Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

75 năm Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Đúc kết và nâng sức mạnh truyền thống dân tộc lên một tầm cao mới

Thứ Tư 02/09/2020 | 09:44 GMT+7

VHO_ Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, ngày 1.9, NXB Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học 75 năm bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội ngày 2.9.1945 Ảnh: TƯ LIỆU

Hội thảo đã phân tích, đánh giá, làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản về: Bối cảnh ra đời và nội dung cơ bản của Tuyên ngôn Độc lập, Giá trị lý luận và thực tiễn của Tuyên ngôn Độc lập. Các tham luận khẳng định, Tuyên ngôn Độc lập là sự khẳng định thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Kế thừa những thành tựu của văn minh nhân loại, Tuyên ngôn Độc lập đã tiếp cận quyền dân tộc từ quyền con người, thể hiện trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Trên cơ sở khẳng định quyền tự nhiên, cơ bản của con người, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định các dân tộc có quyền được độc lập, tự do và hạnh phúc, đây là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc. Tuyên ngôn Độc lập là bản cáo trạng đanh thép đối với chính sách tàn bạo của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam. Dưới ách áp bức thực dân và phong kiến, đời sống của nhân dân Việt Nam vô cùng cơ cực, lầm than. Dân tộc Việt Nam đã đứng lên đấu tranh giành độc lập, đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh và thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng nhà nước và pháp luật của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập thể hiện rõ giá trị nhân văn sâu sắc. Đó chính là định hướng để xây dựng nhà nước kiểu mới ở Việt Nam- nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Tuyên ngôn Độc lập, các tham luận nhấn mạnh, Tuyên ngôn Độc lập là sự tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hun đúc và tạo dựng nên những giá trị văn hóa tốt đẹp, nổi bật là chủ nghĩa yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, tinh thần đoàn kết, nhân văn, nhân ái. Tuyên ngôn Độc lập đã đúc kết và nâng sức mạnh truyền thống dân tộc lên một tầm cao mới, tạo sức mạnh, động lực cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành và giữ vững độc lập dân tộc, giữ vững thành quả cách mạng mà bao thế hệ đã từng hy sinh máu xương để giành được.

Tuyên ngôn Độc lập là bản tổng kết giá trị cao quý về quyền con người, quyền của các dân tộc trên thế giới. Trên cơ sở Tuyên ngôn Độc lập của cách mạng Mỹ (1776) và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp (1789), Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cơ sở công pháp quốc tế, chân lý của nhân loại mà không ai có thể vi phạm được. Bản Tuyên ngôn là kết tinh và thể hiện tập trung sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh. Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, tìm ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, 75 năm đã trôi qua, bản Tuyên ngôn Độc lập- văn kiện pháp lý đặc biệt quan trọng, kết tinh giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và tinh hoa thời đại, vẫn vang vọng mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại; vẫn mang sức sống mãnh liệt và có giá trị trường tồn, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa ngày nay.

“Kế thừa và phát huy những giá trị to lớn của Tuyên ngôn Độc lập, trong bối cảnh mới của đất nước và thời đại, Đảng ta, nhân dân ta, dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội- ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau”; tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, PGS.TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh. 

 HÀ PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top