Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga: Những ký ức không thể nào quên

Thứ Tư 06/11/2019 | 10:30 GMT+7

VHO-Hằng năm, cứ vào dịp đầu tháng 11 dương lịch, anh chị em chúng tôi - những người từng có những năm tháng được sống và học tập trên đất nước Liên Xô (cũ) - cảm thấy bồi hồi, nhớ nhung và xao xuyến trong lòng. Bởi những năm tháng tuổi trẻ của mỗi lưu học sinh chúng tôi đã có may mắn được học tập và trưởng thành trên đất nước của V.I. Lênin vĩ đại, quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại - một sự kiện đã đi vào lịch sử nhân loại như một dấu ấn của thời đại, gắn với việc hình thành và phát triển hệ thống XHCN trên phạm vi toàn thế giới.

Nhân kỷ niệm 102 năm sự kiện Cách mạng tháng Mười Nga (1917-2019), đặc biệt hai nước Việt Nam-Liên bang Nga kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập ngoại giao 2 nước (1949-2019); với suy nghĩ cá nhân là một cựu sinh viên Việt Nam học tập trên đất nước Liên Xô những năm tháng cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX, tôi chỉ xin nói đôi điều những cảm nghĩ của mình về những năm tháng học tập, lao động trên đất nước Liên Xô tươi đẹp và hào hùng ấy.

Sau khi kết thúc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 30.4.1975, mùa xuân năm 1977, tôi được Bộ Quốc phòng cho đi ôn thi Đại học tại Trường Quân chính Quân khu 3 (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hà Sơn Bình). Rất mừng với số điểm khá cao của kỳ thi đại học năm ấy (tôi đạt 21,5 điểm cho 3 môn: Toán, Lý, Hóa) nên tôi và một số anh chị em đã được tuyển lựa đi đào tạo ở nước ngoài, trong đó hơn một nửa anh chị em chúng tôi được cử sang Liên Xô đào tạo về các ngành nghề khác nhau, như: xây dựng, điều khiển tự động hóa, kinh tế, thống kê, hóa dầu, hóa thực phẩm, phê bình điện ảnh, thông tin thư viện v.v... số còn lại sẽ đi học tại các nước XHCN Đông Âu (CHDC Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hunggari, Bungari...). Có thể nói vào thời điểm ấy, đất nước ta vừa đi qua chiến tranh, còn rất nghèo và đói, nên việc được cử đi “tây” học tập, công tác là một niềm tự hào và vinh dự lớn lao không chỉ cá nhân tôi và còn là vinh dự của cả gia đình và dòng họ, quê hương. Bởi vì lúc đó, Liên Xô đang là thành trì của phe XHCN, một đất nước tươi đẹp, giàu có, văn minh.

    Tác giả bài viết (người đứng trên cùng) cùng với sinh viên Nga và sinh viên Paléstin chụp  ảnh lưu niệm nhân buổi Lễ nhận Bằng tốt nghiệp đại học tại Trường Đại học Văn hóa Kharcốp (1983)

Sau một khóa học dự bị tiếng Nga tại thủ đô Tashkent (nước Cộng hòa Uzebakistan), chúng tôi bay về thành phố Kharkov (nước Cộng hòa Ukraina) để học chuyên ngành Thông tin - thư viện tại Trường Đại học Quốc gia Văn hóa Kharkov. Lúc bấy giờ thời tiết đã chớm thu, không khí se lạnh. Trên những con phố và nhiều cánh rừng, lá đã ngả màu vàng- một màu vàng đặc trưng ở châu Âu khi vào thu. Đón chúng tôi không chỉ là các thầy cô giáo, mà còn có các bạn sinh viên Nga với những nụ cười đôn hậu, quý mến, đã hướng dẫn chúng tôi thủ tục nhập học và đưa chúng tôi đến ký túc xá là một ngôi nhà 5 tầng đầy đủ tiện nghi trên phố yatakara iarôsa, bên cạnh ký túc xá sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Kharkov.

Khóa sinh viên khoa thư viện chúng tôi hồi ấy có 12 người, cả nam lẫn nữ đến từ các tỉnh thành ở cả 3 miền Bắc Trung Nam. Những đứa con xa nhà, xa Tổ quốc Việt Nam sẽ gắn bó, đùm bọc nhau trong suốt 5 năm trời trên đất bạn. Qua những buổi tiếp xúc ban đầu với các bạn người Nga, qua khung cảnh  mùa thu vàng và nhất là được sự quan tâm giúp đỡ của nhà trường, chúng tôi cảm thấy ấm lòng, dễ chịu như khi ở nhà (dù cho cách xa nhà tới nửa vòng trái đất). Về nơi ăn, chốn ở, chúng tôi được bố trí ở 2 người 1 phòng trong ký túc xa sinh viên khá đầy đủ tiện nghi, có tivi, lò sưởi, tủ đựng quần áo, bàn ghế học tập... (một người nước ngoài ở cùng 1 sinh viên Nga, để chúng tôi được học thêm tiếng Nga qua giao tiếp, được bạn Nga giúp đỡ về học hành, thi cử và khi cần thiết). Trong ký túc xã có bếp ăn và khu nấu ăn từng tầng. Mỗi khi nấu nướng, chúng tôi đều được các bạn sinh viên Nga ưu tiên dùng bếp trước, rất lịch sự, vui vẻ.

Sinh viên Việt Nam trượt tuyết trong kỳ nghỉ đông cùng các trẻ em Nga (năm 1982)

Về học hành, thi cử, ban đầu khi mới vào học năm thứ nhất, chúng tôi khá chật vật vì vốn tiếng Nga còn ít, sau cũng quen dần. Mỗi lớp học, có trên 100 sinh viên (kể cả người Nga và người nước ngoài, đến từ các nước: Việt Nam, Lào, Ảrập, Palestin, Etiôpia, Cônggô, Cu-Ba); các bạn sinh viên nước ngoài ít, nên được khoa và nhà trường thường ưu tiên ngồi ngay những hàng đầu để nghe và ghi chép bài vở thuận tiện, Điều chúng tôi rất cảm động là trong các bài giảng hay cuối mỗi buổi học, các thầy cô và các sinh viên Nga hay hỏi chúng tôi xem có hiểu bài không, có cần giải thích hay phụ đạo thêm gì không (đôi khi do các giáo sư giảng bài nhanh, chúng tôi không ghi kịp hết các ý thầy giảng, các bạn Nga lại cho mượn vở để chép lại...).

Dù vốn tiếng Nga-công cụ chính để giao tiếp và học hành, thi cử và khám phá cuộc sống ở đất nước Xô viết của chúng tôi khá dần theo năm tháng; song mỗi kỳ thi với chúng tôi là những thử thách không hề nhỏ (là những cựu sinh viên học ở nước Nga thời kỳ ấy, chúng tôi vẫn hay đùa nhau bằng những câu thơ vui, tếu táo dành cho sinh viên: “5 năm là 9 kỳ thi, một lần đồ án, còn gì là xuân”). Bởi chúng tôi và hầu như tất cả sinh viên, nghiên cứu sinh... học ở Nga đều phải trả thi bằng tiếng Nga, tức là thầy, cô giáo hướng dẫn đề cương ôn thi, chúng tôi học và đọc gần như cả quyển (có tài liệu hàng trăm trang tiếng Nga); rồi biên soạn đề cương, tự soạn câu trả lời/đáp án. Chỉ có chỗ nào, câu nào chưa hiểu thì mới tra từ điển, hoặc hỏi bạn bè, chứ không thể nào dịch ra tiếng Việt được vì không có thời gian. Tóm lại mỗi kỳ thi chúng tôi phải đánh vật cả tháng trời, có hôm thức đến 1-2 giờ sáng mới đi ngủ. Rất nừng là chúng tôi đều đã qua được các kỳ thi các môn/kỳ thi tốt nghiệp với điểm thi khá và giỏi. Có thể nói rằng, qua việc học hành, thi cử những năm tháng ấy, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, chúng tôi luôn được nhà trường, các thầy cô giáo và bạn bè Nga giúp đỡ chân tình, không chỉ với trách nhiệm, mà còn bằng cả tấm lòng, tình thương mến, trên tinh thần quốc tế vô sản cao cả v.v....).

Nếu cuộc sống là những mảnh ghép, thì ngoài thời gian học tập trên giảng đường, chúng tôi còn dành thời gian đi dạo phố, xem phim, xem kịch, thưởng thức nghệ thuật, tham qua bảo tàng, đi chợ mua sắm.... Những năm tháng ấy, chúng tôi đi đâu cũng được người dân Nga quí mến, giúp đỡ hết sức thận tình (như bản chất người Nga vậy). Nhiều bạn sinh viên và cá nhân tôi từng chứng kiến, có lúc đi hỏi đường, chúng tôi đều được người dân Nga chỉ đường rất tận tình, chu đáo (thậm chí nếu họ không bận, nơi chúng tôi cần tới cũng không xa, họ sẵn sàng đưa chúng tôi tới nơi, rồi mới đi tiếp công việc của họ). Nhiều khi mua sắm, người Nga rất có ý thức và xếp hàng, thấy sinh viên Việt Nam muốn mua gì đó, họ bảo nhau ưu tiên cho chúng tôi lên hàng trên và được mua trước? với những nụ cười thân thiện, dễ gần?

Điều đặc biệt nữa là trong ký túc xá, các sinh viên khi gặp nhau đều chào hỏi thân thiện, không chỉ về học hành, thi cử, mà còn về đời sống, về quê hương, đất nước. Sinh viên Việt Nam chúng tôi rất cảm động khi các bạn người Nga và bạn bè quốc tế thường xuyên hỏi thăm chúng tôi về gia đình, Tổ quốc Việt Nam, về những khó khăn mà Việt Nam đang phải trải qua để hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới. Điều đó khiến chúng tôi thực sự ấm lòng và cảm động vì những sự quan tâm và nghĩa cử cao đẹp đó của các bạn Nga dành cho chúng tôi trong những thời khắc xa nhà, xa quê hương (trong những sinh viên Việt Nam chúng tôi, qua 5 năm học tập, chỉ có ít người có điều kiện về phép 1 lần thăm Việt nam, còn lại hầu hết từ khi sang đến khi về nước, chúng tôi không có lần nào về Việt Nam thăm quê hương, vì phải tự túc tiền vé đi-về rất tốn kém). Bên cạnh việc học tập, chúng tôi còn có những kỳ nghỉ đông, nghỉ hè, tham quan du lịch trên đất nước Liên Xô tươi đẹp với nhiều kỷ niệm tuyệt vời và thú vị. Còn nữa, nhiều nữa kỷ niệm của những năm tháng tuổi trẻ tuyệt vời ấy.

Bạn hỏi gì về những kỷ niệm và nhận xét của tôi về nước Nga thời đó ư ? có lẽ tôi chỉ xin nêu 2 cảm nghĩ sau:

1. Chúng tôi may mắn được Đảng và Nhà nước ta cử sang Liên Xô học tập, để sau này về phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và chúng tôi đã nhận được sự đùm bọc, quý mến với tình thương bao la của Tổ quốc Liên Xô-nước Nga vĩ đại (như một Tổ quốc thứ hai của mình); để chúng tôi khôn lớn và trưởng thành; đặc biệt chúng tôi cảm nhận được một tình thương bao la với một “tâm hồn Nga - tính cách Nga” (không thể lẫn với một dân tộc nào khác)-một dân tộc đã trải qua bao đau thương, mất mát, hy sinh trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (thế chiến II); điều đó có thể cắt nghĩa sự trùng hợp và đồng điệu với dân tộc ta, khi Việt Nam cũng trải qua chiến tranh với nhiều mất mát hy sinh. Còn một điều này nữa, nếu bạn đã đọc những tiểu thuyết Nga như: Con đường đau khổ (A. Tônxtôi), Chiến tranh và hòa bình (Lép Tônxtôi); Bông hồng vàng (Pautốpxki); truyện ngắn của A.Trê-khốp; đặc biệt thơ của A.Puskin; Lec-môntốp, Maiacốp xki, bạn sẽ hiểu được cụ thể hơn, rõ hơn thế nào là “Tâm hồn nga-tính cách Nga”, như thiên nhiêu bao la đã ban tặng, như bản thể cuộc sống của dân tộc đã được hun đúc qua nhiều thế kỷ. Đó là những kỷ niệm, ký ức tuyệt với tôi - những năm tháng tuổi trẻ không thể nào quên.

2. Nhìn rộng ra trên bình diện quốc gia, quốc tế: tôi nghĩ Đảng và nhân dân Liên Xô những năm tháng ấy đã luôn luôn sát cánh và giúp đỡ nhân dân Việt Nam (không chỉ vật chất và tinh thần, mà cả nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực quân sự, dân sự...), để chúng ta chiến đấu và chiến thắng các kẻ thù xâm lược hùng mạnh trong thế kỷ XX. Không chỉ có vậy, với tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã cử hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, sinh viên sang Liên Xô đào tạo, học tập, công tác để phục vụ cho chiến tranh giữ nước và xây dựng hòa bình hôm nay. Sự thật là, rất nhiều cán bộ trong số đó, đã và đang phát huy được vai trò, vị trí, sở trường của mình trong việc tham gia quản lý và điều hành đất nước ở TW và các địa phương- nhất là công cuộc đổi mới hôm nay. Bởi nhiều người trong số họ đã lĩnh hội được những kiến thức tiến tiến của một đất nước siêu cường trên thời giới thời đó (đứng đầu phe XHCN), đồng thời họ đã được học tập, trải nghiệm cuộc sống trên đất nước V. I. Lênin vĩ đại, với mục tiêu và lý tưởng cao đẹp, với kiến thức khoa học & kỹ thuật hiện đại trên thế giới. Đó có lẽ là bệ phóng, là nền tảng để nhiều anh chị em chúng tôi về nước sẵn sàng phục vụ & cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam hôm nay và mai sau.

Là những học sinh được học tập và sống trên đất nước Liên Xô tươi đẹp những năm tháng đó, tôi vô cùng biết ơn Đảng và nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô đã cho chúng tôi những cơ hội may mắn đó. Đó cũng là những kỷ niệm đẹp đẽ, êm đềm nhất-những ký ức thời tuổi trẻ không thế nào quên với mỗi chúng tôi trong cuộc đời.

                                                                                        NGUYỄN HỮU GIỚI

                                        Cựu Lưu học sinh Việt nam tại Liên Xô (năm 1978-1983)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top