Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hãy mặc đúng trước khi mặc đẹp

Thứ Sáu 24/01/2020 | 14:08 GMT+7

VHO- Ít ai nghĩ một gương mặt trẻ thuộc thế hệ 9x lại luôn mang trong mình niềm đau đáu, đam mê để rồi dành không ít thời gian, tâm sức cho công việc nghiên cứu, phục dựng áo dài truyền thống, đặc biệt trong cuộc “lội ngược dòng” của áo dài ngũ thân dành cho nam giới.

Trần Nguyễn Trung Hiếu đã nhanh chóng trở thành một cái tên luôn được nhắc tới là một người trẻ luôn trân trọng tìm về vẻ đẹp trong trang phục truyền thống của cha ông. Đôi bàn tay tài khéo cùng với niềm đam mê, với Hiếu như thế là đủ.

Một chàng trai 9X, tốt nghiệp hạng ưu chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp lại theo đuổi những dự án phục cổ trang phục Việt, đặc biệt là áo dài truyền thống ngũ thân. Trong rất nhiều lựa chọn, vì sao Hiếu lại theo đuổi những dự án phục cổ này?

- Trần Nguyễn Trung Hiếu: Thực ra mọi thứ đến với tôi rất tự nhiên, không hẳn gọi là lựa chọn. Có chăng thì đó là công việc nào đem lại cho tôi cảm xúc nhiều hơn, thôi thúc tôi toàn tâm toàn ý theo đuổi hơn. Ban đầu, khi tôi tìm đến với những giá trị truyền thống đơn thuần chỉ vì yêu thích, nhưng sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu sâu, dần dần tôi đã bị cuốn hút bởi những giá trị thẩm mỹ đến từ văn hóa truyền thống. Có điều gì đó cứ thôi thúc tôi dần đến với công việc nghiên cứu, gìn giữ và phục dựng những giá trị truyền thống quý báu của cha ông. Song song với điều đó, sự mai một của các giá trị truyền thống, trong đó có trang phục áo dài cũng khiến tôi suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Dường như hai yếu tố này đã vô hình cộng lại, khiến cho tôi gắn bó với công việc ngày hôm nay.

Lần đầu tiên Trần Nguyễn Trung Hiếu may áo dài ngũ thân là khi nào?

- Hồi năm 2013, tôi may chiếc áo ngũ thân đầu tiên cho anh Trần Quang Đức, một học giả trẻ và là tác giả của ấn phẩm Ngàn năm áo mũ. Anh Đức cũng là người động viên, giới thiệu mọi người biết đến tôi. Đó là cái “duyên tao ngộ” và  đưa đến những cái “duyên kì ngộ” khác sau này. Lần may chiếc áo đầu tiên đó mang nhiều kỷ niệm, mỗi công đoạn từ đo, chọn vải rồi cắt may, cho đến lúc hoàn thiện..., tất cả đều đầy sự bỡ ngỡ, mò mẫm, vụng về của một kẻ tay ngang. Nhưng cũng từ chiếc áo đầu tiên này, tôi bắt đầu tìm hiểu về kỹ thuật cắt may đo truyền thống và  phát hiện ra đó là một thế giới thú vị mà bấy lâu nay đã bị lãng quên. Ý định tìm lại kỹ thuật may đo, thêu thùa xưa cũng bắt đầu từ đó.

Đến nay đã một thời gian may áo dài nam truyền thống, tay nghề trẻ  nhận thấy có những yếu tố thuận lợi và khó khăn nào khi may trang phục này?

- Từ lúc bắt đầu cho đến nay cũng là một khoảng thời gian dài, kỹ thuật cắt may tôi cũng đã dần hoàn thiện. Tuy nhiên về phần chất liệu, tôi vẫn còn nhiều trăn trở. Mong muốn của bản thân là áo dài phải sử dụng chất liệu truyền thống từ các làng nghề có tiếng ở Việt Nam. Nhưng sau một thời gian tìm hiểu và thử nghiệm thì hầu như các mặt hàng tơ lụa truyền thống đã không còn giữ được chất lượng vốn có như xưa, thông số sợi dệt, màu sắc và hoa văn, nhất là với áo dài nam, dường không có một loại nào phù hợp. Về nguyên tắc cơ bản, áo dài nam thường dùng các gam màu trầm, không sặc sỡ, hoa văn dệt to, đường kính trên 10 cm. Áo dài nữ thì màu sắc sẽ phong phú hơn, với hoa văn cỡ nhỏ. Và  dù là vải dùng cho áo dài nam hay áo dài nữ thì cũng cần đảm bảo tính chất các loại hàng tơ tằm phải đanh, không chảy, nhão thì chiếc áo sau khi hoàn thiện mới có được tính thẩm mỹ vốn có của loại áo xưa.

Chất liệu ban đầu đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc hoàn thiện sản phẩm sau này. Hiện nay, vì bất đắc dĩ, nhiều trường hợp chúng ta phải sử dụng các mặt hàng tơ tằm của nước ngoài để thay thế. Đó là một điều đáng buồn và buộc chúng ta phải suy nghĩ thêm. Bản thân tôi mong muốn  phục hồi lại chiếc áo dài truyền thống, đồng thời cũng muốn phục hồi lại các ngành nghề phụ trợ liên quan đến áo dài, đơn cử là nghề tằm tang truyền thống của Việt Nam.

Trần Nguyễn Trung Hiếu với công đoạn làm khuy cho áo dài ngũ thân

 Trong một bài báo, Trần Nguyễn Trung Hiếu có nói rằng  áo dài ngũ thân là lựa chọn hoàn hảo cho đàn ông Việt. Tuy nhiên, gắn với bối cảnh đời sống đương đại thì sự lựa chọn đó nên đưa vào cuộc sống như thế nào cho phù hợp?

- Công việc cấp bách đầu tiên chúng ta cần làm là trả lại cho cái áo dài một “diện mạo” đúng nhất, đúng từ hình dáng  cho đến cách mặc, có thể nói nôm na là “mặc đúng trước khi mặc đẹp”. Bấy lâu nay mọi người luôn có một suy nghĩ  là phải làm mới, phải “biến tấu” chiếc áo dài thành một sản phẩm hợp thời đại, còn một bộ phận các nhà thiết kế thì loay hoay cách tân chiếc áo theo đủ mọi cách họ có thể nghĩ ra, phá vỡ cả những nguyên tắc thẩm mỹ cơ bản  là tỉ lệ và bố cục, dẫn đến một chuyện mà ai cũng thấy rất rõ ràng là càng cách tân thì càng sai, càng xấu.

Tôi không phải là một người nệ cổ, những chi tiết rườm rà, phức tạp có thể tiết chế hoặc bỏ qua, nhưng những thứ thuộc về căn bản thì phải giữ cho đúng, vì nó là cái gốc. Cái gốc mà vững thì làm gì cũng không sợ bị sai lệch, lai căng. 

Cơ duyên nào khiến Hiếu gắn kết với CLB Áo dài truyền thống nam của nhóm Đình làng Việt?

- Tôi chỉ là người âm thầm theo dõi hoạt động của nhóm Đình làng Việt và may mắn được mọi người tin tưởng, ưu ái cho những lời khen ngợi. Và như vậy tôi lại có cơ hội làm áo cho mọi người trong hội. Tôi biết rõ, mọi người đặt may là một việc, việc khác là muốn ủng hộ tinh thần của một người trẻ hoài cổ. Bởi thế nhân đây tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến những người anh, người chị và bạn bè đã tin tưởng ủng hộ,  kiên nhẫn với tôi trong thời gian qua.

. Lặng lẽ theo đuổi đam mê, góp sức phục hồi những giá trị truyền thống Việt, trong đó có biểu tượng là áo dài ngũ thân, có cảm nhận Hiếu không thích ồn ào trên con đường lội ngược dòng đầy nghiêm túc của mình?

- Có lẽ đó là tính chất công việc. Công việc này khó có thể sôi nổi hay ồn ào, có chăng là sự chia sẻ những điều đầy lý thú giữa những tâm hồn hoài cổ với nhau. Nếu ví von công việc của tôi như một hành trình, thì hành trình này vẫn còn dài lắm. Tôi nhận thấy bản thân vẫn chưa làm gì được nhiều, đơn thuần chỉ là tái hiện lại được phần nào cách may đo áo dài ngũ thân theo phong cách cổ, trong khi di sản văn vật cổ truyền là một thế giới rộng lớn, mỗi hiện vật  là một thế giới bí ẩn riêng cần được khám phá.

Trang phục áo dài cưới ngũ thân của cô dâu chú rể do Trần Nguyễn Trung Hiếu thiết kế và may

Áo dài ngũ thân mà Hiếu may có những đặc điểm gì khác để phân biệt với một số mẫu áo được gọi là áo dài nam đang có trên thị trường?

- Gọi là áo dài ngũ thân thì phần nào cũng nói lên được đây là loại áo dài nguyên gốc, không cách tân, không pha trộn. Nói cho đúng thì chiếc áo dài có nhiều giai đoạn, chúng ta phải xác định mình muốn mặc chiếc áo ở  giai đoạn nào. Vì mỗi giai đoạn lịch sử thì chiếc áo dài đã có chút biến đổi, và áo dài ở ba miền lại có vài đặc trưng riêng.

Ở những chiếc áo dài ngũ thân tôi làm, vì muốn nó gần nhất với nguyên bản nên sẽ có những chi tiết riêng và đó là những điều tôi muốn chia sẻ khi mọi người tìm đến. Tôi nhận ra rằng, chính những tiểu tiết như kỹ thuật may giấu đường chỉ, những đường viền áo, mũi đột tay “trứng rận”, những chiếc khuya vải nhỏ xíu được thùa tỉ mỉ lên áo, nút đồng sáng choang... chính là những nét đẹp rất tinh tế, nền nã của chiếc áo xưa mà ông bà chúng ta muốn thể hiện thật khéo léo trên từng chiếc áo. Nhận ra điều này nên tôi muốn tìm lại những kỹ thuật đó và tái hiện chúng trên những sản phẩm của mình.

 Hiện có rất nhiều người thích mặc áo dài nam nhưng họ lại không biết đâu là truyền thống, đâu là cách tân, trong đó có nhiều mẫu áo cách tân sai lệch. Hiếu có suy nghĩ gì với tư cách người phục dựng lại những yếu tố truyền thống trên áo dài nam?

- Như tôi đã chia sẻ, thiết kế là ngành nghề sáng tạo nghệ thuật  và cách tân là làm mới những  giá trị cũ thông qua những quan điểm thẩm mỹ đương thời. Với những người làm thiết kế lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống thì họ dùng những giá trị văn hóa truyền thống ấy để làm “vật liệu sáng tạo” cho những sản phẩm của họ. Chúng ta không trách họ được khi họ phải sáng tạo liên tục, quan trọng là họ có nền tảng kiến thức văn hóa truyền thống vững chắc hay không, để không làm sai lệch quá nhiều và giữ được những giá trị thẩm mỹ cơ bản của văn hóa truyền thống. Trong thời buổi hiện tại, những tư liệu lịch sử, từ hình ảnh đến hiện vật được phổ biến rộng rãi, chúng ta có rất nhiều nguồn tham khảo khả tín để tham khảo, học hỏi. Tôi mong rằng những ai làm thiết kế  liên quan đến văn hóa cổ truyền nói chung và chiếc áo dài nói riêng sẽ có tinh thần làm việc nghiêm túc và cầu thị hơn.

Xin cảm ơn Trần Nguyễn Trung Hiếu và chúc bạn thành công!

 

Chiếc áo dài bây giờ đã trở thành trang phục truyền thống và tương lai gần như là Quốc phục bởi nó mang trên mình nhiều ý nghĩa mang tính thời đại, là biểu tượng tính dân tộc của văn hóa Quốc gia cũng như Quốc thể. “Trước khi mặc đẹp hãy mặc cho đúng”, đó là một khẩu hiệu rất đơn giản nhưng bản thân tôi thấy rất đúng. Mỗi người chỉ cần đừng tùy tiện mặc cũng như dễ dàng chấp nhận những cách tân sai lệch với áo dài truyền thống...

Hoàng Ngân (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top