Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Chuyện của Hiếu ở xóm nghèo Hợp Thành

Thứ Sáu 21/08/2020 | 10:56 GMT+7

VHO- Chúng tôi về dưới chân dãy lèn Cờ, xóm Hợp Thành (Nam Thành, Yên Thành-Nghệ An), ghi lại câu chuyện xúc động mà nhân vật chính là một đứa trẻ bất hạnh nhưng lại rất hiếu thảo và học giỏi.

 Góc học tập của Hiếu

Đứa trẻ đó là Nguyễn Trung Hiếu (13 tuổi), học sinh lớp 7B, trường THCS Nam Thành, huyện Yên Thành.

Chăm bà ngoại từ năm 6 tuổi

Trong căn nhà cấp bốn sơ sài, Hiếu đang xoay trở đỡ bà ngoại của mình là bà Nguyễn Thị Nhu (63 tuổi) từ từ nằm xuống để khỏi bị đau. Vừa lúc, bà Nguyễn Thị Kiều (em gái bà Nhu) mới ở Bình Dương ra, kể cho chúng tôi về nẻo đời bất hạnh của Hiếu từ khi mới lọt lòng.

Từ nhiều nỗi đau riêng của gia đình (bố mẹ li dị, mẹ bị tàn tật bẩm sinh lại thường xuyên bị co giật do bệnh kinh giản) nên mẹ Hiếu là chị Vũ Thị Minh (sinh 1983) được bà Kiều đưa vào Bình Dương ở năm lên 8 tuổi. Năm 2006, chị Minh 23 tuổi, đẹp gái nhưng do “thật tính” nên bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa xuống thành phố xin việc. Cả gia đình đi tìm nhưng vô vọng. Năm 2007, chị Minh ôm đứa con đỏ hỏn lần đường tìm về nhà bà Kiều bởi “do không có tiền thuê nhà trọ, ban ngày bồng bế con đi bán vé số quanh công viên Phú Lâm, tối về ngủ dưới gốc cây”. Nhìn cảnh hai mẹ con cơ nhỡ, mọi người giận ít, thương nhiều. “Tôi ngẫm tình cảnh hai mẹ con sẽ bí bách nên cầu mong cho thằng nhỏ sau này sống có hiếu, có chí mới mong cứu vãn được gia cảnh này. Nghĩ vậy, tôi đặt tên cho thằng nhỏ là Nguyễn Trung Hiếu”, bà Kiều bần thần nhớ lại.

 Đi học về, Hiếu nấu cơm...

Năm Hiếu lên bốn tuổi, chị Minh xin bà Kiều mang con về quê, nương tựa tình thương của người mẹ trong cảnh mẹ đang lâm bệnh bi đát. Về quê, anh em họ hàng, chòm xóm góp tiền dựng cho mẹ con Hiếu căn nhà cấp bốn. Không ngờ, lần thứ hai người mẹ đơn thân này lại bị kẻ xấu lừa xuống TP Vinh làm trong quán ăn để được nhiều tiền hơn. Từ đó, mẹ Hiếu biệt tích. Theo bà Kiều, mẹ Hiếu đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Năm đó, Hiếu vừa 6 tuổi. Hiếu ở với bà ngoại nhưng sống nhờ vào cố ngoại đã ngoài 80. Bà ngoại Hiếu bị tật nguyền, mười ngón tay co quắp, dính vào nhau. Cách đây hơn 20 năm, bà bước đi không vững, giờ hai chân cứng đờ. Thế là mọi việc đều nhờ đến bàn tay nhỏ xíu của Hiếu. Bà Kiều kể: “Chị tôi gần như nằm bất động, không tự ngồi dậy được. Khi ngồi dậy được muốn nằm lại cũng khó vì rất đau. Tôi ở xa mà thằng Hiếu mới có 6 tuổi. Tội lắm. Nhưng nó biết làm cả đấy. Dưới giường chị tôi nằm có khoét một cái lỗ để đặt cái xô ở đó. Chị đi vệ sinh xong, tay Hiếu còn yếu không xách cái xô ra được nên cứ kéo ra ngoài vườn để đổ. Hiếu múc nước vào dội lên giường cho bà nằm được sạch sẽ”.

Năm lên 8 tuổi, thấy bà muốn ngồi dậy nhưng không thể tự ngồi được, Hiếu thương bà nhưng hai bà cháu chỉ biết ôm nhau khóc. Năm lên 9 tuổi, Hiếu đã nghĩ được cách giúp bà. Cách của Hiếu là nằm ra giường, kéo bà xoay lưng lên người mình rồi co người bật dậy. Lần đầu chưa có kinh nghiệm, Hiếu đẩy bà lăn xuống đất. Bà kêu đau rồi khóc, dân làng phải sang giúp đưa bà lên giường. Sau vụ đó, Hiếu đã thành thạo việc đỡ bà ngồi dậy, nằm xuống được.

Bà Nguyễn Thị Xuân bán hàng tạp hoá trong xóm, kể: “Hiếu đang nhỏ mà có hiếu ghê gớm. Đi học về là lo đỡ bà dậy, thay bô nước tiểu, lau giường, lấy trầu cho bà ăn. Do sống cảnh nghèo ngặt, mờ sáng Hiếu dậy lọ mọ bẻ gói mì tôm làm hai. Pha nửa gói mì tôm cho bà xong Hiếu mới pha cho mình ăn để đến trường”.

Hôm chúng tôi đến, thấy người hỏi Hiếu có bán cây chay trong vườn với giá 5 triệu đồng không. Hiếu lắc đầu vì “bà cố thích ăn trầu”.

Vừa chăm bà vừa học giỏi

Nhà Hiếu cách trường 4 km đường đất mù bụi. Hiếu lo cho bà ăn uống xong rồi đạp cái xe cà tàng đến lớp. Nghe đến chuyện học, bà Kiều kể: “Hôm tôi đi họp phụ huynh cho cháu, nghe cô chủ nhiệm nói, lớp 7B có 44 em nhưng có một em hăng say phát biểu, học môn toán rất giỏi. Đó là em Nguyễn Trung Hiếu. Tôi nghe mà giật thột”.

 ... rồi cho bà ăn

 

Bà Kiều giật thột rồi sững sờ vì bà biết sớm dậy đi học Hiếu chỉ ăn nửa bát mì tôm, trưa về chỉ có cục cơm nguội tối hôm qua còn cất lại. Thức ăn thì thất thường, khi con cá khô, khi con tép kho, quả trứng luộc. Bếp đun ngoài trời. Hôm nào gặp mưa thì chuyển vào nhà nấu. Đặc biệt, từ khi cắp sách đến trường, Hiếu không có ai bày cho một chữ. Chúng tôi hỏi chuyện vì sao Hiếu còn thơ dại mà biết thương bà như người lớn vậy. Hiếu bảo: “Vì cháu ở với bà từ nhỏ. Không có ai giúp khi bà đau ốm, bệnh tật thì cháu làm. Vất vả mấy cháu cũng chịu được. Cháu quen rồi, không sợ khó, sợ khổ”.

Hỏi chuyện học, Hiếu khiêm tốn: “Năm nào cháu cũng được hai giấy khen nhưng học kì hai năm nay cháu không đạt vì dịch, các thầy cô giảng bài qua mạng. Nhà cháu không có máy vi tính để học nên bị hạn chế điểm tổng kết”. Nhìn căn nhà nền đất trống trơn chỉ có hai cái giường, vài tấm chăn, cái gối dưới nắng trời như đổ lửa, không ai không cảm phục Hiếu. Trên bàn thờ làm bằng tấm bê tông chỉ để mấy cái giấy khen của Hiếu. Góc học tập của em là một cái rương gỗ kê sát giường, bên ô cửa sổ bịt kín tấm vải lấm bụi. Biết khách lạ phân vân tình cảnh của mình, Hiếu nói: “Chăm bà là khó nhất mà cháu còn làm được thì ngồi đâu cũng có thể học được. Cháu chủ yếu học ban đêm vì ngày lo việc đỡ bà ngồi dậy, nằm xuống, cho bà ăn và tắm giặt cho bà. Học đêm chỉ lo tốn tiền điện nhưng bà nói tiền chế độ 202 (Chính sách hỗ trợ người già, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và người tàn tật) của bà mỗi tháng được 600 ngàn đồng lo đủ tiền điện và mua nước mắm rồi”.

Nghe chuyện này, bà Vũ Thị Liên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm Hợp Thành nhắc đến một chi tiết khiến bà bật khóc: “Có lần tôi hỏi Hiếu, hoàn cảnh éo le thế này cháu có quyết tâm học đến cùng không, Hiếu bảo, cháu mong luôn học giỏi để được học bổng. Nói xong nó than, đời con răng khổ ri. Không có ông nội, ông ngoại. Không có cha, mẹ thì đi mất. Nghe đến đó tui ôm đầu thằng Hiếu mà khóc”. Cô giáo Lan Hương, chủ nhiệm lớp 7B của Hiếu nhận xét: “Hiếu tiếp thu và hiểu bài giảng nhanh hơn các bạn trong lớp. Hiếu tự lập vững vàng nên ý thức học tập rất đáng biểu dương. Em còn nhiệt tình giúp đỡ bạn bè, tham gia các hoạt động của lớp khá tốt. Hiếm có một học sinh hoàn cảnh éo le nhưng đạt được kết quả như Hiếu”. 

 Bà Nhu và cháu Hiếu có gia cảnh thương tâm. Ngoài chế độ 202, nhiều lần xã tiếp nhận quà từ thiện của cộng đồng xã hội đều chia sẻ với hai bà cháu. Xã chúng tôi còn nghèo nhưng hiếu thảo, ngoan, học giỏi như Hiếu là chuyện không dễ có. Cháu ngoại còn tuổi ăn tuổi chơi, tuổi học mà biết thương bà, chăm bà như vậy là rất có nghị lực và hiếu thảo.

(Ông HOÀNG VĂN HÀ, Chủ tịch UBND xã Nam Thành)

 VŨ TOÀN

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top