Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên: Công trình nghệ thuật ý nghĩa giữa Thủ đô gió ngàn

Thứ Hai 31/08/2020 | 11:21 GMT+7

VHO- Tại buổi nghiệm thu của Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) đối với chất lượng phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” vừa diễn ra cuối tuần qua, công trình đã được các chuyên gia, họa sĩ, nhà điêu khắc đầu ngành đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, qua đó đã khắc họa sinh động và chân thực hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc, đồng thời bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và tri ân của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đối với vị Đại tướng của nhân dân.

 HĐNT đánh giá cao những hình ảnh chạm nổi khắc họa nét đặc thù bản sắc văn hóa Thái Nguyên

 Phù điêu là hạng mục quan trọng trong dự án xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp tại TP Thái Nguyên. Đây là một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025), được tổ chức nghiệm thu nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.

Tiếng lòng tri ân từ Thủ đô Gió ngàn

Sau hơn 3 năm triển khai, phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên được đánh giá về đích đúng tiến độ, chất liệu và chất lượng nghệ thuật tốt. Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch HĐNT nhấn mạnh, đây là công trình nghệ thuật có dấu ấn sâu sắc trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, đây là cụm phù điêu mang giá trị giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, là tiếng lòng tri ân của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với vị Đại tướng của nhân dân.

Hai khối phù điêu bằng chất liệu đá xanh, với 4 mặt được thiết kế công phu, được xây dựng hai bên quảng trường mang tên Đại tướng, chính giữa là cột cờ Tổ quốc. Công trình có chiều cao 9,8m, trong đó phần thể hiện nội dung là 9m, chiều dài 37m. Khối phù điêu thứ nhất gồm hai mặt: mặt trước có chủ đề: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, với các hình ảnh khắc họa gồm: Việt Nam giải phóng quân được thành lập trên cơ sở hợp nhất Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân; tình quân dân; Đại tướng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại ATK Định Hóa; Đại tướng chúc mừng, động viên lực lượng phòng không không quân sau chiến thắng đợt tiến công lần thứ 3, đánh chiếm cứ điểm đồi A1; hình ảnh cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm Tướng Đờ- cát. Mặt sau phù điêu với chủ đề “Văn hóa Thái Nguyên”, khắc họa những nét văn hóa tiêu biểu nơi quê hương cách mạng, với hình ảnh hồ Núi Cốc, múa lân sư rồng, hát then của dân tộc Tày, lễ hội Lồng tồng và một số hoạt động trong lễ hội.

Ở bức phù điêu bên phải, mặt trước có chủ đề “Thái Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển” với các hình ảnh khắc họa: Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp; mảng công nghiệp, khoa học kỹ thuật; khối đại đoàn kết các dân tộc; khối y tế - giáo dục, sản xuất nông - lâm nghiệp… Mặt sau cũng với chủ đề văn hóa Thái Nguyên, diện mạo đặc trưng của vùng đất giàu bản sắc được khắc họa qua những lát cắt như văn hóa trà, hát Soọng cô của người Sán Dìu, múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay; múa Rối của dân tộc Tày, lễ hội cấp sắc của dân tộc Dao và nhiều hình ảnh văn hóa, kiến trúc nhà sàn, nét đẹp văn hóa sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch HĐNT khẳng định, phù điêu đã thể hiện thành công những nội dung, câu chuyện, hình tượng, đặc biệt là nhân vật trung tâm-Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở các giai đoạn lịch sử, thời điểm khác nhau. Bên cạnh đó, những sắc thái văn hóa đặc thù của Thái Nguyên, không trộn lẫn với các vùng miền, tỉnh thành khác cũng đã được thể hiện chân thực, sinh động trên những hình khối, đường nét phù điêu. Công trình được HĐNT thống nhất đánh giá đảm bảo tính mỹ thuật cao, đáp ứng được nội dung, yêu cầu đề ra.

 Khối phù điêu Thái Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển với hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được khắc họa chân thực, sinh động

Tính đặc thù rõ nét

Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ngân, thành viên HĐNT “bật mí”, để có được hình hài bức phù điêu hôm nay, nhóm tác giả đã rất kỳ công nghiên cứu, tạo hình, chỉnh sửa nhiều lần để khắc họa cho ra thần thái của các nhân vật, cụm nhân vật, đặc biệt là hình tượng Đại tướng, hay những nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Chỉ riêng việc nghiên cứu, thể hiện hồn cốt của văn hóa, con người Thái Nguyên để đưa vào ngôn ngữ điêu khắc cũng cho thấy những công phu, tỉ mỉ này. Chẳng hạn như để khắc họa chính xác động tác tung còn trong lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, Nùng; di sản hát then, múa lân sư rồng…, nhóm tác giả đã nhiều lần tới Bảo tàng để tìm tư liệu. Giờ đây, khi nhìn vào các mặt phù điêu đều có thể nhận ra sắc thái văn hóa truyền thống của vùng đất Thái Nguyên qua từng đường nét, hình khối.

Nhiều năm nghiên cứu văn hóa các dân tộc trên địa bàn, bà Ngân bày tỏ sự hài lòng khi chứng kiến việc chuyển hóa những động tác “mềm” ngoài đời thực vào ngôn ngữ phù điêu. Cụm tác phẩm đã ghi lại dấu ấn lịch sử, văn hóa và sự phát triển của một thành phố qua những thời kỳ, với nhiều đổi thay, đặc biệt với tên gọi gắn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặt trên Quảng trường mang tên Đại tướng, người đã có công rất lớn đối với nhân dân vùng Việt Bắc và với Thái Nguyên. “Bởi vậy, hơn tất cả những gì muốn nói, công trình là sự tri ân thế hệ hôm nay đối với thế hệ đi trước, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử di sản văn hóa dân tộc…”, bà Ngân khẳng định.

NĐK Vương Học Báo chia sẻ, đồng hành với công trình từ những ngày đầu tiên, ông rất thích cảm giác được chứng kiến sự thành hình đầy thuyết phục của những mảng chạm nổi thể hiện được tinh thần, tình cảm của nhân dân đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội. “Đá cứng nhưng những gì thể hiện được lại rất mềm, đi vào lòng người đầy rung động. Đây là phù điêu chất lượng nghệ thuật tốt hàng đầu của điêu khắc Việt Nam hiện nay. Những câu chuyện lịch sử được khắc họa rất hợp lý, hài hòa. Các nhân vật được mô tả mang tính khái quát cao, gợi không khí của những thời kỳ lịch sử khó quên…”, NĐK Vương Học Báo nhận định.

NĐK Lưu Danh Thanh cũng cho biết: “Bức phù điêu đã khắc họa rất thành công hình tượng những nhân vật tiêu biểu cho những giai đoạn lịch sử cách mạng Việt Nam, cùng với chân dung Đại tướng được khắc họa thần thái, chân thực là hình ảnh khái quát hóa về những con người Việt Nam mộc mạc, chân thành, một không khí đặc thù trên những mảng phù điêu này dường như đã đưa chúng ta trở về với quãng thời gian trong quá khứ hào hùng…”. Cũng theo NĐK tên tuổi hàng đầu Việt Nam, ông đánh giá cao những mảng sáng, tối trên phù điêu, với nhịp điệu rất có duyên đã góp phần tôn hình ảnh chạm nổi, từng câu chuyện, nhân vật hiện lên đều đặn theo nhịp điệu, không bị lốp chốp. Để đánh giá chính xác các mảng khối chạm nổi, ông Lưu Danh Thanh và HĐNT đã đến quảng trường vào buổi sáng, thời điểm ánh sáng rất đẹp để có thể nhìn rõ những đường nét, hình khối trên các mảng phù điêu.

“Nhịp điệu, trôi chảy” là những đánh giá ngắn gọn mà NĐK Lê Vân Hải, nguyên Vụ phó Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, nay là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đưa ra trong đánh giá công trình. Ông Hải cho rằng nhóm tác giả đã chuyển chất liệu rất thành công từ mẫu đất tỉ lệ 1:1 sang chất liệu chính thức là đá xanh. Nhấn mạnh phù điêu là công trình có giá trị vĩnh cửu, NĐK Lê Vân Hải khẳng định, hình tượng Đại tướng là trung tâm trên các mảng phù điêu đã được khắc họa có hồn, rất thần thái. Tổng thể, nhịp điệu điêu khắc trên phù điêu đã lột tả được không khí lịch sử cách mạng cũng như những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người Thái Nguyên. “Tôi tin rằng đây sẽ là địa chỉ văn hóa thu hút ngày càng nhiều người tìm đến Quảng trường Võ Nguyên Giáp, nơi có một công trình phù điêu tầm cỡ, có chất lượng nghệ thuật cao”, NĐK Lê Vân Hải nhấn mạnh. 

 Đá cứng nhưng những gì thể hiện được lại rất mềm, đi vào lòng người đầy rung động. Đây là phù điêu chất lượng nghệ thuật tốt hàng đầu của điêu khắc Việt Nam hiện nay. Những câu chuyện lịch sử được khắc họa rất hợp lý, hài hòa. Các nhân vật được mô tả mang tính khái quát cao, gợi không khí của những thời kỳ lịch sử khó quên…

(NĐK VƯƠNG HỌC BÁO)

 

 HOÀNG VY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top