Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hà Nội: Trẻ mắc tay chân miệng tăng nhanh

Thứ Sáu 10/07/2020 | 22:39 GMT+7

VHO- Trong khi dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại Tây Nguyên thì ở Hà Nội, số lượng trẻ em mắc tay chân miệng tăng nhanh.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn TP đã ghi nhận 329 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc tương đương với cùng kỳ của năm 2019, tuy nhiên có dấu hiệu gia tăng trong 2 tuần gần đây. BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) chia sẻ, thời gian gần đây, ngoài viêm não Nhật Bản thì lượng bệnh nhân thăm khám và nhập viện điều trị do bệnh tay - chân - miệng gia tăng đáng kể. Nhiều bệnh nhi buộc phải nhập viện vì bệnh đã có biến chứng, nếu không can thiệp kịp thời sẽ để lại di chứng đáng tiếc cho trẻ.

Còn tại Bệnh viện E, Ths.Bs Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, cho biết, trong 3 tuần gần đây, Khoa Nội Nhi tổng hợp tiếp nhận mỗi ngày 10-15 trường hợp tới khám và điều trị do mắc bệnh tay chân miệng. Cá biệt ngày 7.7, ngoài các trường hợp điều trị ngoại trú, Khoa đã tiếp nhận 4 bệnh nhi phải nhập viện điều trị nội trú vì bệnh đã tiến triển ở cấp độ 2, với những biểu hiện phỏng nước trên da, niêm mạc, ở lòng bàn tay, bàn chân, các dấu hiệu bệnh nặng như sốt cao không giảm, li bì

Bác sĩ Trương Văn Quý khám cho bệnh nhi mắc chân tay miệng

Tại buồng bệnh, bệnh nhi (nam, 9 tháng tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục trên 39 độ C, xuất hiện nhiều các nốt phỏng nước trên da, loét vùng họng, miệng khiến trẻ đau đớn, bỏ ăn. Một bệnh nhi khác (nam, 13 tháng tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có biểu hiện sốt cao trên 40 độ C, uống thuốc hạ sốt không đỡ, kèm theo co giật, các nốt phỏng nước tập trung nhiều ở khoang miệng dẫn đến ăn kém… Bệnh nhân nhi này được xác định lây nhiễm từ anh trai bị tay chân miệng cách đây một tuần.

Hiện nay, sức khỏe các bé đã ổn định, tỉnh táo, còn sốt nhẹ và hết co giật. Ths. Quý cảnh báo, dịch bệnh tay chân miệng đang gia tăng nhanh, có nguy cơ bùng phát mạnh do tốc độ lây lan "chóng mặt" của loại virus gây bệnh này. Trong lớp học có 1 bé bị mắc bệnh thì cả lớp đó có thể bị lây nhiễm.

Cũng theo bác sĩ Quý, trẻ mắc tay chân miệng có thể tái mắc tái lại và chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện các bác sĩ thực hiện phân loại bệnh tay chân miệng ở trẻ em theo 4 mức độ. Nếu bệnh nhân ở mức độ 1 với các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng thì bệnh nhi có thể điều trị tại nhà.

Nếu bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ 2, bắt đầu có biến chứng ở thần kinh, tim mạch nhẹ với các biểu hiện: giật mình, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ; chân tay run, người run, ngồi không vững, đi loạng choạng... Ở mức độ 3, bệnh biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng, vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú, nhịp thở nhanh... Ở mức độ 4, bệnh xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngưng thở, thở nấc. “Khi trẻ mắc bệnh từ mức độ 2 trở lên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất được các bác sĩ khám, tư vấn, điều trị kịp thời”, Ths. Quý chia sẻ.

Trước diễn biến của dịch tay chân miệng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch bệnh bạch hầu và tay chân miệng cho TT Y tế các quận, huyện, thị xã. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các cơ sở y tế được phân công. Hướng dẫn các đơn vị rà soát toàn bộ đối tượng tiêm chủng để không bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng, kể cả đối tượng vãng lai và đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng nhưng sử dụng vắc xin dịch vụ.

Để nâng cao nhận thức của người bệnh và cộng đồng, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Phòng chống bệnh tay chân miệng cần thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ.

Q.HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top