Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lan tỏa nét đẹp áo dài trong văn hóa Huế

Thứ Sáu 10/01/2020 | 11:29 GMT+7

VHO- Được xem là “chiếc nôi” của áo dài Việt, Thừa Thiên Huế đã và đang có nhiều chính sách, chương trình hành động để nét đẹp này lan tỏa trong cộng đồng.

 Áo dài Việt dành cho phụ nữ, trẻ em và cả nam giới

Năm 2020, tỉnh này sẽ triển khai đề án “Ngày hội áo dài” với chuỗi các chương trình hấp dẫn tại Festival Huế cùng nhiều hoạt động văn hóa trải dài trong suốt cả năm.

Tri ân tiền nhân

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lần đầu tiên tỉnh này sẽ tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa và các hoạt động tri ân tiền nhân đã khai sinh áo dài Việt. Chương trình này mở đầu cho chuỗi hoạt động của “Ngày hội áo dài” tại Festival Huế 2020 và sẽ được thực hiện tại lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát và lăng vua Minh Mạng.

Đây cũng là hành động thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã khai sinh và đưa áo dài thành trang phục thống nhất của người Việt. Theo Ban Tổ chức Festival Huế 2020, cùng với các hoạt động tri ân tiền nhân còn có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc giới thiệu và quảng bá áo dài Việt, áo dài Huế. Điểm nhấn chính là show trình diễn áo dài tại cầu Trường Tiền và tuyến đi bộ ở Nam sông Hương; chương trình biểu diễn thực cảnh “Áo dài xưa và nay” tại khu di sản Huế; chương trình phát động người dân tham gia mặc áo dài trong thời gian diễn ra Festival Huế 2020 và quảng diễn áo dài Huế trong các hoạt động cộng đồng… Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: Những phụ nữ mặc áo dài xuống đường sẽ được miễn phí đi xích lô tham quan thành phố Huế trong những ngày diễn ra lễ hội.

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế thông tin, “Show diễn áo dài sẽ là không gian mở ở cầu Trường Tiền, dưới sông Hương và khu vực phố đi bộ. Chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều khi lựa chọn các kịch bản của show diễn này, nhằm hướng đến chất lượng của chương trình cũng như khả năng tiếp cận của công chúng. Chúng tôi nhận được 2 kịch bản của đêm diễn áo dài tại Festival Huế 2020. Sau khi Hội đồng nghệ thuật thẩm định, đã thống nhất đề xuất tỉnh chọn đạo diễn Quang Tú – người đã nhiều lần đưa áo dài Việt trình diễn ở nhiều nơi trên thế giới”.

Ngoài đêm Lễ hội áo dài đầy bản sắc Huế, bản sắc Việt thì các đơn vị trong tỉnh cũng sẽ có nhiều chương trình cộng đồng để lan tỏa hình ảnh áo dài đến nhiều người dân và du khách trong kỳ Festival Huế 2020.

 Nữ sinh Huế trong tà áo dài trắng lúc tan trường

“Ngày hội áo dài” sẽ kéo dài quanh năm

Ngoài điểm nhấn của những hoạt động chính tại Festival Huế 2020, đề án “Ngày hội áo dài” còn được tổ chức với nhiều chuỗi hoạt động khác trong năm này. Cụ thể, sẽ có chương trình áo dài trong sinh hoạt đời thường diễn ra ở khu phố cổ Bao Vinh bên dòng Hương thơ mộng. Chương trình sẽ do UBND thị xã Hương Trà phối hợp với doanh nghiệp thực hiện, với nội dung chính là tái hiện các hoạt động sinh hoạt văn hóa đời thường, mua bán trao đổi hàng hóa ở Bao Vinh gắn với thương cảng Thanh Hà nổi tiếng từ thế kỷ 18.

Chương trình Áo dài trong lễ hội truyền thống sẽ diễn ra tại điểm di tích Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy); chương trình Áo dài trong nghi lễ gia tộc như lễ cưới, hỏi, vinh quy bái tổ…, dự kiến được tổ chức ở làng cổ Phước Tích – một trong hai làng cổ nổi tiếng của cả nước…

Bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin rằng: cùng với kế hoạch nói trên, đề án “Ngày hội Áo dài” sẽ được tổ chức quanh năm 2020. Mỗi chủ của chương trình sẽ được lên kế hoạch tổ chức ở những mốc thời gian hợp lý, vừa quảng bá thu hút du khách, vừa chuyển tải nhiều thông điệp về giữ gìn văn hóa áo dài truyền thống. Bà Trâm cho biết thêm, UBND tỉnh cũng đang kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư không gian trình diễn, giới thiệu, trưng bày áo dài tại Huế.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, cần tập trung xây dựng thương hiệu áo dài Huế gắn với Cố đô Huế và các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của xứ Huế, xây dựng thành các tour du lịch khám phá. Vận động hình thành Phố kinh doanh Áo dài Huế, hình thành một số tiệm may áo phục vụ khách có đẳng cấp cao; tạo mối liên kết giữa các cơ sở du lịch và người làm dịch vụ may và kinh doanh áo dài…

“Để áo dài phục sinh trên đất Huế chính là làm giàu thêm cho Huế, giàu cả về những giá trị văn hóa và giàu lên nhờ dịch vụ áo dài phát triển”, ông Nguyễn Xuân Hoa nhấn mạnh.

 Năm 2018, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thư kêu gọi các nữ giáo viên, học sinh- sinh viên của các trường học trên địa bàn mặc áo dài ít nhất 2 lần/tuần; đồng thời tỉnh này cũng quy định nữ cán bộ công nhân viên chức tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn phải mặc áo dài vào ngày thứ Hai hằng tuần. Văn hóa mặc áo dài từ đó dần lan tỏa trong các hoạt động giáo dục, văn hóa xã hội của người dân xứ Huế.

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top