Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đề nghị sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình: Nội dung phải sát với thực tiễn

Thứ Sáu 01/05/2020 | 10:33 GMT+7

VHO- Không quy định rõ về khái niệm dẫn đến những cách hiểu khác nhau khi xử lý vụ việc bạo lực gia đình (BLGĐ); Thiếu quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ)… Đó là một số bất cập trong việc triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua được nêu tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ với Vụ Gia đình và Vụ Pháp chế ngày 29.4.

 Cần nhiều tầng lớp trong xã hội chung tay PCBLGĐ

 Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ yêu cầu cần thành lập ngay Tổ công tác lập đề nghị sửa đổi Luật PCBLGĐ đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo dự thảo Báo cáo kết quả sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Vụ Gia đình cho biết có những khó khăn, vướng mắc nảy sinh khi triển khai văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Quá trình thực hiện Luật thấy rõ việc xử lý các vụ việc BLGĐ chỉ tập trung vào hòa giải và phạt hành chính không có tính răn đe, nên vi phạm tiếp tục tái diễn; Sự phối hợp giữa các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc thực thi Luật còn chưa hiệu quả; Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân nhà tạm lánh, các hỗ trợ về chăm sóc, tư vấn tâm lý, y tế chưa phát huy; Các hoạt động truyền thông chỉ rộ lên theo thời điểm, sự kiện phát động mà không có sự duy trì thường xuyên; Ngân sách cấp cho công tác gia đình nói chung và PCBLGĐ chưa được rõ ràng; Hạn chế trong hoạt động nghiên cứu về PCBLGĐ...

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ chủ trì buổi làm việc

Điều đáng nói là Luật PCBLGĐ quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình và tổ chức nhưng không gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ PCBLGĐ. Ví dụ như quy định UBND cấp xã trong báo cáo trước HĐND cùng cấp về tình hình kinh tế - xã hội phải có nội dung về tình hình và kết quả PCBLGĐ tại địa phương nhưng sau gần 10 năm thi hành, Bộ VHTTDL không có thông tin về việc báo cáo này. Qua kiểm tra ở các địa phương thì không địa phương nào đưa nội dung PCBLGĐ vào báo cáo HĐND cùng cấp như quy định. Trong thời gian tới cần quy định rõ trách nhiệm và biện pháp xử lý đối với người đứng đầu trong PCBLGĐ. Khoản 1 Điều 6 nêu rõ “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác PCBLGĐ”, việc quy định chung chung và không có sự ràng buộc nên các địa phương không bố trí hoặc bố trí mang tính tượng trưng. Một bất hợp lý khác là khi BLGĐ xảy ra, Điều 20 của Luật quy định biện pháp cấm tiếp xúc, nhưng lại không quy định rõ đối tượng phải ra khỏi nhà khi bị áp dụng biện pháp này, dẫn tới việc đa phần nạn nhân BLGĐ lại là người bị ra khỏi nhà…

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ đánh giá sau 10 năm thực hiện Luật PCBLGĐ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế việc thực thi đã nảy sinh những bất cập, khó khăn nên việc sửa đổi Luật là vô cùng cấp thiết. Thứ trưởng đề nghị Hồ sơ đề xuất cần nhấn mạnh nội dung đề xuất chính sách phải sát với thực tiễn và phải nêu cụ thể từng chính sách dựa trên những căn cứ nào. Tổ công tác cần xin ý kiến tham vấn các chuyên gia quốc tế và trong nước về lĩnh vực PCBLGĐ khi lập hồ sơ để có góc nhìn toàn diện hơn. Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho rằng những nội dung trọng tâm để đề xuất nội dung sửa đổi luật đó là làm rõ nội hàm của khái niệm BLGĐ, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong triển khai thi hành Luật và biện pháp xử lý người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong triển khai thi hành Luật; Rà soát lại một số quy định trong Luật đảm bảo tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và tăng cường biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và xử lý người có hành vi BLGĐ. 

 Lập Tổ công tác đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Bộ VHTTDL đã ra quyết định thành lập Tổ công tác đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình do Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ làm Tổ trưởng, Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh làm Tổ phó thường trực. Các thành viên là lãnh đạo các Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), Cục Pháp chế (Bộ Công an), Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế), Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), Vụ Tổng hợp (Bộ Nội vụ), Vụ Pháp luật và Điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao)…

 THUÝ HIỀN

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top