Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Di tích quốc gia đình Trùng Hạ (Ninh Bình) bị sơn đỏ lòe loẹt:Lại chuyện cười ra nước mắt

Thứ Sáu 21/02/2020 | 10:33 GMT+7

VHO- Trang thông tin của nhóm Đình làng Việt vừa cập nhật tin tức về việc đình Trùng Hạ (xã Gia Tân, Gia Viễn, Ninh Bình) vừa trở thành “nạn nhân” tiếp theo của vấn nạn sơn phết trong di tích, câu chuyện đáng buồn trong trùng tu di tích đã được cảnh báo không ít lần.

Đình Trùng Hạ khi chưa bị sơn (năm 2012)

Nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt bức xúc gọi việc làm này là “biến những điều không thể thành có thể”.

Di tích bị sơn đỏ lòe loẹt

“Tin chưa từng có: Đình Trùng Hạ, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, ngôi đình có kiến trúc thế kỷ 17 với nhiều chạm khắc thể hiện trình độ thẩm mỹ và tài hoa của nghệ nhân, đã được xếp hạng di tích cấp Bộ vừa mới được sơn toàn bộ màu đỏ và vàng...”. Chia sẻ thông tin “cười ra nước mắt” này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt bày tỏ bức xúc và gọi việc làm ở đình Trùng Hạ là “biến những điều không thể thành có thể”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình nói, nhận được thông tin và hình ảnh của thành viên trong nhóm về việc đình Trùng Hạ bị sơn phết lòe loẹt, thay đổi hoàn toàn so với nguyên gốc, ông và nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa chuyên nghiên cứu về vốn di sản đình làng đã không khỏi giật mình. Câu chuyện vấn nạn sơn phết di tích đâu phải lần đầu, thế nhưng qua hết vụ việc lần này đến lần khác, nhiều địa phương dường như vẫn thờ ơ và chưa muốn... rút kinh nghiệm.

Đình Trùng Thượng, đình Trùng Hạ là 2 di tích quốc gia trên địa bàn xã Gia Tân, huyện Gia Viễn. Hai ngôi đình có phong cách kiến trúc và điêu khắc trang trí thế kỷ 17, thời Lê Trung Hưng. Nghệ thuật điêu khắc trang trí ở ngôi đình được đánh giá tiêu biểu cho nghệ thuật đình làng khu vực Bắc Bộ. Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa, từ những năm 1999-2000 đình Trùng Hạ đã bị xuống cấp. Sau này đình đã được tôn tạo lại, các mảng chạm khắc hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, nghệ thuật điêu khắc kiến trúc đình làng thế kỷ 16, 17, 18 là giai đoạn chiếm lĩnh đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam. Những đường nét điêu khắc trên kiến trúc đình làng Trùng Thượng, Trùng Hạ có thể xem là những minh chứng rõ nét. Tuy nhiên, những giá trị kiến trúc điêu khắc ở những ngôi đình cổ như Trùng Hạ chỉ phát huy khi nó được để mộc không sơn thếp. “Vậy mà...”, không ít tiếng thở dài trước hình ảnh ngôi đình được sơn phết đỏ, vàng lòe loẹt.

Bắt đầu từ thông tin của một thành viên trong nhóm “Đình làng Việt” chuyên điền dã, nghiên cứu về văn hóa kiến trúc đình làng trong một lần thực tế về đình Trùng Hạ gần đây đã phát hiện những người thợ vừa xong công đoạn bả lên lớp gỗ cũ, chuẩn bị thực hiện nước sơn đầu tiên. Mặc dù đã có ý kiến can ngăn nhưng sự việc vẫn tiếp tục diễn ra. Ngôi đình cuối cùng đã mang một “chiếc áo mới” lòe loẹt, được phủ lên bằng những lớp sơn công nghiệp bóng nhẫy. “Người ta chọn sơn công nghiệp mà không phải sơn ta chắc để... cho nhanh. Nếu để mộc thì tiếng nói, ngôn ngữ hình khối của nghệ thuật điêu khắc đình làng mới có thể phát huy hiệu quả, các chi tiết chạm khắc trên hoa văn mới bộc lộ nét tinh tế của bàn tay người thợ. Còn nếu sơn thếp sặc sỡ thì giá trị di sản đã bị đánh mất”, thành viên của nhóm Đình làng Việt chia sẻ.

Đình Trùng Hạ sau khi bị sơn đỏ

Phải tiếp tục báo động

Nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) là người đã có nhiều gắn bó với kiến trúc đình làng cho biết, mọi quy định về bảo tồn, trùng tu di tích đều đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa, thế nhưng thực tế vẫn xảy ra quá nhiều vụ việc xâm phạm di tích do những nhận thức và cách làm sai lầm.

“Truyền thông, báo chí và các cơ quan quản lý cũng đã không ít lần cảnh báo, gần đây nhất là vụ sơn đỏ di tích đình Văn Xá ở Hà Nam cũng đã khiến dư luận ồn ào, đến nay lại là câu chuyện ở đình Trùng Hạ. Thực sự khiến những người yêu di sản quá đau lòng. Rõ ràng việc sơn lại di tích màu đỏ, vàng, những hòa sắc rực rỡ như thế này không hề có trong truyền thống đã thể hiện một lối tư duy và cách làm rất ẩu, không tôn trọng di sản. Dù không phải lần đầu tiên có những di tích bị xâm phạm như thế này nhưng chúng ta cũng không thể thờ ơ mà phải tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động”, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế lên tiếng.

Họa sĩ này cũng phải thốt lên, việc sơn thếp di tích như đã thành “dịch” mất rồi. Bản thân ông trong quá trình nghiên cứu đã đến nhiều di tích, thực tế cho thấy mọi chế tài, tài liệu hướng dẫn và quy trình bảo tồn đúng nguyên liệu gốc đều có nhưng ít nơi thực hiện. Theo họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, màu sắc trong di tích có quy tắc riêng cho từng vị trí, chẳng hạn chỉ chỗ gần ban thờ mới sơn thếp, xung quanh không có, chủ đích tạo điểm nhấn vào phần trung tâm. Việc sơn thếp đỏ vàng tùy tiện làm cho chúng ta không còn nhận thấy những nét đặc trưng trong kiến trúc ở các ngôi đình như Trùng Hạ, vốn có hòa sắc thuần hậu, chất phác, từng đường nét màu sắc ra sao cũng được lựa chọn, cân nhắc kỹ càng, thể hiện những ý tưởng thâm sâu của người xưa chứ không chói lọi ở mọi góc nhìn như hình ảnh của ngôi đình bây giờ, sau khi được phủ lên những lớp sơn đỏ vàng. Theo họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, việc dùng chất liệu sơn công nghiệp mới, hòa sắc đồng bóng, lòe loẹt hoàn toàn không phù hợp với những ngôi đình làng cổ kính của người Việt.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh thêm, việc sơn thếp ở di tích đình Trùng Hạ, cũng như việc mà nhiều địa phương đã từng làm với không ít di tích có giá trị là không thể chấp nhận được về tu bổ di tích, đặc biệt đối với di tích đã được xếp hạng. Luật Di sản văn hóa nghiêm cấm chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa vậy, thế nhưng ở di sản này bằng mắt thường chúng ta đã thấy rõ sự vi phạm Luật. Về việc khắc phục hậu quả, theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, các mảng chạm bị phủ sơn đỏ rất khó để đưa tình trạng trở về nguyên mẫu. Sự hư hại do cách ứng xử tùy tiện như ở đình Văn Xá, Trùng Hạ tiếp tục đặt vấn đề về thay đổi công tác bảo tồn di sản một cách cơ bản, đúng đắn.

Rõ ràng, chuyện sơn phết lem nhem, đánh mất giá trị cổ kính của các di tích đã khiến nhiều đình đền lên tiếng kêu cứu trong suốt thời gian qua. Một lần nữa, câu chuyện đình Trùng Hạ lại cho thấy những ứng xử với di tích ở nhiều địa phương đang đặt ra nhiều vấn đề. Ngoài kẽ hở trong công tác quản lý, trùng tu các di tích thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ những người làm công tác tu bổ di tích cũng cần được đẩy mạnh. Nếu không, lâu lâu sẽ lại có những ngôi đình bị sơn phết... đỏ lòe đỏ loẹt. 

 BẢO NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top