Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ứng xử di tích khảo cổ học:  Nhìn từ bãi cọc Cao Quỳ mà thấy... nao lòng

Thứ Tư 06/05/2020 | 10:28 GMT+7

VHO- Có lẽ đã lâu lắm rồi giới khảo cổ học nước nhà mới có được niềm vui lớn đến vậy khi được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến tham quan di chỉ khảo cổ Bãi cọc Cao Quỳ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và có những ý kiến chỉ đạo quan trọng. Cũng đã lâu lắm rồi giới khảo cổ lại tỏ ra hân hoan đến thế khi “thành quả” của mình đã được các cấp lãnh đạo quan tâm đón nhận và áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị rất tích cực...

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan di chỉ khảo cổ Bãi cọc Cao Quỳ Ảnh: Q. HIẾU

 1. Bởi chưa đầy một năm kể từ khi phát hiện rồi tiến hành thăm dò, khai quật cho đến báo cáo kết quả sơ bộ, thành phố Hải Phòng đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý, thủ tục về xây dựng để cho ra đời một dự án có tổng mức đầu tư bảo tồn, phát huy lên đến 431 tỉ đồng, với quy mô 150 ha, đồng thời xác định đây là dự án trọng điểm của thành phố. Chưa nói đến chuyện “lực bất tòng tâm”, nhưng có thể nói rằng hiện có ít địa phương có sự nhận thức, đồng lòng cao như thế đối với một di tích khảo cổ vừa mới được phát hiện, lại chưa được nhận diện một cách đầy đủ như bãi cọc Cao Quỳ.

Ở đây người viết không hề có sự so sánh việc nhận thức và hành động giữa các địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, nhất là đối với di chỉ khảo cổ, một loại hình di tích “khó tính” đối với khách tham quan, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng những ai trân trọng di sản của các bậc tiền nhân thì tại đó nó sẽ được tôn vinh một cách tốt nhất. Việc thành phố Hải Phòng vào cuộc quyết liệt từ công tác chỉ đạo đến lập quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ khảo cổ học Bãi cọc Cao Quỳ khiến chúng tôi nhớ đến câu chuyện ứng xử với di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội). Cuối năm ngoái, những người trực tiếp khai quật di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã phải kêu trời vì sự xâm phạm di tích này một cách không thương tiếc khi những chiếc máy xúc lừ lừ tiến vào các khu vực dự kiến có di vật, hiện vật để san ủi, làm bật lên những di vật, hiện vật cổ xưa...

Cực chẳng đã, họ đã phải tổ chức một cuộc hội thảo đầu bờ với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, để sau đó có văn bản kiến nghị đến Bộ VHTTDL, UBND thành phố Hà Nội nhằm cứu lấy một di sản hàng nghìn năm tuổi. Trước đó nữa, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy cũng đã phải gửi thư tới lãnh đạo thành phố Hà Nội bày tỏ sự xót xa, tiếc nuối khi di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối đang dần bị “tan vụn” bởi một dự án xây dựng. Cũng may, ngay sau đó thành phố Hà Nội đã có những động thái bảo vệ di chỉ này để các nhà khảo cổ tiếp tục khai quật, làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa cổ xưa của Thủ đô. Nói như một nhà khoa học, “vẫn biết là có sự chỉ đạo nhưng cũng không thể biết được số phận di tích này rồi sẽ đi đến đâu”. Dẫn ra câu chuyện này để thấy rằng mỗi nơi đều có cách ứng xử riêng với di sản tiền nhân, và mỗi cách ứng xử lại cho ra những kết quả hoàn toàn khác nhau theo hướng: Bên thì vui mừng, bên thì hiu quạnh.

 Tuyến đường mới đã chồng đè lên di tích khảo cổ quốc gia Bãi Trận (Quảng Trị) Ảnh: NG. HOÀNG

2. Hay như cách đây không lâu, vào hồi đầu tháng 3 vừa qua, báo chí phản ánh nhiều cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan đã vô tư, hồn nhiên hết đỗi khi xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn đi qua thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) đã chồng, đè, nghiền nát gần như toàn bộ di tích di chỉ khảo cổ học quốc gia Bãi Trận (thuộc quần thể di tích Quốc gia Chúa Nguyễn). Khi được hỏi, vì sao lại xâm phạm nghiêm trọng di chỉ khảo cổ học quốc gia như thế, ông Lê Vĩnh Phú, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Quảng Trị (Sở GTVT Quảng Trị, chủ đầu tư dự án) chỉ cho biết: “Quá trình giải phóng mặt bằng của dự án do huyện Triệu Phong đảm nhiệm cũng không được địa phương tham mưu về việc đoạn đường thuộc dự án có đi qua khu vực di tích”. Còn chính quyền địa phương, cụ thể là ông Nguyễn Thành Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong thì nói: “Trong cùng thời gian từ đầu năm 2018, các cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành thực hiện hai dự án: Lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích “Các điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn” thuộc xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong) và dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1A đoạn qua thị xã Quảng Trị. Do cùng một lúc lập cả 2 hồ sơ nên các cơ quan, đơn vị và địa phương của huyện trong quá trình tham mưu có sự nhầm lẫn, thiếu sót dẫn đến việc di tích bị xâm phạm như trên”.

Giải cứu cho sự “nhầm lẫn, thiếu sót” ấy, theo ông Vũ, trong thời gian tới “sẽ tiến hành lập hồ sơ xin dịch chuyển vị trí quy hoạch di tích Bãi Trận sang vị trí liền kề phù hợp”. Hết chuyện! Một điều đáng nói nữa là, di tích khảo cổ quốc gia Bãi Trận mới được xếp hạng tháng 6.2018 thì đến tháng 7 người ta đã thản nhiên đào đất, thi công lên “mặt” di tích này, coi như không có chuyện gì xảy ra. Và đến những tháng đầu năm 2020, các đơn vị mới báo cáo lên chính quyền, cơ quan chức năng là “đường tránh đã nằm đè lên di tích mất rồi”.

3. Xin dẫn ra đây một dẫn chứng nhỏ nữa thôi để một lần nữa những ai quan tâm đến di tích khảo cổ phải “nghiêng mình” trước sự ứng xử với di chỉ Bãi cọc Cao Quỳ. TS khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cho biết, Viện Khảo cổ học qua khảo sát sơ bộ vào năm 2000 đã phát hiện trên 1.000 di tích thời Đông Sơn, nhưng tới đầu năm 2019 đã mất trên 50% di tích thuộc thời đại này. Riêng tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương mất tới 90%, nghĩa là gần như bị phế tích hoàn toàn. Trong đó có những di tích mà nếu giữ được thì xứng tầm di sản thế giới như di tích Phùng Nguyên ở Phú Thọ mở đầu thời kỳ tiền Hùng Vương; di tích Đông Sơn ở Thanh Hóa, một minh chứng đỉnh cao văn hóa Đông Sơn thời các vua Hùng.

“Một vài thập kỷ không xa, nếu cứ đà “bảo vệ” như thế này, các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương cơ bản không còn tồn tại trên đất nước ta...”, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN cho hay. Nghĩa là chẳng bao lâu nữa, những chứng tích của thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước đầu tiên sẽ không còn.

Kể ra như trên để những ai trân quý di sản của tiền nhân, trân quý những mạch nguồn lịch sử dân tộc đang “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về” hẳn “nghiêng mình” trước thái độ ứng xử với di chỉ khảo cổ Bãi cọc Cao Quỳ mới được phát hiện. 

 Viện Khảo cổ học qua khảo sát sơ bộ vào năm 2000 đã phát hiện trên 1.000 di tích thời Đông Sơn, nhưng tới đầu năm 2019 đã mất trên 50% di tích thuộc thời đại này. Riêng tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương mất tới 90%, nghĩa là gần như bị phế tích hoàn toàn.

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top