh: M.HOÀNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top