Nhiều hoạt động hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
VHO- Hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11.2019, sẽ có nhiều chuỗi hoạt động sẽ được tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh những hoạt động mang tính thường niên, có nhiều sự kiện mang những nét mới tích cực.
Học sinh tham gia trải nghiệm giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội
Lần đầu Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống”
Tại Bảo tàng Hà Nội, ngày 20.11, kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, Sở VHTT Hà Nội tổ chức gặp mặt kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô. Đây là hoạt động thường niên của những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Hà Nội. Đáng chú ý, tại Bảo tàng Hà Nội dịp này lần đầu tiên Sở VHTT Hà Nội tổ chức Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống”. Là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của VN, Tranh Hàng Trống đã góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển nghề làm tranh dân gian, làm cho nghề làm tranh truyền thống Việt Nam trở nên cực thịnh một thời.
Cùng với sự phát triển của đất nước, tranh dân gian cũng vậy, có những dòng tranh thì phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có dòng tranh dần dần bị mai một, nhưng những giá trị to lớn của mỗi dòng tranh vẫn còn đó. Trong đó dòng tranh dân gian Hàng Trống là một ví dụ, hiện nay theo nghiên cứu thì chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn nắm giữ bí quyết làm tranh Hàng Trống. Tại triển lãm, 50 bức tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên được đưa ra trưng bày phục vụ công chúng tham quan theo các chủ đề: “Tranh thờ”, “Tranh Tết”, “ Tranh thế sự”. Đặc biệt, triển lãm còn dành một không gian trải nghiệm, ứng dụng công nghệ “AI deep learning” trong nhận diện hình ảnh; giúp khách tham quan được tương tác với các tác phẩm. Hình ảnh của mỗi khách tham quan sẽ được công nghệ “AI deep learning” học theo nét vẽ và phong cách tranh của nghệ nhân và tạo ra các hình ảnh phát sinh theo đường nét và phong cách đó. Vì vậy, khách tham quan sẽ được trải nghiệm hình ảnh của chính mình trong một bức tranh dân gian Hàng Trống.
Giới thiệu nghề làm tơ Hà Thành
Nghề dệt tơ làng Phùng Xá, Hà Nội
Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ ngày 22.11 đến ngày 15.12 sẽ diễn ra chuỗi hoạt động như: Trưng bày giới thiệu một số công đoạn làm tơ của nghệ nhân; Trình diễn thời trang “Tiếng tơ” của Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy - Thương hiệu Trịnh Fashion; Nhà thiết kế La Hằng - Thương hiệu Áo dài La Hằng; Nhà thiết kế Thùy Anh - Thương hiệu TAF; Tọa đàm “Câu chuyện tiếng tơ” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân và các nhà thiết kế; Biểu diễn âm nhạc nghệ thuật “Chuyện nhạc tiếng tơ”của nhóm Đông Kinh cổ nhạc.
Thành phố Hà Nội được mệnh danh là “vùng đất trăm nghề”, với số lượng các làng nghề lớn nhất cả nước. Trải qua hơn 1.000 năm văn hiến, các làng nghề xưa vẫn còn in dấu ấn cho tới ngày nay. Hà Nội là nơi hội tụ, giao lưu, lan tỏa nghề truyền thống Việt Nam. Trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Trong đó, nghề làm tơ cũng là một trong những nét văn hóa thú vị của người Hà thành. Trong danh sách các làng nghề truyền thống ở Hà Nội hiện nay, làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông nổi tiếng là quê hương của nghề dệt lụa tơ tằm. Hay như làng nghề Phùng Xá, Hoài Đức, Hà Nội cũng được biết đến với nghề dệt lụa từ tơ sen rất độc đáo...
PGS.TS Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết “Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước. Hà Nội cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa nhất cả nước. Hà Nội là thị trường giao lưu làng nghề trong nước và quốc tế có thể nói là lớn nhất bởi vì Hà Nội từ khi xưa là Thăng Long cho đến ngày nay vẫn là Thủ đô của cả nước. Hà Nội có tiềm năng lớn về nghề thủ công của các làng nghề truyền thống”. Bên cạnh sự tham gia diễn xướng, thuyết minh của các nghệ nhân dệt tơ, trong dịp này, nhiều sản phẩm được làm bằng tơ cũng sẽ được trưng bày, giới thiệu với những thủ pháp sản xuất mang hơi thở hiện đại. Đó chính là sức sống của nghề dệt tơ Hà Nội nói riêng và của nghề truyền thống này nói riêng.
Cũng trong chuỗi hoạt động văn hóa “Tiếng tơ”, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng sư thầy Thích Chỉnh Tuệ trưng bày giới thiệu 30 tác phẩm Thi - Thư - Họa miêu tả vẻ đẹp hoa Sen của sư thầy. Các hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11 nhằm bảo tồn các giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Đồng thời tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương có các điểm di sản trong cả nước trong việc trao đổi kinh nghiệm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Tiếp tục chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới
Chính thức ra mắt trong tháng 11, Khu trải nghiệm cùng di sản và Phòng trưng bày sản phẩm lưu niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là một địa chỉ đỏ cho các hoạt động, trải nghiệm của nhóm học sinh đi theo lớp hoặc của trẻ em đi theo gia đình, cũng là nơi dành cho khách tham quan tham gia các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu chuyên sâu về di sản. Đây là hoạt động tích cực để phục vụ thực hiện “Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới” đã được Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội nói riêng và thủ đô Hà Nội triển lãm trong nhiều năm trở lại đây. Không gian này được trang bị đầy đủ điều kiện phù hợp cho các hoạt động giáo dục di sản: bàn, ghế cho các hoạt động của học sinh như vẽ, nặn… và các thiết bị hiện đại: máy tính, máy chiếu, ipad… phục vụ cho các hoạt động chiếu phim, clip về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về lịch sử khoa cử Việt Nam, cũng có thể phục vụ việc trình chiếu, thuyết trình của các em học sinh. “Khu trải nghiệm cùng di sản” còn có hệ thống pano để các em tổ chức các cuộc trưng bày nhỏ, góc lưu giữ cảm xúc với các tấm thẻ... Không gian khu vực trải nghiệm được trang trí bằng bức tranh Vinh quy bái tổ trên tường và các họa tiết trang trí trên bút lông bằng đá ở nhà Thái học xưa.
Tranh dân gian Hàng Trống
Tại đây, các lứa tuổi học sinh đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể học nhiều khía cạnh về lịch sử, truyền thống hiếu học, kiến trúc, mỹ thuật, phong tục tập quán. Chính thức triển khai từ năm 2016, đến nay chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới đã xây dựng được gần 20 chủ đề giáo dục theo lứa tuổi, cấp học, tích hợp với kiến thức trên lớp như: Mãnh hổ hạ sơn, Lớp học xưa, Khám phá kiến trúc cổ, Đánh giá môi trường di tích, Vinh quy bái tổ, Khám phá bia Tiến sĩ, Sách và mộc bản, Ơ kìa con nghê… Mỗi chủ đề là một bài học về di sản sinh động và mang nhiều ý nghĩa.
TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, một trong những chuyên gia tư vấn cho chương trình ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng, cho biết: “UNESCO khuyến nghị các cơ quan di sản văn hóa phải trở thành nơi cung cấp các cơ hội học tập suốt đời cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, tập trung vào ba trụ cột chính: kiến thức, kỹ năng và năng lực. Các chương trình giáo dục di sản văn hóa tạo ra các kênh kết nối giá trị, ý nghĩa và nội dung của di sản văn hóa với công chúng, thu hút sự quan tâm của họ”. Các hoạt động giáo dục di sản theo phương pháp mới tại di tích chú trọng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tương tác. Học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm mang tính chủ động, tích cực, sáng tạo thông qua một khung chương trình do cán bộ di tích thiết kế theo 3 bước: Trước tham quan là hoạt động do giáo viên tổ chức tại lớp học; Trong tham quan là hoạt động tại di tích; và Sau tham quan học sinh sẽ tự sáng tạo những sản phẩm của mình từ những kiến thức đã thu nhận được tại di tích.
PHÚC NGHỆ