Đừng để di tích đình Cẩm Thượng thành “nhà kho”

VHO- Đình Cẩm Thượng là ngôi đình duy nhất còn lại ở TP Quy Nhơn (Bình Định) sau chủ trương tiêu thổ kháng chiến chống Pháp. Mặc dù được UBND tỉnh Bình Định công nhận di tích cấp tỉnh năm 2010 và được trùng tu một phần nhưng ngôi đình đang bị lãng quên, luôn đóng cửa, bị biến thành “nhà kho” chứa vật dụng.

Đừng để di tích đình Cẩm Thượng thành “nhà kho” - Anh 1

 Đình Cẩm Thượng, di tích lịch sử cấp tỉnh của Bình Định đang bị lãng quên và khóa cổng trong nhiều năm qua

Đình Cẩm Thượng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân làng Cẩm Thượng từ đầu thế kỷ XIX. Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, di tích lịch sử đình Cẩm Thượng gắn liền với làng Cẩm Thượng, thôn Vĩnh Khánh, cũng là di tích minh chứng quá trình hình thành phát triển đô thị Quy Nhơn. Trước đây, Quy Nhơn có 4 đình làng, gồm Cẩm Thượng, Chánh Thành, Hưng Thạnh, Xuân Quang, nhưng đến nay chỉ còn lại đình Cẩm Thượng. Đình được lưu giữ lại vì Ủy ban Hành chính kháng chiến ở đình để tập kết 300 ngày đêm.

Năm 2011, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương sửa chữa tường rào, cổng, sân đình Cẩm Thượng từ nguồn kinh phí ngân sách TP Quy Nhơn, đồng thời giao Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL cùng các ngành liên quan triển khai thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo về mặt kiến trúc, quy hoạch giao thông đô thị. Tuy nhiên, kể từ ngày đình được chỉnh trang, trùng tu một phần thì từ đó tới nay ngôi đình luôn nằm trong tình trạng khóa cổng, không ai vào thắp hương thờ tự, chiêm bái, cũng như khách tham quan du lịch cũng không thể vào trong để thưởng lãm ngôi đình.

Ghi nhận thực tế tại đình Cẩm Thượng, phóng viên Văn Hóa chứng kiến phần tường, mái đình bị phủ rêu; cửa kính bị vỡ, sân đình chứa đủ loại vật dụng khác nhau. Người dân sống xung quanh nơi đây trăn trở, nhìn đình Cẩm Thượng như thế rất xót xa, tiếc nuối. Không hiểu vì sao, ngôi đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh lại bị bỏ quên như vậy? Một người dân có nhà ở gần đình Cẩm Thượng bức xúc thổ lộ, “ngôi đình đóng cửa suốt nhiều năm nay. Chừng một năm nay trở lại đây, vào ngày mùng một và ngày rằm hằng tháng mới thấy có người mở cửa thắp hương. Ngôi đình xây xong, không thể phục vụ cho cộng đồng, quả thật quá đáng tiếc. Đáng nói hơn, di tích lại biến thành nhà kho chứa các đồ vật dụng”.

Đừng để di tích đình Cẩm Thượng thành “nhà kho” - Anh 2

 Bên trong sân di tích đình Cẩm Thượng đang bị lợi dụng, trở thành nơi chứa các vật dụng

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể Thao TP Quy Nhơn giải thích, “Chúng tôi đang tìm đơn vị tư vấn về thông tin ghi bên trong ngôi đình như thế nào, bởi vậy nên chưa sửa chữa được lại bên trong ngôi đình. Nói rõ hơn, là các chứng cứ, tư liệu để trùng tu, phục dựng lại bên trong ngôi đình đang bị hạn chế. Những chữ ghi trong đình đã mờ, tróc không còn rõ chữ, chỉ còn lại dấu vết. Hiện cơ quan đã cử cán bộ vào ngày mùng một, ngày rằm đến di tích thắp hương”.

Thiết nghĩ, UBND TP Quy Nhơn cần chỉ đạo các ngành liên quan khắc phục di tích đang bị lợi dụng, trở thành nhà kho chứa các vật dụng, cũng như có đầu tư xứng đáng, để di tích cấp tỉnh đình Cẩm Thượng “sống lại”, hiện hữu rõ hơn giữa lòng thành phố.

PHAN HIU

Ý kiến bạn đọc