Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tải sản của nhân loại nên hợp đồng thuê đất không có giá trị: Hiểu như vậy là không chính xác

Thứ Sáu 21/02/2020 | 10:52 GMT+7

VHO- Thông tin doanh nghiệp Xuân Trường có số nợ đọng là hơn 25,7 tỉ đồng tiền thuê đất tại dự án khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) trong giai đoạn năm 2007 đến 2018, trong đó tiền thuê đất là 15,608 tỉ đồng và tiền chậm nộp là 10,132 tỉ đồng, đang được dư luận rất quan tâm.

 Chùa Bái Đính do doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng

Ông chủ doanh nghiệp Xuân Trường cho biết, doanh nghiệp này đang xem xét “kêu oan” về số tiền này. Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú xung quanh vấn đề này.

Ông có bình luận gì về vụ việc này? Việc doanh nghiệp nợ tiền thuê đất trong thời gian dài như vậy sẽ bị xử lý như thế nào?

-LS Trương Anh Tú: Theo tôi, thuế là một lĩnh vực đặc thù và để kết luận doanh nghiệp có nợ thuế và các khoản thu khác (trong đó có tiền thuê đất) hay không, nợ bao nhiêu là không hề đơn giản vì thế cần căn cứ vào hồ sơ pháp lý dự án... Đối với các dự án đầu tư như dự án khu du lịch Tràng An của doanh nghiệp Xuân Trường, pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này rất rộng, trước tiên phải kể đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư để định vị dự án được triển khai theo hình thức nào, doanh nghiệp thuộc diện đóng thuế và tiền thuê đất cho Nhà nước như thế nào rồi mới đến pháp luật về quản lý thuế để áp số tiền thuế, tiền thuê đất phải nộp... Ngoài ra cũng cần xem xét đến sự phù hợp của dự án đối với các quy định của pháp luật chuyên ngành Di sản văn hóa, bởi quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014.

Trên phương diện quản lý thuế, nếu Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận doanh nghiệp nợ tiền thuê đất nhiều năm thì có thể xem là nguồn tin tin cậy và có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trong trường hợp không đồng ý, doanh nghiệp hoàn toàn có thể khiếu nại, khởi kiện hành chính nếu cho rằng mình bị xâm phạm, cơ quan thuế có sai sót khi xác định số tiền nộp thuế... Như trong vụ việc trên, ông chủ doanh nghiệp Xuân Trường cho rằng doanh nghiệp đang xem xét “kêu oan”.

Tiếp theo, đối với việc xử lý doanh nghiệp nợ tiền thuê đất trong thời gian dài, chính sách xử lý của Nhà nước hiện nay là doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng thời kỳ. Ngoài ra, việc chậm nộp thuế nói chung (thuế và các khoản thu khác) là hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế, do đó doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính dưới hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền và cưỡng chế thuế theo quy định tại Nghị định 129/2013/NĐ-CP. Nhưng Nghị định này không có quy định cụ thể về xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuê đất. Như vậy, đến nay chưa có cơ chế pháp lý nghiêm khắc xử lý việc chậm nộp tiền thuê đất của doanh nghiệp ngoài việc thu thêm tiền chậm nộp và cho phép cưỡng thu.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Trường, chủ doanh nghiệp Xuân Trường khẳng định, vì quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới nên tất cả các hợp đồng thuê đất đều không có giá trị, bởi đó là tài sản của nhân loại... Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Tháng 6.2014, UNESCO đã ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Đây là là một vùng du lịch tổng hợp gồm Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính... Nếu cho rằng “Tràng An là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới nên tất cả các hợp đồng thuê đất đều không có giá trị, bởi đó là tài sản của nhân loại” thì đó là hiểu chưa chính xác.

Chúng ta đang sống trong vùng lãnh thổ quốc gia dưới sự quản lý của Nhà nước, vì vậy mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ các quy định và chính sách quản lý của Nhà nước. Trong đó Nhà nước thống nhất quản lý đất đai và quản lý di sản. Điều này khẳng định tại Điều 6 Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi 2009. Riêng đối với di sản thế giới, theo tôi, một di tích, một quần thể các công trình xây dựng hoặc một di chỉ nếu đề nghị được đưa vào danh sách Di sản thế giới sẽ được coi là có “giá trị nổi bật toàn cầu”, mục đích ghi danh một di sản là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới là nhằm bảo vệ, giữ gìn và chuyển giao cho thế hệ tương lai, vì thế không nên gọi là “tài sản của nhân loại”.

Về mặt quản lý di sản, chúng ta thấy Nhà nước trực tiếp quản lý di sản, ngay quá trình nộp hồ sơ đăng ký ghi danh di sản thế giới cũng do Nhà nước thực hiện nên không thể nói sau khi trở thành di sản thế giới thì tài sản là của “nhân loại”, Nhà nước không có quyền thu tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp với tư cách tổ chức được giao quản lý di sản cần phải chung tay gánh vác nhiều trách nhiệm hơn cùng với Nhà nước trong việc bảo tồn, phân bổ nguồn lực tài chính để duy trì, bảo vệ di sản, quảng bá đến cộng đồng và phát triển du lịch.

Hiện nay chúng ta đã có Nghị định số 109/2017/NĐ-CP về bảo vệ, quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Điều 17 của Nghị định này quy định: “Nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản thế giới bao gồm: a) Ngân sách nhà nước; b) Khoản thu từ phí tham quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước; c) Khoản thu từ hoạt động dịch vụ tại di sản thế giới; d) Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đ) Các nguồn tài chính hợp pháp khác. Các khoản thu nêu tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, được sử dụng để chi trả cho hoạt động trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới”.

Như vậy, doanh nghiệp vẫn phải nộp nghĩa vụ thuế (thuế và các khoản khác bao gồm tiền thuê đất) cho Nhà nước trước, sau đó nguồn tài chính còn lại mới được dùng để chi trả cho hoạt động khác. Nếu tiếp cận dưới góc độ dự án đầu tư càng thấy một điều chắc chắn, doanh nghiệp xin cấp phép và thực hiện dự án đầu tư, ví dụ như Khu du lịch Tràng An không ngoài mục đích kinh doanh, sinh lời thì việc đóng góp nghĩa vụ tài chính với Nhà nước là điều phù hợp. Trừ trường hợp, dự án nằm trong diện ưu đãi đầu tư, được miễn, giảm tiền thuê đất...

HOÀNG HƯƠNG (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top