Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Còn lâu lắm mới hiểu hết Mỹ Sơn

Thứ Sáu 24/01/2020 | 12:28 GMT+7

VHO- Nắng chiều vàng rực nhưng cái vầng hừng lên từ khu đền tháp Mỹ Sơn lại đỏ như son vậy. Những viên gạch đỏ au với thời gian quả là sự kỳ bí của văn hóa Chăm. Những đường cong vẽ lên không trung hình tượng đầy ám ảnh về những ngọn tháp, mà người Chăm đã từng ngợi ca về quá khứ rực rỡ của mình.

Ảnh: Crowntravelvn.com

Nhìn tổng thể khu đền tháp Mỹ Sơn là hệ thống kiến trúc tâm linh rộng 142 ha, gồm 70 đền và tháp cổ hơn 700 năm. Với nghệ thuật hội họa và điêu khắc Chăm, khu đền tháp Mỹ Sơn là di sản độc đáo trên thế giới, tiêu biểu cho cả vùng văn hóa Đông Nam Á, là bằng chứng duy nhất về nền văn minh châu Á đã biến mất.

Vẫn còn nhiều bí ẩn

Mới đây các nhà khảo sát Ấn Độ đã phát hiện ra một con đường ngầm dưới khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam). Đó là sự hiện diện mới lạ sau bốn mươi năm khảo sát và trùng tu bảo tồn Di sản thế giới Mỹ Sơn. Vậy mới hay, mỗi ngày lịch sử đế chế 1000 năm văn hóa Chăm không bao giờ vơi cạn. Bởi mới đào sâu một mét các nhà khảo cổ đã tìm ra một con đường cổ ngàn năm.

Rất có thể dưới từng lớp đất theo thời gian dưới khu đền tháp Mỹ Sơn sẽ còn những công trình Chăm nào khác hay một Mỹ Sơn khác? Bởi lịch sử huy hoàng của vương quốc Chăm không chỉ có 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá xây dựng từ thế kỷ VII- XIII. Nhưng cho đến nay, công trình kiến trúc Mỹ Sơn là một công trình theo tư tưởng Ấn Độ giáo quan trọng nhất của vương quốc Chămpa xưa.

Sau 20 năm được tôn vinh là Di sản Văn hóa Thế giới, khu đền tháp Mỹ Sơn vẫn còn đứng trước thử thách lớn để tìm ra những bí ẩn mà người Chăm đã để lại. Nét đặc sắc của văn hóa Chăm chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ nền văn hóa Ấn Độ từ chữ viết đến triết lý tâm linh. Điều đó gắn bó với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm trên khắp dải miền Trung nước ta.

Mỹ Sơn là một hình ảnh kỳ vĩ và lãng mạn nhất của văn hóa Chăm hơn 700 năm qua. Công trùng tu và bảo tồn đầu tiên phải kể đến kiến trúc sư Kazik người Ba Lan. Kazik gắn bó gần hai mươi năm cuối cuộc đời với mảnh đất rừng núi Quảng Nam như một định mệnh. Bởi không ai nghĩ rằng, Kazik sẽ quay lại Mỹ Sơn sau trận bị vướng bom mìn còn sót lại của giặc Mỹ, trong khu chiến địa này. Đó là một câu chuyện khủng khiếp đã xảy ra, ngay chuyến đi đầu tiên của Kazik vào năm 1981, cùng với đoàn khảo sát vào Mỹ Sơn. Mọi người như bị giăng bẫy vậy. Bom nổ như sấm. Những ngôi tháp Chăm như bừng tỉnh rung rinh. Khu di tích bị bỏ quên hàng trăm năm bỗng lóe sáng trong đêm đen.

Đoàn khảo sát và bảo tồn đã bỏ lại 6 mạng người và 11 người bị trở thành phế nhân. Kiến trúc sư Kazik, đoàn trưởng bị ngất đi trong bức tường đổ nát, hoang tàn, đỏ lịm những vết máu. Vậy mà sau thời gian dưỡng thương, Kazik đã hăm hở trở lại, trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông tự cho việc cứu lại những ngôi đền, tháp Chăm là một xứ mệnh thiêng liêng. Kazik ngày đêm sống và mơ mộng cùng với tháp Chăm. Đúng với hình ảnh cứu vớt sự sống còn thoi thóp của một dấu ấn văn hóa, lịch sử còn sót lại của dân tộc Chăm. Và, đó chính là màu sắc của văn minh nhân loại, cần phải gìn giữ chúng bằng mọi giá. Kiến trúc sư Kazik đánh giá: “Người Chăm cổ đã biết thổi hồn vào đất đá; biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ, thâm nghiêm và hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà chúng ta còn lâu mới hiểu hết”.

Kiến trúc sư Kazik là một người say Chăm. Ông còn đưa cả con trai sang cùng làm việc tại Mỹ Sơn. Riêng ông còn nguyện khi chết xin được chôn cất tại khu rừng bên cạnh khu đền tháp bí ẩn này, ông nói: “Tôi vốn là cư dân Mỹ Sơn, khi tôi chết, hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn”. Sau 16 năm (1981- 1997) gắn bó với Mỹ Sơn, kiến trúc sư Kazik có công chuẩn bị kỹ hồ sơ để trình UNESCO công nhận Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới (tháng 12.1999). Quả nhiên khi mất ông đã nằm lại đất Quảng Nam một thời gian sau đó gia đình mới đưa về Ba Lan. Cũng từ đây những dự án bảo tồn trùng tu di tích Mỹ Sơn đã ra đời.

Không còn là cơn ngủ vùi của quá khứ

Hiện nay các kiến trúc sư Ấn Độ đang thực hiện trùng tu một số nhóm tháp góp phần cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chúng. Còn hàng chục đền tháp cần phải gấp rút trùng tu bảo tồn vì đang đứng trước sự hủy diệt của thời gian. Bên cạnh những hố bom đầy ắp nước không ít đền tháp bị hủy hoại vì bom đạn chiến tranh cần phải dựng lại với kiến trúc nguyên bản là môt công việc không hề đơn giản.

Không chỉ dừng lại ở việc quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, những giá trị về văn hóa phi vật thể cũng đang trở thành vấn đề mà địa phương và ngành chức năng tại đây đặt ra để bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Nói về vấn đề này, ông Phan Hộ, Giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, trong 20 năm qua, giá trị nổi bật nhất của công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể là việc xây dựng thành công thương hiệu múa Chăm Mỹ Sơn. Bắt đầu từ nền văn hóa phi vật thể dân gian Chăm, BQL đã hình thành ý tưởng, xây dựng con người, ra đời Đội văn nghệ dân gian Chăm (nay là phòng Văn hóa Nghệ thuật Dân gian Chăm) và ngày càng củng cố, bổ sung các chương trình biểu diễn múa dân gian thu hút khách và gìn giữ bảo tồn vốn quý văn hóa truyền thống. Ngoài ra, còn tổ chức khai thác, xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện lễ hội như Đêm Mỹ Sơn huyền ảo; Hành trình Di sản lần 1,2,3; Chương trình Lễ hội Mùa Xuân bên tháp cổ, Festival di sản, sự kiện kỷ niệm 5 năm, 10, năm, 15 năm, 20 năm Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới…  đã tạo nên những sản phẩm du lịch và sự kiện văn hóa đặc trưng của Mỹ Sơn. Một khu rừng âm thanh Chămpa luôn dào dạt và say đắm trong những vũ điệu Apsara.

Chúng tôi cùng du khách bị cuốn hút vào những công trình được tu bổ khá hoàn chỉnh. Những đền tháp được phục dựng khá chân thực về cấu trúc và kết nối vật liệu giữ được hồn cốt của kiến trúc cổ của người Chăm cách đây hơn 700 năm. Những tháp đền đã bị vỡ vụn theo thời gian và sự khắc nghiệt của thiên tai và chiến tranh. Trên nền tảng kiến trúc cũ, các nhà khoa học và kiến trúc đã có công phục dựng lại khá hoàn chỉnh. Đó là thành tựu lớn trong sự nghiệp bảo tồn giữ gìn di sản thế giới. Bên cạnh đó, mỗi năm nguồn thu từ du khách khắp trong nước và thế giới đến khu di tích này tăng lên rõ rệt. Mỗi ngày có hơn 1.000 khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu tại Mỹ Sơn.

Điều quan trọng là người dân và cộng đồng ở đây tham gia tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Chính cộng đồng ở đây đã trở thành một phần của “sản phẩm du lịch” khi du lịch văn hóa và cuộc sống hằng ngày của cộng đồng đã phản ánh tính xác thực của điểm đến hoặc làm mất giá trị của nó. Có lẽ vì thế, khu di tích Mỹ Sơn thực sự đã không còn là cơn ngủ vùi của quá khứ mà đang hồi sinh mãnh liệt.

Vương Thăng Long

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top