Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hàng chục người đề nghị hiến phổi cứu bệnh nhân Covid-19 nguời Anh: Cho đi để tình yêu ở lại...

Thứ Hai 18/05/2020 | 09:44 GMT+7

VHO- Ngay sau khi có thông tin về bệnh nhân mắc Covid -19 thứ 91 (BN 91 là phi công người Anh, 43 tuổi) chỉ còn cách ghép phổi mới có thể giữ được tính mạng, hàng chục người Việt Nam không kể già, trẻ, gái trai đã gọi điện đến Trung tâm Điều phối ghép mô, tạng quốc gia để đề nghị được hiến phổi. 

Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 thường xuyên họp trực tuyến và chỉ đạo điều trị với các bệnh nhân nặng, trong đó có bệnh nhân là phi công người Anh Ảnh: LÊ HẢO

“Anh ơi, cho em hỏi nếu đăng ký hiến tạng sống, hiến tặng phổi thì sẽ lấy như thế nào ạ? Hay phải chờ bệnh nhân chết não để lấy hết phổi ạ? Nếu cũng như hiến thận, chỉ lấy một phần phổi thì em xin phép đăng ký hiến tặng cho BN 91 ạ”. 

Thử hỏi sao chúng ta không chiến thắng 

Một cô gái bắt đầu cuộc nói chuyện với hàng loạt câu hỏi như vậy. Cô cho biết, cuộc sống là vô thường và hơn 40 năm qua cô đã nhận được rất nhiều yêu thương, giúp đỡ và may mắn... “Thôi thì cứ để tình thương lan tỏa tình thương, mang yêu thương chia sẻ và giúp đỡ lại những người khác anh ạ!”, cô gái nhắn tin cho ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Ông Phúc cho rằng, dù chưa biết tình hình cũng như diễn biến sức khỏe của BN 91 như thế nào, nhưng những chia sẻ đầy thiện tâm ấy thực sự là nguồn động viên to lớn, khích lệ cho ngành Y tế trong việc hết mình cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo, bất kể người ấy là ai, quốc tịch nào. Thông tin về sức khỏe của BN 91 cần phải ghép phổi được đưa ra ngày 9.5 và chỉ 1 tuần sau, đến ngày 16.5 đã có hơn 50 người gọi điện, gửi thư, nhắn tin bày tỏ nguyện vọng hiến tặng phổi cho người phi công. 

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cũng cho biết, vào một buổi sáng sớm mới đây, ông nhận được cuộc gọi từ một bác ở tận Tây Nguyên hỏi về cơ hội cứu sống BN 91. Bác đó nói rằng chúng ta cần phải cứu sống bệnh nhân ấy dù họ là ai bởi đó không chỉ là tình người mà còn là uy tín của nước ta, của ngành Y tế và sẵn sàng hiến tặng lá phổi của mình. “Bác giới thiệu là cựu chiến binh và đã ngoài 70 tuổi. Qua đó mới thấy, bà con luôn theo dõi sát sao và trân trọng những nỗ lực hết mình của Đảng, Chính phủ và của các chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 này. Thử hỏi vậy sao chúng ta không chiến thắng”, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ. 

Câu chuyện về hàng chục người Việt Nam tình nguyện hiến phổi cho phi công người Anh khiến ông Phúc nhớ lại những câu chuyện trước đây về một người phụ nữ nước ngoài tới thăm con ở Việt Nam. Thật không may bà gặp tai nạn và khó qua khỏi. Gia đình đã quyết định hiến tạng của bà cho bệnh nhân Việt Nam. Bà nằm đó bình lặng và từng người thân tới thì thầm nói những lời cuối cùng, trong thời khắc ấy mọi người đều kìm nén tiếng nấc nghẹn trong tâm và vỡ òa thành tiếng chỉ khi họ đã rời căn phòng tĩnh lặng ấy... “Chứng kiến trọn vẹn hình ảnh đó, không mấy ai cầm nổi nước mắt, xúc động tận đáy lòng. Biết không thể cứu sống người thân, họ vẫn muốn trao lại món quà vô giá ấy cho người ở lại. Giờ đây, gặp lại những tình cảm của những người Việt dù không quen biết nhưng sẵn sàng trao tặng một lá phổi cho người bệnh. Càng thấy rõ ở đâu, lúc nào cũng có những điều tốt đẹp, tử tế quanh ta, âu cũng là hai chữ Nhân-Duyên và Tình Người”, ông Phúc chiêm nghiệm. 

Hãy nhân lên những điều đáng quý 

Hơn 50 người đăng ký hiến phổi không có người nào và không có bất cứ lời gì về việc họ sẽ nhận được, thậm chí có người vừa xin tặng phổi vừa xin gửi thêm tiền. Chưa biết diễn biến sức khỏe và phương pháp điều trị đối với BN 91 ra sao, có đủ điều kiện để ghép phổi hay không, nhưng số người tình nguyện hiến phổi cho bệnh nhân cũng là một tín hiệu vui trong xã hội. Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, sau đợt dịch Covid-19 có rất nhiều thay đổi từ tập quán, thói quen như rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang thường xuyên hơn, đồng thời với điều đó là tình thương, lòng nhân ái, sự đoàn kết giữa con người với nhau cũng tăng lên. Như trường hợp bệnh nhân phi công người Anh, đã có rất nhiều người Việt tình nguyện đăng ký hiến phổi cho một bệnh nhân người nước ngoài cũng bộc lộ một đặc tính của người Việt. 

Ở góc độ khác, GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép mô tạng quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, nếu chỉ có một người đăng ký hiến tặng phổi đã là quý rồi, nhưng đây lại có 40 – 50 người còn quý hơn nữa và nếu có hàng trăm người đăng ký hiến tặng thì càng quý hơn. Đây là một dịp để người dân hiểu hơn về hiến tặng mô, tạng và sự chia sẻ sự sống. Trung tâm rất cảm động và ghi nhận tấm lòng của mọi người, còn việc hiến và nhận lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, phải xem xét, đánh giá chuyên môn xem BN 91 và người tặng có đủ điều kiện để tiến hành ghép hay không. 

“Từ hơn 10 năm qua đến nay, chúng tôi hầu như không tuyên truyền về việc hiến tặng tạng người sống, vì thực tế là một người đang khỏe mạnh hiến đi một phần tạng sẽ không còn như bình thường như trước được. Trong khi đó, ngày nào cũng có người chết não, tức là sẽ chết, nhưng hàng tháng qua mới có một người chết não hiến tạng. Vì vậy tôi muốn nói rằng, khi còn đang khỏe thì mọi người sống một cách tốt nhất, sau này chết não có thể hiến một phần cơ thể mình cứu người bệnh khác. Nhân đây, nhiều người có thể thấy rằng người sống còn hiến tạng được, thì tại sao người chết não lại không thể hiến, tặng, chia sẻ cứu sống người khác thay vì đem chôn”, GS Trịnh Hồng Sơn nói. 

  Ngày 17.5, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM đã thông tin về tình trạng sức khoẻ của BN 91 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đã rút ống dẫn lưu, đang tiếp tục thở máy, tiên lượng còn nặng. Trước đó, chiều ngày 16.5, Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, BN 91 tuy tiên lượng còn rất nặng nhưng có tiến triển khá hơn. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 5 lần liên tiếp với virus SARS-CoV-2 và hiện đã ngừng dẫn lưu màng phổi. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục thở máy. 

Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết, đã đánh giá được mức tổn thương phổi nhờ chụp CT phổi, tổn thương phổi mức độ lớn. Hiện, 90% phổi của bệnh nhân đã đông đặc, ghép phổi là phương án để cứu bệnh nhân. Bộ Y tế đã chỉ đạo cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia khởi động chương trình tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để ghép. 

 QUỲNH HOA 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top