Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch G20: An toàn cho du khách là ưu tiên hàng đầu

Thứ Hai 27/04/2020 | 11:05 GMT+7

VHO- Nhằm chia sẻ thông tin và đưa ra kế hoạch phối hợp hành động để bảo vệ doanh nghiệp du lịch, lao động ngành Du lịch và hỗ trợ khách du lịch vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, Ả Rập Xê Út với vai trò là Chủ tịch G20 năm 2020 vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch G20.

 Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch G20

Hội nghị có sự tham gia của các Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Du lịch của 20 nước G20, 7 nước khách mời và đại diện 4 tổ chức quốc tế: UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới), OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), WTTC (Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đại diện Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN năm 2020 tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Du lịch thế giới có thể thiệt hại lên tới 2.100 tỉ USD

Đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế dự báo sơ bộ du lịch quốc tế giảm 45% trong năm 2020 và con số này có thể tăng lên 70% nếu những nỗ lực phục hồi bị trì hoãn cho đến tháng 6.2020. Lữ hành và du lịch đang chiếm khoảng 10,4% GDP thế giới và được dự đoán sẽ có tới 75 triệu việc làm có nguy cơ mất việc và thiệt hại khoảng 2.100 tỉ USD trong GDP.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết: “Với tinh thần chủ động, không chủ quan trước dịch bệnh, Việt Nam đã sớm xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản ứng phó được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội”.

Đối với ngành Du lịch- một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã triển khai những giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, người lao động. Trong đó, các doanh nghiệp du lịch được gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; được hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện; được giảm 50% phí thẩm định Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế/nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và vay các khoản vay mới với lãi suất thấp để duy trì chuyển đổi hoặc mở rộng kinh doanh… Hỗ trợ cho người lao động trong ngành Du lịch bị mất việc hoặc tạm ngừng lao động số tiền từ 1- 3 tháng lương cơ bản; tạm dừng đóng một số loại quỹ của bảo hiểm xã hội; điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp…

“Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và những biện pháp tích cực nhằm ngăn ngừa dịch bệnh của các quốc gia, chúng tôi hy vọng dịch bệnh sẽ nhanh chóng qua đi và ngành du lịch thế giới nói chung, du lịch Việt Nam nói riêng sẽ phục hồi trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ từng bước khôi phục lại các lĩnh vực dịch vụ liên quan trực tiếp đến du lịch như hàng không, vận tải hàng hóa… và tập trung thúc đẩy du lịch nội địa, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng nói. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam sẽ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tập trung thực hiện quá trình chuyển đổi số để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập du lịch, tạo cơ hội mới trong tiếp cận thị trường, tăng hiệu quả hoạt động và thúc đẩy khởi nghiệp. Cam kết đồng hành cùng các đối tác quốc tế, đặc biệt là các nước G20 để cùng nhau hợp tác, phát triển du lịch theo hướng bền vững, phù hợp với Chương trình Nghị sự phát triển bền vững năm 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững.

Cam kết đảm bảo môi trường

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Du lịch G20 về Covid-19 đã thông qua tuyên bố chung. Trong đó, Bộ trưởng Du lịch G20 cam kết sẽ phối hợp với nhau để hỗ trợ ngành Du lịch và hoan nghênh nỗ lực của các quốc gia trong việc giảm thiểu tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19. Đồng thời hoan nghênh Kế hoạch hành động G20 mà các Bộ trưởng Tài chính và Ngân hàng Trung ương đã thông qua để đối phó với đại dịch Covid-19, bao gồm các biện pháp duy trì doanh nghiệp và bảo vệ người lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.

Để giải quyết hậu quả trước mắt của cuộc khủng hoảng này, Bộ trưởng Du lịch G20 cam kết tăng cường liên lạc rộng hơn để giảm thiểu những gián đoạn không đáng có trong việc đi lại, hỗ trợ du khách bị mắc kẹt và giúp mọi người trở về nước an toàn. Bộ trưởng Du lịch G20 sẽ làm việc với các tổ chức quốc tế và các tổ chức tài chính để đảm bảo đưa lữ hành và du lịch vào các chương trình phục hồi.

“Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, chúng tôi cam kết đảm bảo môi trường an toàn cho du khách bằng cách phục hồi du lịch nội địa trước và sau đó là du lịch quốc tế bằng cách tăng cường hợp tác quốc tế. Chúng tôi sẽ thúc đẩy các công nghệ kỹ thuật số để giúp ngành lữ hành và du lịch thích nghi với thời kỳ hậu khủng hoảng mới. Chúng tôi cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ngành Lữ hành và Du lịch sang con đường bền vững hơn - kinh tế, xã hội và môi trường phù hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)”, tuyên bố nêu.

Bộ trưởng Du lịch G20 cũng cam kết trao đổi kinh nghiệm của đất nước và đảm bảo sự hợp tác với các bên liên quan trong ngành để cải thiện khả năng phục hồi của ngành Lữ hành và Du lịch, cũng như chia sẻ kiến thức về quản lý khủng hoảng. Cam kết hợp tác với Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các bên liên quan khác để đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế và xã hội của ngành Du lịch khi khủng hoảng sức khỏe đã lắng xuống. Bộ trưởng Du lịch G20 hoan nghênh công việc đang tiến hành bởi UNWTO về Kế hoạch phục hồi sau Covid-19 và khuyến khích các quốc gia đóng góp vào kế hoạch phục hồi để đảm bảo các nỗ lực được phối hợp.

Các quan chức cấp cao của ngành Du lịch các nước sẽ được giao nhiệm vụ để xác định những thách thức cụ thể đối với ngành Lữ hành và Du lịch trong cuộc khủng hoảng, đồng thời đưa ra các giải pháp để kích thích phục hồi và cải thiện khả năng phục hồi trong lĩnh vực này. 

 NGUYỄN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top