Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Mùa báo hiếu Vu lan trong dịch bệnh Covid-19

Thứ Hai 31/08/2020 | 11:09 GMT+7

VHO-  Đạo hiếu có thể được xem như một trong những đặc điểm văn hóa đặc biệt của người Việt. Trong các nghi lễ liên quan đến đạo hiếu, Vu lan là dịp lễ rất quan trọng. Cứ mỗi dịp Rằm tháng Bảy, lễ Vu lan về, nhà nhà lại cùng nhau hướng về việc báo hiếu với những người đã khuất. Ai cũng mong muốn sắm sửa đồ lễ để thể hiện tấm lòng của mình đối với công ơn tổ tiên.

Tri ân công đức tổ tiên không chỉ là một thái độđạo đức đối với quá khứ. Đây còn được xem là bài học cho thế hệ hiện tại về cách đối nhân xử thế, cũng như tạo dựng những giá trị cho xã hội tương lai.

 Gìn giữ những giá trị tốt đẹp của lễ Vu lan cũng là cách chúng ta tôn vinh những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Mùa lễ Vu lan năm nay rất đặc biệt, khác rất nhiều so với các mùa Vu lan trước. Dịch bệnh Covid-19 đã đảo lộn nhiều sinh hoạt thường ngày, và chắc chắn trong đó có lễ Vu lan. Yêu cầu giãn cách xã hội khiến chúng ta cần cẩn trọng hơn đối với những hoạt động tụ tập đám đông, chính vì thế, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản yêu cầu Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố tùy tình hình thực tế ở địa phương mình mà có hình thức tổ chức lễ Vu lan phù hợp.

Giáo hội yêu cầu tăng ni các chùa, cơ sở tự viện vận dụng sáng tạo các hình thức tổ chức, vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân, đồng bào phật tử trong mùa tri ân, báo hiếu, trong đó có khuyến nghị với các chùa, cơ sở tự viện nên tăng cường các khóa lễ Vu lan bằng hình thức trực tuyến. Chắc chắn sẽ có những tranh cãi không ngừng về sáng tạo mới này của nhà chùa. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó đã cho thấy nhà chùa có lý.

Thứ nhất, việc tiến hành các nghi lễ trực tuyến không chỉ được tiến hành ở Việt Nam và với đạo Phật. Giáo Hội Công giáo Việt Nam cũng tiến hành nhiều buổi thánh lễ trực tuyến. Trên thế giới, lễ Phục sinh cũng được tiến hành trực tuyến ở nhiều nước. Ở một số nước Hồi giáo, người dân tham dự các bài giảng tôn giáo thông qua các ứng dụng trực tuyến như Zoom, Youtube hay Facebook. Thứ hai, trong lĩnh vưc đời sống tâm linh, nhu cầu của xã hội thực quyết định nhu cầu của thế giới tâm linh. Chính chúng ta, những người đang sống, quyết định tổ tiên chúng ta cần gì, mong muốn gì. Chúng ta đang ứng xử với tổ tiên mình theo đúng cách mà chúng ta đang ứng xử với cuộc sống thường nhật, hay chúng ta hay gọi theo cách “trần sao âm vậy”.

Vì thế, năm nay, bên cạnh những đồ mã truyền thống, chúng ta còn thấy có thêm những đồ mã liên quan đến an toàn sức khoẻ như khẩu trang y tế, cồn xịt tay bằng vàng mã. Chính vì lý do đó, những sinh hoạt thường ngày như học tập trực tuyến, mua sắm trực tuyến thì tất yếu dẫn đến việc cúng lễ Vu lan trực tuyến. Thứ ba, thế giới tâm linh là vô cùng phức tạp. Không có khái niệm khách quan để đo đếm trong các hành động tâm linh. Phật tại tâm, chính vì vậy, trải nghiệm cá nhân là thước đo quan trọng nhất. Khi chúng ta cảm nhận rằng, những hình thức báo hiếu của chúng ta thực sự khiến chúng ta hài lòng, thì đó là lúc tâm chúng ta an, lòng chúng ta thanh thản. Không có một cách thức cúng lễ nào chung, đúng cho tất cả mọi người. Có người thích những cách làm mới, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới; có người trung thành với những cách làm truyền thống. Ở đây, không có mâu thuẫn nào trong cách thức ứng xử với tổ tiên. Chỉ có chúng ta hài lòng về hành động báo hiếu của mình là thước đo quan trọng nhất.

Báo hiếu là trách nhiệm đạo đức của mỗi người. Không chỉ báo hiếu với tổ tiên, cách báo hiếu của mỗi cá nhân cần thể hiện trách nhiệm đối với xã hội. Đó là lý do tại sao, trong bối cảnh dịch bệnh yêu cầu sự giãn cách xã hội, mỗi cách làm sáng tạo để vừa bảo đảm sự thành kính tri ân tổ tiên, vừa giúp xã hội bình an đi qua cơn bão dịch bệnh nguy hiểm, để đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường, là những việc làm cần được khuyến khích. Đó cũng chính là một việc thiện theo đúng tinh thần khuyến giáo của đạo Phật.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top